Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ bỏ cơ hội học tiến sĩ ở Mỹ để bán đồ ăn lề đường tại Trung Quốc

Áp lực học tập khiến chàng trai 24 tuổi ở Trung Quốc từ bỏ con đường giáo dục bậc cao học để trở thành một người bán hàng ở trước cổng trường cũ.

Fei Yu bỏ học cao học, từ chối cơ hội du học Mỹ để bán đồ ăn lề đường. Ảnh: SCMP.

SCMP đưa tin một chàng trai trẻ ở Trung Quốc tên là Fei Yu (24 tuổi) khiến dân mạng Trung Quốc chú ý khi quyết định từ bỏ chương trình học thạc sĩ tại Đại học Phúc Đán để mở một quầy bán đồ ăn vặt.

Trước khi đưa ra quyết định bất ngờ này, Fei từng theo đuổi con đường trở thành sinh viên ưu tú ở Trung Quốc, theo Jiupai News.

Dù xuất thân từ một gia đình nghèo ở tỉnh Tứ Xuyên, Fei đã nỗ lực học tập để được vào Đại học Tứ Xuyên - một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Trung Quốc.

Sau khi tốt nghiệp vào mùa hè năm 2022, Fei được nhận vào chương trình sau đại học của Đại học Phúc Đán. Đáng chú ý, anh không cần tham dự kỳ thi đầu vào nhờ điểm số trong 5 năm đại học luôn đứng top đầu.

Tuy nhiên, sau chỉ một học kỳ cao học tại Đại học Phúc Đán, Fei quyết định bỏ học vào đầu năm 2023. Chàng trai 24 tuổi cho biết anh không thể tiếp tục việc học do bị trầm cảm, mất ngủ và gặp các vấn đề về dạ dày vì áp lực và bị giảng viên hướng dẫn đối xử tệ bạc.

Sau một năm rảnh rỗi ở nhà, Fei nộp đơn xin du học. Anh nộp hồ sơ vào các chương trình tiến sĩ về y học dự phòng tại một số trường đại học công lập ở Mỹ và được một trường cấp học bổng vào đầu năm 2025.

Tuy nhiên, do cắt giảm tài trợ dưới thời Tổng thống Donald Trump, trường đại học này đã rút suất hỗ trợ tài chính dành cho Fei. Điều này khiến anh phải từ bỏ kế hoạch du học vì không có khả năng chi trả sinh hoạt phí.

Sau đó, Fei nảy ra ý tưởng kiếm tiền bằng việc mở quầy bán đồ ăn vặt. Vào ngày 10/3, anh bắt đầu mở quầy bán khoai tây nghiền gần cổng trường Đại học Tứ Xuyên.

Mỗi ngày, anh dành khoảng 4 giờ để chuẩn bị khoai tây nghiền và các nguyên liệu khác trước khi mở quầy vào lúc 17h. Công việc kinh doanh kéo dài 2-3h cho đến khi bán hết hàng.

"Việc này rất mệt, nhưng tôi không còn chịu áp lực tâm lý từ việc học hành. Khi thoát khỏi việc học hay nghiên cứu khoa học, tôi cảm thấy mình đã bước vào một thế giới mới", Fei nói.

Đến nay, việc kinh doanh của Fei Yu vẫn diễn ra suôn sẻ với lượng khách khá đông, ổn định. Anh kiếm được 700-1.000 nhân dân tệ mỗi ngày, tương đương 95-140 USD.

Chia sẻ về câu chuyện của bản thân, Fei nói rằng anh không thấy xấu hổ. Ngược lại, việc được nhiều người biết đến qua mạng xã hội và đến mua ủng hộ là một điều tốt.

Khi bị một số người chỉ trích vì làm lãng phí nguồn lực giáo dục, Fei phản đối, đồng thời khẳng định việc từ bỏ chương trình thạc sĩ và làm công việc trái ngành không phải điều đáng tiếc. "Đối với tôi, kết quả không quá quan trọng, quá trình mới là điều đáng giá", cựu sinh viên Đại học Tứ Xuyên nói.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Từ đứa trẻ bị bán đến 'bố già ngành sữa' trị giá 410 triệu USD

Bị cha mẹ bán ngay khi mới lọt lòng, ông Niu Gensheng vượt nghịch cảnh để sáng lập đế chế kem Aice trị giá 410 triệu USD, trở thành biểu tượng ngành sữa Trung Quốc.

Thái An

Bạn có thể quan tâm