Ngày 26/8, gia đình ông Say tự nấu cỗ đãi khoảng 300 thực khách. Sau bữa trưa, 185 người gồm 52 nam, 69 nữ và 64 trẻ em có triệu chứng ngộ độc như chóng mặt, buồn nôn.
Các nạn nhân được cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Thuận Bắc, trong đó 90 trường hợp nặng được chuyển lên BV tỉnh Ninh Thuận. Sau 2 ngày điều trị, những người ngộ độc nhẹ đã ổn định và xuất viện.
Nhận diện tụ cầu vàng gây bệnh
Năm 1878, Robert Koch (người tìm ra vi khuẩn Lao) phát hiện TCV từ mủ mụn nhọt và phân lập được TCV. Tụ cầu khuẩn có 3 loại: Tụ cầu da, tụ cầu hoại sinh và TCV, trong đó TCV gây nhiều bệnh nhất: Nhiễm khuẩn da (viêm nang lông, mụn nhọt, các ổ áp-xe dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề, viêm tấy đỏ một vùng da); viêm tuyến vú ở mẹ thời kỳ cho con bú; viêm phổi; viêm phổi - màng phổi; apxe phổi; viêm màng não mủ; nhiễm độc thức ăn và viêm ruột cấp; gây hội chứng phỏng rộp và chóc lở da ở trẻ em; hội chứng sốc nhiễm độc ở phụ nữ khi có kinh và người nhiễm trùng vết thương; viêm tủy xương, viêm cơ tim; viêm màng trong tim..., là những bệnh cấp tính, nặng có thể gây tử vong; nặng nhất là nhiễm khuẩn máu gây tử vong cao do suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Nhiễm khuẩn huyết do TCV thường xuất phát từ một ổ nhiễm trùng nào đó trên cơ thể (áp-xe, mụn nhọt, chốc đầu hoặc vết mổ nhiễm khuẩn, vết thương, bỏng, nhiễm khuẩn sau nạo phá thai, sót rau sau đẻ - quen gọi là sốt hậu sản...). Khoảng 25-30% người mang TCV ở da, mũi và hầu họng. Khi da hay đường hô hấp bị tổn thương hoặc cơ thể suy yếu, TCV sẽ xâm nhập mô hay vào máu gây bệnh hoặc gây bệnh đường thở.
Ngoài ra, gây bệnh còn do TCV từ môi trường xâm nhập cơ thể qua các thương tích, vì đã tìm thấy chúng ở khắp mọi nơi trong tự nhiên. TCV tiết ra nhiều loại độc tố, như loại phá hoại màng tế bào làm vỡ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu; phá hoại chất căn bản của mô làm vi khuẩn lan rộng; độc tố ruột (enterotoxin); độc tố sinh mủ; độc tố phá hủy thượng bì da (gây phồng rộp, lở loét).
Tụ cầu vàng dưới kính hiển vi điện tử. |
Độc tố TCV khá bền với nhiệt: Nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút chưa bị phá hủy. Vì vậy, thức ăn nấu chín, dù TCV chết hết nhưng độc tố vẫn tồn tại. Muốn khử hoàn toàn độc tố TCV, phải đun sôi liên tục ít nhất 2 giờ.
Những thực phẩm dễ bị nhiễm TCV nhất là trứng, thịt gia súc, gia cầm (gà), cá ngừ, salad, khoai tây, các loại bánh nướng có kem và các sản phẩm từ sữa...
Thời gian ủ bệnh khi ăn phải thức ăn có TCV rất ngắn, khoảng từ 1-6 giờ, trung bình là 3 giờ. TCV không gây ra dịch, nhưng vẫn thường xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm cho nhiều người.
Gây nhiều ca bệnh trầm trọng
Em Vũ Huy Hoàng, 19 tuổi, ở số 13/178, Trần Quang Khải, TP Nam Định vừa lúc biết mình trúng tuyển Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội thì bị nhiễm khuẩn máu do TCV. Sau vài biểu hiệu đơn giản mà thông thường nhiều người coi như chuyện lặt vặt là một cái mụn mọc ở chân, mấy hôm sau thì đau bụng, sốt, để rồi lâm vào tình trạng vô cùng nguy kịch do biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân phải thở máy do không thể tự thở và suy thận nặng nên đáng ra phải tiến hành lọc máu liên tục. Nhưng gia đình không có kinh phí để sử dụng quả lọc liên tục nên Khoa hồi sức cấp cứu, BV Bạch Mai, Hà Nội buộc phải cho bệnh nhân lọc máu ngắt quãng tuy biết rõ hiệu quả không tốt bằng lọc liên tục.
Với tình trạng rất nghiêm trọng như vậy, bệnh nhân phải được nhanh chóng áp dụng các biện pháp cấp cứu hiệu quả mới mong giữ được tính mạng. Ngặt là kinh tế gia đình khó khăn, bố không lương hưu, mẹ đang cấp cứu ở BV tỉnh Nam Định, bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế, thì số tiền điều trị phải chi trả đến hàng trăm triệu đồng là quá lớn, không biết chạy vào đâu!
Chị Nguyễn Hải H, 21 tuổi, ở phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi đã tử vong sau một tuần mắc bệnh. Ba ngày đầu chỉ là ho, sốt, “cảm cúm”, tự điều trị có cả truyền dịch không khỏi, chị đến BV Thanh Nhàn thuộc quận để khám.
Trong lúc chờ khám, chị bị ngất, được chuyển vào phòng cấp cứu, rồi đến BV Bạch Mai. BV Bạch Mai chẩn đoán xác định bệnh nhân nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng do “siêu” vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh là TCV.
Sau một tuần điều trị ở khoa Hồi sức tích cực, đã sử dụng mọi biện pháp tốt nhất, mạnh tay nhất hiện có, với chi phí chạy chữa khoảng 300 triệu đồng nhưng H đã không qua được!
Kháng thuốc kháng sinh
Gây ra nhiều ca bệnh hiểm nghèo nhưng TCV lại có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh (KS), kể cả những loại KS rất mạnh thuộc thế hệ mới.
Khởi đầu, từ những năm 60 của thế kỷ trước, người ta phát hiện ra TCV kháng lại các KS Penicillin, rồi sau này đến Ampicillin, Amoxicillin, Oxacillin... và tình trạng TCV kháng thuốc KS thực sự trầm trọng từ giữa thập niên 80. Y học phát hiện ra rằng TCV có khả năng tiết ra men penicillinase (hay betalactamase) có tác dụng phá hủy vòng betalactam - cấu trúc cơ bản của các KS nói trên - làm cho các KS này mất tác dụng.
Có được “năng lực nổi loạn” này là do một gene bẩm sinh, di truyền qua các thế hệ của TCV mà y học đã biết, có tác dụng sinh ra những men để chống lại sự tiêu diệt của các loại vi khuẩn khác, các men này “vô tình” chống lại KS hay dược chất...
Để đối phó với khả năng kháng thuốc của TCV, người ta điều chế ra Methicillin, một loại Penicillin bán tổng hợp tiêu diệt mạnh TCV kháng các KS nhóm betalactam thì sau một thời gian lại thấy xuất hiện loại TCV kháng cả Methicillin.
Hiện nay, nhiễm trùng bệnh viện - nhiễm trùng ở bệnh nhân điều trị nội trú tại viện - là một vấn đề lớn của y tế toàn cầu, một thách thức lớn, nan giải trong điều trị nhiễm khuẩn. Bởi nhiễm trùng BV hầu hết do các loại vi khuẩn kháng KS gây ra, trong đó có vai trò lớn của TCV.
Năm 2005, ở Mỹ có khoảng 19.000 người chết vì nhiễm trùng bệnh viện. Ở Việt Nam, chương trình giám sát thuốc KS của Bộ Y tế cho biết, TCV kháng Methicilin lên tới 41,7%; nghiên cứu của BV bệnh nhiệt đới quốc gia: 40%; BV Bạch Mai, Hà Nội và Chợ Rẫy, TPHCM: 50%.
Một nghiên cứu trên 7 BV (Đà Nẵng; Cần Thơ; An Bình, Nguyễn Tri Phương, Nhân Dân Gia Định, Nhi Đồng 1 và Chấn thương chỉnh hình Trần Hưng Đạo, TPHCM cho thấy trên 235 chủng TCV phân lập được (xác định rõ danh, tính và AND), có 110 chủng kháng Methicillin: 46,8%...
Để “chạy đua” với các loại vi khuẩn kháng KS (không chỉ có TCV), người ta luôn luôn nghiên cứu, điều chế ra những KS rất mạnh, như Vancomycin, Colistin, Telavancin, Linezoid... được coi như “bảo bối” để đặc trị những vi khuẩn cứng đầu.
Tuy nhiên, những “bảo bối” này không nhiều và không sớm thì muộn cũng bị vi khuẩn kháng lại. Gần đây, Mỹ thông báo 3 ca kháng Vancomycin và 24 ca khác trên thế giới Vancomycin giảm tác dụng với TCV.
Ác hại là tình trạng TCV kháng thuốc không chỉ gây bệnh trong phạm vi các BV mà gần đây đã có nhiều ca TCV kháng thuốc gây bệnh trong cộng đồng, nghĩa là ở những người khỏe mạnh. Ca mắc TCV tại cộng đồng đầu tiên phát hiện ở Mỹ năm 1982, sau đó các quốc gia đều thông báo tình trạng này và số ca mắc cũng như độ nặng tăng dần lên.
Ở BV Bạch Mai, Hà Nội, hàng năm có 13,9% số ca mắc bệnh do TCV nhập viện trong tổng số các ca bệnh nhiễm khuẩn. Có bệnh nhân khi các BS sử dụng KS thế hệ thứ 2 thuộc dòng KS cephalosporin (dòng mạnh nhất trong nhóm betalactam hiện nay), nhưng sau 5 ngày vẫn sốt cao, phải dùng thế hệ 3 của dòng này, mới có hiệu quả.
Trẻ sơ sinh, người bệnh tiểu đường, suy thận mãn tính dễ bị TCV xâm nhập nhất, sau đó là những người lạm dụng thuốc KS. Nguồn lây nhiễm TCV là vệ sinh kém khi nấu nướng hay bảo quản thực phẩm; từ thực phẩm hết hạn sử dụng và các tổn thương trên tay người chế biến thực phẩm mang mầm bệnh.
Rửa tay kỹ với xà phòng hay chất diệt khuẩn trước và sau công việc; hạn chế hoặc không tiếp xúc với tay vịn cầu thang, khóa vòi nước, tay nắm cửa... nhất là trong BV và nơi đông người là cách tốt nhất tránh nhiễm khuẩn.