2000 năm trước, bên bờ sông Nile của nền văn minh Ai Cập, có một loài muỗi mà khoa học sau này gọi là Aedes Aegypti (muỗi vằn), đã cố gắng sinh sôi nảy nở để gieo rắc nỗi sợ hãi kinh hoàng bằng một mầm bệnh giết người.
Truyền thuyết của đạo Hồi kể lại rằng môn đồ Nimrod vì quá ngông cuồng và ngạo mạn đã thách đấu với Thánh Allah. Ngài đã phái những con muỗi - sinh vật tưởng như nhỏ bé và yếu ớt nhất trên trái đất - để đánh bại đội quân hùng hậu của Nimrod. Chúng chui vào trong não của quân lính và cắn xé các dây thần kinh, Nimrod cũng không phải ngoại lệ. Ông ta đã bị những cơn đau khủng khiếp hành hạ, cho tới khi không thể chịu đựng nổi và phải sai quân lính đập vỡ sọ của mình để cho muỗi thoát ra ngoài.
Theo thời gian, sốt xuất huyết trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều huyền thoại mang màu sắc khát máu. Nhưng các nhà khoa học, chuyên gia y tế, chuyên gia kiểm soát dịch bệnh lại chỉ quan tâm đến sự lan tràn của bệnh trong hơn nửa thế kỷ trở lại đây.
Sốt xuất huyết: Bệnh của quỷ
Cùng với sự phát triển của dân số thế giới, muỗi cũng xâm nhập đến mọi ngóc ngách trên trái đất. Chúng sinh sản ngay trong nơi con người sinh sống, hút máu người, phát tán bệnh tật nguy hiểm, điển hình là sốt xuất huyết.
Xưa kia, Ka-dinga pepo là tên những người vùng Châu Phi dùng để chỉ bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes Aegypti truyền. Theo tiếng Swahili, nó có nghĩa là “Bệnh của quỷ”. Căn bệnh là nỗi ám ảnh bởi người mắc phải nó chỉ sau 2-3 ngày cơ thể sẽ bị đảo lộn, suy yếu từ bên trong, nội tạng đổ vỡ do xuất huyết.
Cùng với sự phát triển của dân số thế giới, muỗi cũng xâm nhập đến mọi ngóc ngách trên trái đất. Ảnh: Attachedmoms |
Căn bệnh Ka-dinga pepo mới đầu chỉ xuất hiện ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Qua nhiều thế kỷ, những người nô lệ và thương nhân bán rượu rum, họ mang virus trong cơ thể đi khắp thế giới. Đến thế kỉ XVII, Ka-dinga pepo đã cập cảng Boston và Philadelphia (Mỹ).
Căn bệnh là nỗi ám ảnh bởi người mắc phải nó chỉ sau 2-3 ngày cơ thể sẽ bị đảo lộn, suy yếu từ bên trong, nội tạng đổ vỡ do xuất huyết.
Mùa thu năm 1780, một dịch bệnh lạ xảy ra ở thành phố Philadelphia (Mỹ). Các triệu chứng của bệnh giống như Ka-dinga pepo diễn ra ở châu Phi và Caribe. Bác sĩ Benjamin Rush là người trực tiếp tham gia điều trị và khống chế ổ dịch, đã đưa ra những mô tả độc lập về căn bệnh mà ông gọi là “sốt đứt gãy” (Breakbone Fever).
Mô tả của bác sĩ Rush không phải là đầu tiên, nhưng được coi là tốt nhất so với trước đó. Thuật ngữ “Breakbone Fever” mà bác sĩ Rush sử dụng, chỉ là bước nhảy về ngôn ngữ, bắt đầu từ tiếng Swahili là “Bệnh của quỷ - Ka dinga pepo”, chuyển sang tiếng Tây Ban Nha nổi tiếng thế giới hôm nay là “Sốt Dengue” (sốt xuất huyết).
Năm 1950, bản đồ dịch bệnh thế giới mô tả sốt xuất huyết vẫn còn rất hạn chế, chỉ ít màu sắc như một cái đuôi ở Nam Phi, một quả cầu nhỏ ở Đông Nam Á, một dải màu mảnh mai ở Nam Mỹ. Nhưng đến hôm nay, nó đã rộng lớn như một hộp màu đổ loang hết cả nửa dưới của tấm bản đồ.
Nửa cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, virus Dengue đã và đang thật sự là mối đe dọa, lan tràn với mức khủng khiếp, thế giới luôn trong tình trạng báo động, không khác gì thảm họa cháy rừng ở Nam Phi, là cơn ác mộng ngay cả với nước Mỹ có hệ thống y tế hùng mạnh bậc nhất.
Căn bệnh có lịch sử lâu đời này đã xuất hiện trở lại mạnh mẽ trong 20 năm qua, với nhiều ổ dịch mới và ở nhiều vùng địa lý. Năm 1998, sốt dengue là bệnh lây nhiễm nhiệt đới phổ biến nhất chỉ sau sốt rét, với khoảng 100 triệu ca, trong đó có 500.000 bệnh nhân sốt xuất huyết và 25.000 người chết mỗi năm.
Theo ước tính của WHO, hàng năm khoảng 2,5 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh và 50-100 triệu người mắc bệnh. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng cao - tăng gấp 30 lần so với năm 1960.
Sốt xuất huyết trở thành bệnh truyền nhiễm qua côn trùng hút máu phổ biến nhất thế giới. Các tác giả của cuốn sách “Frontiers in Dengue Virus Research” (Tạm dịch: Những lĩnh vực trong nghiên cứu virus Dengue) đánh giá đây là “bệnh cũ lây lan với tốc độ mới”.
Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện rải rác từ khá lâu. Tuy nhiên, năm 2017, dịch bệnh bùng phát ở hai thành phố lớn là Hà Nội (14.000 người mắc) và TP.HCM (16.500 người mắc), sau đó lan ra các vùng lân cận. Theo Bộ Y tế, tính từ tháng 1 tới tháng 8/2017, toàn Việt Nam có 80.500 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó 70.000 trường hợp phải nhập viện và 24 người đã tử vong.
“Đừng bao giờ nghĩ một con muỗi bay ngang qua cánh đồng là vô hại”
Câu chuyện về sự trừng phạt của Thánh Allah đối với môn đồ Nimrod cho thấy sức mạnh khủng khiếp của muỗi. Chúng đem trong mình những mầm bệnh chết chóc của vi khuẩn, virus và kí sinh trùng. Hàng năm, gần 700 triệu người mắc các bệnh truyền qua muỗi, trong đó hơn một triệu người tử vong.
Đối với sốt xuất huyết, cách duy nhất để virus dengue lây lan là khi muỗi vằn đốt ai đó bị nhiễm bệnh và sau đó lại đốt người chưa mang virus. Càng nhiều người sống ở khu đông dân cư, nơi việc kiểm soát muỗi yếu kém hoặc không hiệu quả, khả năng chúng truyền virus cho người khác càng cao. Theo Cục kiểm soát bệnh dịch Mỹ, sốt xuất huyết đã trở thành dịch ở nhiều vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Dịch lặp lại hàng năm vào mùa mưa, khi muỗi sinh sản.
Muỗi vằn ở vùng không có người sinh sống chỉ hút máu động vật. Tuy nhiên, số lượng sống trong khu dân cư luôn tìm kiếm nguồn thức ăn từ máu người. Trứng của muỗi Aedes aegypti có thể tồn tại từ 2-3 năm. Chỉ cần có chút nước, trứng có thể nở thành bọ gậy, sau đó phát triển thành cung quăng rồi muỗi trưởng thành trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, việc tiêu diệt hoàn toàn muỗi vằn là một điều gần như không thể.
Chúng sống trong môi trường nhiệt đới, thích đẻ trứng vào các vật chứa nước nhân tạo trong và quanh nhà ở của con người, như bình hoa, lốp xe cũ, xô nước mưa... Những vật chứa nước to hơn như thùng, bể xi măng có thể tạo ra một lượng lớn muỗi vằn.
Muỗi cái trưởng thành thường trú trong nhà và hay đốt người vào ban ngày, với hai giai đoạn cao điểm là 2-3h sáng và buổi chiều. Muỗi cái rất nhạy cảm và có thể ngừng ăn khi nhận thấy một chuyển động nhỏ, sau đó trở lại tiếp tục đốt người. Chính hành vi này khiến một con muỗi vằn cái có thể đốt nhiều người trong một cữ ăn, và truyền virus dengue cho nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn, ngay cả khi mới chỉ cắm vòi và chưa kịp hút máu.
Cuộc chiến giữa người và muỗi bao giờ có hồi kết?
Để phòng bệnh, những loại vắc xin đầu tiên được các nhà khoa học Nhật Bản và Mỹ phát triển sau khi xác định virus gây bệnh. Dù vậy, thế giới vẫn chưa tìm ra một loại vắc xin an toàn và hiệu quả cho căn bệnh này.
Vấn đề chính là sốt xuất huyết không chỉ có một mà tới bốn loại virus, chia thành 4 type: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Trong một năm, một vùng có thể bùng phát dịch do một, hai hoặc thậm chí cả 4 type virus trên. Đồng thời, chúng dị biến rất nhanh, khiến hệ miễn dịch của con người khó chống chọi.
Với phần lớn các loại virus, người đã mắc và khỏi bệnh thường sẽ có kháng thể giúp cơ thể chống lại chúng trong lần nhiễm sau. Vắc xin được xây dựng trên cơ chế tương tự. Tuy nhiên, do sự phức tạp của virus, người có kháng thể Dengue 1 vẫn không thoát khỏi ba loại còn lại.
Mới đây, vắc xin Dengvaxia chống sốt xuất huyết đã được lưu hành ở Mexico, Brazil, El Salvador và Philippines. Hiệu quả của chúng không cao, còn nhiều nhược điểm và chi phí đắt đỏ. Với sự phát triển của công nghệ phân tử hiện đại, các nhà khoa học đã đạt được một số thành công nhất định trong nghiên cứu vắc xin cho sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một loại vắc xin chống virus dengue hiệu quả, an toàn và kinh tế chưa thể xuất hiện trong tương lai gần.
Ngoài việc tìm kiếm vắc xin, các nhà khoa học còn thử nghiệm nhiều giải pháp khác để đối đầu với muỗi vằn.
Khả năng sinh sản và thích ứng cao trong môi trường có con người sinh sống khiến muỗi là kẻ thù khó tiêu diệt. Trong Thế chiến II, các nhà khoa học đã sử dụng DDT để tiêu diệt muỗi Anopheles gambiae truyền bệnh sốt rét. Chúng còn có thể diệt cả muỗi vằn, chặn đứng dịch sốt rét và sốt dengue ở Trung và Nam Mỹ.
Tuy nhiên, từ cuối thập niên 60, DDT bị ngừng sử dụng do vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường. Điều này kết hợp với việc các chương trình phòng chống sốt rét giảm dần khiến muỗi vằn và bệnh dengue trở lại.
Kiểm soát vật trung gian truyền bệnh là bài toán khiến các nhà khoa học đau đầu. Đến nay, nhiều biện pháp thay thế việc sử dụng hóa chất đã được đưa ra. Một trong những cách kiểm soát quen thuộc nhất là SIT (kỹ thuật vô sinh hóa côn trùng).
Lượng lớn muỗi đực vô sinh được thả ra môi trường để giao phối với muỗi cái hoang dã. Nếu số muỗi cái không thể sinh sản được đủ lớn, số lượng muỗi sẽ giảm dần và tiêu biến. Phương pháp này đã được áp dụng thành công với nhiều loại sâu bệnh trong nông nghiệp.
Biện pháp khác là dùng muỗi đực đã được biến đổi gene. Trứng đẻ ra sau khi giao phối với loại muỗi đực này, nếu là muỗi cái, sẽ chết trong giai đoạn khi còn là bọ gậy, cung quăng.
Tại Việt Nam, ngoài các biện pháp phòng dịch thông thường như dọn dẹp môi trường, phun thuốc khử muỗi, các nhà khoa học đang tiến hành thử nghiệm việc dùng muỗi vằn Aedes aegypti mang Wolbachia để khống chế quần thể muỗi ở Nha Trang.
Wolbachia là vi khuẩn tự nhiên có ở 60% các loài côn trùng, trong đó có một số loại muỗi. Tuy nhiên, vi khuẩn này thường không sống trong muỗi vằn. Khi có trong cơ thể muỗi Aedes aegypti, chúng có khả năng ức chế sự phát triển của các virus Dengue, Chikungunya và Zika.
Khi muỗi đực mang Wolbachia được thả vào môi trường, các con cái giao phối với chúng sẽ không thể sinh sản. Nếu muỗi cái nhiễm Wolbachia, vi khuẩn này sẽ truyền sang các thế hệ con cái. Nhờ thế, Wolbachia sẽ có mặt trong cộng đồng muỗi lâu dài, không cần bổ sung. Đây là giải pháp tiết kiệm, bền vững và lâu dài do các nhà khoa học Australia phát hiện ra.
Năm 2013, muỗi mang Wolbachia đã được thả thí điểm tại đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang). Từ đó tới nay, đảo Trí Nguyên không có dịch sốt xuất huyết, dù năm 2015 và 2016 tại TP Nha Trang có dịch lớn.
Những hành động trên thể hiện nỗ lực của các nhà khoa học trong cuộc chiến với muỗi vằn. Nhưng cuộc chiến ấy không chỉ dành riêng cho các nhà khoa học, đó là cuộc chiến của toàn nhân loại.