Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ chối nuôi em trai, cô gái Trung Quốc bị cha mẹ kiện

Không có điều kiện nhưng vẫn cố sinh con trai, một cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã kiện con gái ruột ra tòa vì không chấp nhận thay cha mẹ nuôi em nhỏ.

Zing trích dịch bài đăng trên Sohu, nói về vụ việc một thiếu nữ 22 tuổi bị cha mẹ ruột kiện ra tòa vì không chấp nhận nuôi dưỡng em nhỏ. Bi kịch trên là hệ lụy của chính sách 1 con và tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cố hữu trong xã hội Trung Quốc.

Ngày 8/9, truyền thông Trung Quốc đưa tin Lệ Lệ - một thiếu nữ 22 tuổi - bị bố mẹ ruột kiện ra tòa vì từ chối nuôi dưỡng em trai 2 tuổi. Kết quả, cô gái thua kiện, buộc phải thay gia đình chăm sóc cậu em cho đến tuổi trưởng thành.

Theo Sohu, Lệ Lệ vốn lanh lợi và cầu tiến trong học tập. Vì hoàn cảnh khó khăn, cô đã tự trang trải mọi chi phí ĐH bằng học bổng và tiền trợ cấp.

Thế nhưng, ngay khi vừa tốt nghiệp, mọi dự định tương lai của Lệ Lệ đã phải gác lại vì yêu cầu "nuôi dưỡng em trai đến khi trưởng thành" của phụ huynh.

Dù đã ngoài 50 tuổi, điều kiện tài chính hạn hẹp, họ vẫn quyết tâm sinh đứa thứ 2 với hy vọng có con trai.

Không muốn gánh vác quyết định vô trách nhiệm của đấng sinh thành, nữ sinh từ chối.

"Tại sao con lại phải nuôi em trai? Lúc cha mẹ sinh nó có từng hỏi ý kiến của con không?", Sohu trích lời cô gái.

cha me kien con gai ra toa anh 1

Lệ Lệ (22 tuổi) bị cha mẹ ruột kiện ra tòa vì không chấp nhận nuôi dưỡng em trai nhỏ đến khi trưởng thành. Ảnh: Getty Images.

Tranh cãi về trách nhiệm nuôi dạy đứa bé 2 tuổi khiến mâu thuẫn trong gia đình Lệ Lệ bị đẩy lên cao trào. Sau cùng, cặp vợ chồng già đâm đơn kiện con gái.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình Trung Quốc, nếu cha mẹ không còn khả năng cấp dưỡng cho con cái thì anh chị em phải có nghĩa vụ chăm sóc. Vì vậy trong trường hợp này, tòa án đưa ra phán quyết: Lệ Lệ phải có trách nhiệm nuôi em trai cho đến khi cậu bé 18 tuổi.

Bi kịch vì chính sách 1 con

Kết quả vụ kiện đã dấy lên làn sóng tranh luận gay gắt trên mạng xã hội Weibo và báo chí Trung Quốc. Bên cạnh một số bình luận chỉ trích Lệ Lệ ích kỷ, phần lớn ý kiến đều bày tỏ sự thương cảm cho cô gái 22 tuổi.

"Vụ việc này hợp pháp nhưng không hợp tình. Cặp vợ chồng không có điều kiện sức khỏe, tài chính mà vẫn chọn sinh tiếp là vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và cả hai người con. Cô gái ấy (Lệ Lệ) vừa mới ra trường, nuôi mình còn chưa nổi. Về sau, chuyện tình yêu và hôn nhân của cô ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng vì vấn đề này", một người dùng Weibo bình luận.

"Câu chuyện nghe qua thì nực cười, song thực ra chẳng buồn cười chút nào. Đây là một bi kịch. Lệ Lệ mới tốt nghiệp, chưa va vấp xã hội mà đã bị chính cha mẹ mình đối xử tàn nhẫn như vậy", một cư dân mạng khác bày tỏ.

Bên cạnh đó, cộng đồng mạng cũng hy vọng cô gái sẽ không vì mâu thuẫn với cha mẹ mà nảy sinh ác cảm với cậu em trai 2 tuổi của mình.

Hiện tại, sự việc vẫn nhận được sự quan tâm của dư luận Trung Quốc, lọt vào top các từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất của mạng xã hội Weibo.

cha me kien con gai ra toa anh 2

Câu chuyện của Lệ Lệ đã khiến dư luận Trung Quốc sôi sục, với phần lớn ý kiến bày tỏ sự thương cảm cho trách nhiệm mà cô gái trẻ gánh trên vai. Ảnh: New America Media.

Thực tế, việc người thân trong nhà kiện nhau ra tòa vì bất đồng trong vấn đề cấp dưỡng không phải chuyện hy hữu tại đất nước tỷ dân. Cách đây không lâu, một người em út 13 tuổi ở tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã gửi đơn lên tòa, yêu cầu các anh chị cùng cha khác mẹ phải chu cấp cho mình sau khi cha mất, mẹ ruột lâm bệnh.

Kết quả, mỗi người anh chị phải hỗ trợ 88 nhân dân tệ/tháng (khoảng 300.000 đồng) nuôi dưỡng cậu bé cho đến năm 18 tuổi. Tổng cộng mỗi tháng người em út nhận được 440 nhân dân tệ (gần 1,5 triệu đồng) tiền cấp dưỡng để trang trải cuộc sống.

Năm 2018, báo cáo của Đại học Kinh tế Tài chính Chiết Giang (Trung Quốc) cho thấy hơn 100 tân sinh viên có em nhỏ trong độ tuổi sơ sinh. Sau khi chính sách sinh một con của nước này được nới lỏng, nhiều gia đình đã sinh thêm con, dẫn đến sự chênh lệch tuổi tác lớn giữa con lớn và con nhỏ trong nhà.

Vấn nạn "trọng nam khinh nữ"

Trong câu chuyện của gia đình Lệ Lệ, nhiều cư dân mạng cho rằng tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cố hữu trong xã hội Trung Quốc đã dẫn đến bi kịch trên.

Dù tuổi cao sức yếu, hoàn cảnh khó khăn, cặp vợ chồng già vẫn cố gắng có cho được một đứa con trai để "nối dõi tông đường". Thế nhưng, họ lại dồn trách nhiệm chăm sóc, chu cấp cho cậu quý tử lên vai cô con gái lớn.

Tại Trung Quốc, vấn nạn phân biệt giới tính đã đẩy hàng triệu gia đình vào cảnh khốn đốn. Năm 2017, dư luận nước này xôn xao trước vụ việc một phụ nữ tử vong do liên tục phá thai 4 lần trong 1 năm chỉ vì những cái thai là con gái.

Cuối tháng 7/2018, mạng xã hội Trung Quốc lại dậy sóng vì đoạn video và ảnh của một gia đình gồm 11 cô gái cùng 1 chàng trai - tất cả đều là chị em ruột.

cha me kien con gai ra toa anh 3

Dự báo đến năm 2030, khoảng 1/4 số đàn ông Trung Quốc ở tuổi 30 sẽ không thể kết hôn vì thiếu hụt nữ giới do tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Ảnh: Daily Mail.

Khi chính sách 1 con được nới lỏng, cha mẹ họ đã liên tục sinh con và chỉ dừng lại khi đã thỏa nguyện. Do gia cảnh nghèo khó và đông con, chỉ duy nhất người em út được học hành đầy đủ.

Những câu chuyện kể trên là những ví dụ điển hình cho sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng tại Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực nông thôn. Hiện nay, số nam giới nước này đã nhiều hơn nữ giới tới 33 triệu người, với tỷ lệ trẻ sơ sinh là 115 bé trai/100 bé gái.

Sự chênh lệch giới tính như trên đã dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế - xã hội như hiện tượng nam giới khó lấy vợ hay thiếu hụt lao động nữ. Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra mối liên hệ giữa sự mất cân bằng giới tính với tình trạng tội phạm tại Trung Quốc, đặc biệt là tội phạm tình dục, bắt cóc phụ nữ và buôn người.

Từng hiến tinh trùng, bác sĩ Mỹ phát hiện mình có 19 con

Khi Bryce Cleary biết được danh tính những đứa con của mình, ông cảm thấy choáng ngợp và khủng hoảng tâm lý.

Trang Minh (Theo Sohu)

Bạn có thể quan tâm