Tròn 3 tháng trở lại văn phòng sau dịch, Mỹ Hoa (26 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) quyết định nghỉ việc. Cô không thể tập trung công tác, thường bị đau đầu, choáng váng khi đối mặt trực tiếp với cấp trên, đồng nghiệp và luôn lo lắng, căng thẳng ở chỗ làm.
Chia sẻ với Zing, nữ nhân viên văn phòng này nói chỉ trong 2 tháng qua, có 2 đồng nghiệp cùng phòng đã lần lượt rời đi do sức khỏe tâm lý suy giảm.
"Họ bị mất kết nối với môi trường công ty, giảm hiệu suất làm việc do di chứng hậu Covid-19. Sức khỏe thể chất, tinh thần chưa ổn định khiến 2 người này phải xin nghỉ phép. Cuối cùng, họ đành nghỉ việc vì không thể bắt kịp với guồng công việc như trước", Mỹ Hoa kể.
Nhiều người chưa sẵn sàng quay trở lại văn phòng vì bị ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý từ đại dịch. Ảnh: Hồng Chang. |
Nói về tình trạng này, tại workshop "Back to Work" tổ chức ở TP.HCM, bà Alexandra Rohe - chuyên gia tâm lý tại Viện Trị liệu Hành vi (Đức) - khẳng định tình trạng người lao động gặp khó khi quay lại văn phòng sau dịch đang diễn ra ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
"Đại dịch là nhân tố khiến các vấn đề tâm lý ở người lao động như trầm cảm, khủng hoảng tồn tại (existential crisis) hay trầm cảm gia tăng. Điều này không chỉ tác động đến chất lượng đời sống cá nhân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động và nguồn nhân lực của các công ty", bà Rohe nhận định.
Áp lực tâm lý gia tăng
Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, khoảng 15% dân số Việt Nam mắc các chứng rối loạn tâm lý. Trong đó, khoảng 3,5 triệu người đang đấu tranh với bệnh trầm cảm.
Sau 2 năm đại dịch, con số này có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Chuyên gia tâm lý Rohe nhận định xu hướng này đều xảy ra ở Việt Nam và nhiều nước khác.
"Thời gian qua, hàng triệu người lao động phải trải qua những biến động trong cuộc sống và công việc. Họ e sợ về nguy cơ dịch bệnh, lo lắng về tương lai nghề nghiệp, phải thích nghi với hình thức làm việc mới. Điều này dẫn đến sự suy giảm sức khỏe tâm lý ở không ít người", bà nói.
Một số lao động trẻ khó hòa nhập trong môi trường công sở, muốn được chủ động về thời gian và cân bằng cuộc sống nên chuyển sang làm freelance. Ảnh: Phương Thảo. |
Đáng nói, những ảnh hưởng về tâm lý này có tác động ngược lại đến sức khỏe thể chất, dẫn đến một số vấn đề như khó thở, đau đầu và cơ xương khớp, mất ngủ...
Sự suy giảm về sức khỏe thể chất, tinh thần khiến nhân viên bị suy giảm hiệu quả, động lực làm việc. Họ có thể đánh mất năng lượng cho công việc, xin nghỉ thường xuyên hơn, khó tập trung công tác và không muốn quay lại văn phòng.
Bà Rohe đồng tình rằng sự vắng mặt của nhân viên tại nơi làm việc vừa thể hiện ở việc không đi làm, vừa có thể hiểu là sự thiếu tập trung, tham gia trong môi trường chuyên môn.
"Nếu cảm thấy không khỏe về thể chất hoặc tinh thần, nhân viên có thể mất đi động lực làm việc, khó gắn bó với công ty. Đó không chỉ là vấn đề của người lao động mà còn là bài toán khó đối với các nhà quản lý".
Nhà quản lý không phải chuyên gia tâm lý
Là trưởng bộ phận nhân sự của một công ty về thiết bị điện tử, Lê Nguyễn Bảo Phương (29 tuổi, ngụ phường 21, Bình Thạnh, TP.HCM) cảm thấy khó xử khi đối mặt với tình trạng nhân viên vắng mặt.
Sau đại dịch, công ty cô nói chung và nhóm cô nói riêng bị hao hụt nhân sự do nhiều người lao động xin nghỉ việc, hoặc phải tự cách ly và làm việc tại nhà vì mắc Covid-19.
Dù có chế độ chăm sóc và bảo hiểm về sức khỏe thể chất, công ty của cô chưa có điều kiện hỗ trợ nhân viên về khía cạnh đời sống tinh thần. Khi đó, họ chỉ có thể thay đổi, luân chuyển nhân sự để lấp vào các vị trí còn trống.
Nhận xét về tình trạng này, ông Steffen Euler, Giám đốc Hành chính ở Bệnh viện Martin Luther (Đức), cho rằng đây không phải giải pháp dài hạn, thậm chí gây tốn kém cho công ty vì phải tìm kiếm và đào tạo nhân sự liên tục.
Để giải quyết tình trạng vắng mặt ở chỗ làm và cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần cho người lao động, ông Steffen Euler nói các công ty có thể cho phép nhân viên lựa chọn môi trường làm việc - ở nhà và văn phòng - một cách linh hoạt.
Theo ông Euler, bằng việc cho phép nhân viên có sự lựa chọn linh hoạt về địa điểm làm việc, họ sẽ cảm thấy thoải mái làm việc hơn. Ảnh: Quint. |
Ngoài ra, bà Rohe nói thêm các nhà quản lý cũng cần nhìn nhận cách đối xử với cấp dưới để tạo môi trường làm việc lành mạnh.
Bên cạnh đó, 2 chuyên gia nhấn mạnh rằng nhà quản lý không phải chuyên gia tâm lý. Vì thế, nhiều công ty trên thế giới và ở Việt Nam đang triển khai dịch vụ tham vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe về thể chất, tinh thần cho người lao động tại chỗ làm.
Song, thực tế cho thấy nhiều nhà quản lý vẫn chưa nhận thức đầy đủ và rõ ràng vai trò của sức khỏe tâm lý đối với người lao động.
"Sức khỏe tinh thần không phải là vấn đề 'vô hình', mà được biểu hiện dưới những tình trạng cụ thể. Người lao động thiếu tập trung và năng nổ trong công việc, vắng mặt thường xuyên, không hạnh phúc khi làm việc... là thứ cấp quản lý có thể quan sát trực tiếp hoặc nhận thức được bằng các báo cáo, dữ liệu.
Do đó, họ cần lắng nghe, tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những biểu hiện trên để có thể hỗ trợ nhân viên kịp thời, giữ được nguồn nhân sự khỏe mạnh, chất lượng", ông Euler nói.