Theo đó, các trường đại học hoạt động theo mô hình tự chủ được tự chủ trong việc mở chương trình, ngành đào tạo.
Khó chọn đứng đầu ngành
TS Nguyễn Đức Trung - Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP.HCM (BUH) - cho rằng: Quyền tự chủ của các trường ĐH được rộng mở hơn rất nhiều. Khi mở ngành, điều quan trọng nhất phải có tiến sĩ (TS) hoặc phó giáo sư (PGS) đứng chủ ngành. Người đứng chủ ngành phải đúng chuyên ngành, chẳng hạn có tối thiểu bao nhiêu PGS, TS đúng chuyên ngành mà khái niệm đúng chuyên ngành hiện nay bắt đầu có sự lạc hậu.
“Một người du học ở những nước như Anh hay Australia, bằng tốt nghiệp của họ chỉ ghi là TS, còn lại muốn biết ngành nào phải mở xem luận văn làm cái gì. Trong khi luận văn, đặc biệt ở Anh, rất đa ngành nên không biết xếp chỗ nào, vì thực chất nhân sự học trong ngành IT nhưng họ làm đề tài tốt nghiệp về trí tuệ nhân tạo.
Tiếp đó, xu thế bây giờ là đào tạo liên ngành nên rất khó xác định được một người thế nào là đúng chuyên ngành. Ví dụ, ĐH Ngân hàng TP.HCM muốn mở đào tạo liên ngành Kinh tế tài chính quốc tế. Tuy nhiên, theo quy định về mở ngành để tìm một GS, PGS, TS đúng chuyên ngành Kinh tế tài chính là không có, mà chỉ có PGS về kinh tế học, tài chính ngân hàng.
Chúng ta chỉ có mã ngành tài chính ngân hàng, tài chính ngân hàng bảo hiểm. Như vậy, thế nào được coi là người đúng chuyên ngành về kinh tế tài chính quả là rất khó?”, TS Nguyễn Đức Trung chia sẻ.
“Chúng tôi có hai TS về khoa học dữ liệu, ba TS về trí tuệ nhân tạo tu nghiệp ở Pháp, Đức về, và hai TS gọi đúng là từ phân tích kinh doanh… Như vậy, nếu mở ngành học 'Trí tuệ nhân tạo - Khoa học dữ liệu hoặc Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh', ai sẽ là người đứng chủ ngành? Vì nếu để người có bằng trí tuệ nhân tạo đứng chủ ngành thì không đúng với hai ngành còn lại… Do đó, chúng tôi cần sự hướng dẫn chi tiết hơn nữa từ cơ quan chức năng trong vấn đề này”, TS Nguyễn Đức Trung thông tin thêm.
Sinh viên ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thực hành làm robot. Ảnh: Giáo Dục & Thời Đại. |
Nhu cầu mở ngành mới
Sự phát triển khoa học công nghệ của thế giới đặt các trường ĐH tại Việt Nam trong bối cảnh phải điều chỉnh, mở thêm các ngành/ chương trình đào tạo mới.
Theo PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) - thông qua thông báo tuyển sinh trong năm 2020 của các trường đại học ở nước ta cho thấy, phần lớn vẫn đào tạo những ngành nghề truyền thống, rất ít cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh chương trình đào tạo liên ngành, ngành phục vụ cuộc cách mạng CN 4.0.
Điều này chứng tỏ các trường chủ yếu tập trung vào cập nhật nội dung và đổi mới chương trình đào tạo để phù hợp sự phát triển của khoa học, công nghệ. Theo cách này, các trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với công nghệ chủ chốt trong tương lai.
“Một trong những khó khăn mà các trường đại học công lập chưa tự chủ gặp phải là quy định mã ngành trong danh mục đào tạo cấp 4. Theo quy định này, cơ sở giáo dục đại học chỉ được tuyển sinh những chương trình đào tạo có mã ngành. Do đó, các trường không thể tuyển sinh đào tạo những ngành phi truyền thống, trừ những trường tự chủ được phép đào tạo theo mã ngành thí điểm.
Ngoài ra, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo cũng là những khó khăn không nhỏ cho các trường khi tiếp cận công nghệ chủ chốt”, PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ.
TS Nguyễn Đức Trung - Phó hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TP.HCM - phát biểu tại hội thảo về tự chủ đại học. Ảnh: Giáo Dục & Thời Đại. |
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, trước sự tác động mạnh mẽ của cách mạng 4.0, năm 2019, nhà trường tuyển sinh đào tạo ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Đây là chương trình đào tạo liên ngành đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng dựa trên sự kết hợp của nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau như: Cơ khí, điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ nano, sinh học… Trong mùa tuyển sinh 2020, trường tuyển sinh thêm ngành Hệ thống nhúng và IoT.
“Tuy là những ngành học mới, điểm tuyển sinh đầu vào của hai ngành học này rất cao. Điều này chứng tỏ học sinh quan tâm tìm hiểu về những xu thế đào tạo ngành học mới”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho biết.
Hiệu trưởng HCMUTE thông tin thêm nhà trường đang từng bước đào tạo kỹ sư làm việc trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo, IoT, Big data, Robot công nghiệp, Robot di động, Robot tự hành…
Đồng thời, trường cập nhật nội dung, đổi mới phương pháp dạy học và tăng cường trang thiết bị dạy học hiện đại cho các chương trình đào tạo đại trà và chất lượng cao phù hợp yêu cầu phát triển công nghệ từ cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, theo ông Dũng, đây là những lĩnh vực đào tạo mới, đầu tư rất tốn kém, nhiều môn học phải mời giảng viên nước ngoài vì ở Việt Nam chưa đào tạo.