Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ chữ ‘Hào’, ‘Bò nướng’ viết bậy đến nỗi xấu hổ của một cộng đồng

Viết vẽ bậy lên di tích quốc gia là hành vi vô ý thức của cá nhân nhưng lại ảnh hưởng hình ảnh của cả một cộng đồng.

Cuối tháng 10, nhiều tờ báo lớn của Nhật Bản như Asahi, NHK, Mainichi… đưa tin về việc Ban quản lý khu di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, phát hiện chữ cái, hình vẽ, trong đó có chữ "Hào" với kích thước hơn 60 cm, khắc bậy lên bức tường đá của tòa thành.

viet ve bay anh 1
Dân mạng tỏ ra bức xúc với hành vi phá hoại di tích lịch sử. Ảnh: Asahi.

Vụ việc chưa kịp lắng xuống, mới đây, nhiều trang mạng lại lan truyền bức ảnh chụp dòng chữ “Bò nướng” được viết trên một bức tượng tại chân tháp Namsan ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Hai câu chuyện xảy ra ở hai đất nước khác nhau nhưng những chữ viết giống tiếng Việt này cũng dẫn đến sự hoài nghi và nỗi bức xúc không nhỏ của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước. 

Cái giá cho sự vô ý thức

Tại khu di tích Yonago, đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng du khách vẽ bậy lên các bức tường thành, bệ đá. Nhật Bản là đất nước phát triển và rất coi trọng giá trị truyền thống.

Các khu di tích quốc gia như thành cổ Yonago, với lịch sử hơn 500 năm tuổi, có giá trị quý báu và ý nghĩa đặc biệt với người dân địa phương. Viết vẽ bậy tại khu di tích chính là hành vi phá hoại di sản văn hóa rất hiếm khi xảy ra tại Nhật Bản, nếu có sẽ phải chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận.

Yuta Tominaga (23 tuổi), đang sống tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, nói với Zing.vn anh biết vụ việc viết bậy chữ "Hào" lên di tích thông qua một người bạn Việt Nam.

9X nghĩ rằng chưa nên vội vàng kết luận thủ phạm là người nước nào nếu chỉ dựa vào các ký tự đó nhưng khẳng định hành vi viết vẽ bậy lên di tích quốc gia là không thể chấp nhận được.

"Không chỉ bản thân tôi mà cả những người dân Nhật Bản khác đều mong hung thủ sớm bị bắt giữ, cũng như các nhà chức trách có biện pháp khôi phục vẻ nguyên trạng cho di tích", Yuta nói.

Nổi tiếng với lòng hiếu khách, nhưng người dân và pháp luật Nhật Bản rất nghiêm khắc với những hành vi viết vẽ bậy của khách du lịch.

Năm 2014, dư luận Nhật Bản từng rất bức xúc khi có thông tin đội tuần tra thành phố Fujinomiya phát hiện nhiều chữ như "Indonesia", "Rudai", "Clax"… viết bậy trên các tảng đá lớn ở độ cao khác nhau tại núi Phú Sĩ.

Dựa vào các từ này, nhiều người suy đoán tất cả có thể được viết bởi một du khách Indonesia. Không chỉ người dân Nhật Bản tỏ ra bức xúc trước sự việc, dân mạng Indonesia thậm chí còn gọi đó là "nỗi xấu hổ của quốc gia".

Trả lời tờ Jakarta Shimbun, Toshio Kosaka - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới núi Phú Sĩ - từng cho biết theo Luật Bảo tồn Di sản Văn hóa của Nhật Bản, người vẽ bậy lên các di tích, địa điểm văn hóa, du lịch có thể phải ngồi tù 5 năm và chịu án phạt hành chính 300.000 yen (khoảng 70 triệu đồng) trong trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng.

viet ve bay anh 4
Du khách để lại những chữ viết nguệch ngoạc trên tảng đá lớn của núi Phú Sĩ. Ảnh: Jakarta Shimbun.

Bôi xấu hình ảnh của cả một cộng đồng

Nguyễn Minh Đức - 24 tuổi, du học sinh Nhật Bản - biết về sự việc viết bậy chữ “Hào” tại Yonago thông qua diễn đàn của giới trẻ Việt. Minh Đức cho rằng chưa xét đến thủ phạm có phải là người Việt hay không nhưng trong thực tế, tình trạng người Việt có hành động chưa đẹp ở nước ngoài, cũng như việc để lại "dấu ấn cá nhân" ở nơi công cộng, không phải chuyện hiếm.

Trước những lời lẽ “ném đá” tiêu cực của dân mạng khi suy đoán kẻ phá hoại là du khách Việt, du học sinh Nguyễn Ly cho hay cô không cảm thấy quá ngạc nhiên. Hơn một năm sống tại tỉnh Chiba, Ly từng chứng kiến không ít hành vi vô ý thức tương tự của người Việt.

“Hồi sống bên đó, mình ở cùng phòng với một số bạn Việt Nam. Cả phòng từng vô cùng lo lắng khi cô bạn đột nhiên mất tích trong vài ngày. Tụi mình thậm chí đã báo cảnh sát vì nghi ngờ bạn bị bắt cóc. Nhưng vài ngày sau, chúng mình được thông báo bạn nữ đó đã bị cảnh sát địa phương tạm giữ vì ăn trộm đồ tại siêu thị gần nhà”, 9X kể.

Một thông dịch viên của sở cảnh sát Chiba từng nói với tờ Japan Times rằng nhiều du học sinh Việt Nam tại tỉnh này không thể lo nổi tiền học phí. Không ít trong số đó phải bỏ học và tìm đến những con đường kiếm tiền bất hợp pháp.

Số liệu của Cảnh Sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy năm 2017 số vụ phạm tội của người Việt ở Nhật chiếm hơn 30% tổng số vụ vi phạm của cộng đồng người nước ngoài tại xứ Phù Tang.

Ăn cắp vặt hay viết vẽ bậy có thể không phải hành vi phạm pháp quá mức nghiêm trọng nhưng lại thể hiện ý thức kém cỏi và đang bôi xấu hình ảnh của cả một cộng đồng.

“Tiếng lành đồn xa, tiếng xấu còn đồn xa hơn. Chỉ khi mỗi cá nhân có ý thức, hiểu biết về pháp luật nước sở tại, có trách nhiệm trong việc giữ gìn hình ảnh của chính mình mới mong bạn bè quốc tế có cái nhìn tích cực và thiện cảm với cả một đất nước”, du học sinh Minh Đức bày tỏ.

Vụ viết bậy chữ 'Hào' lên di tích ở Nhật Bản diễn ra thế nào? Cảnh sát tỉnh Tottori (Nhật Bản) đang truy tìm kẻ khắc chữ lên tường, bệ đá cổ thuộc khu di tích Yonago khiến mọi người bức xúc những ngày qua.

Dòng chữ 'Bò nướng' ở khu du lịch của Hàn Quốc bị chỉ trích trên mạng

Bức ảnh chụp dòng chữ tiếng Việt viết trên bức tượng dưới chân tháp Namsan, Seoul, Hàn Quốc, được các diễn đàn chia sẻ, khiến nhiều người bức xúc.

Huệ Lâm - Thu Thảo - Ánh Hoàng

Bạn có thể quan tâm