Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ chuyện 'trà xanh' đến nạn bắt nạt trên mạng

Từ những bài đăng trên các diễn đàn, post cá nhân hay câu chuyện hàng ngày, ta có thể bắt gặp cụm từ “trà xanh” được nhắc tới mọi lúc mọi nơi.

Những ngày vừa qua, dân mạng xôn xao trước chuyện tình của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Từ nghi vấn anh vừa chia tay một mối tình lâu năm, bắt đầu hẹn hò người mới, cụm từ "trà xanh" cũng theo đó mà được lan truyền nhanh chóng.

Chỉ sau một đêm, nữ diễn viên sinh năm 1997, hay còn được gọi là "kẻ thứ ba" kia, trở thành từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội. Nhiều nhóm antifan được thành lập trên Facebook, có nhóm số lượng thành viên lên đến hơn 150.000 người.

Trên mọi nền tảng mạng xã hội, Sơn Tùng M-TP và cô gái kia nhận về hàng trăm nghìn bình luận chửi rủa, xúc phạm.

Hai Tu va Son Tung M-TP anh 1

Những ngày vừa qua, dân mạng xôn xao trước chuyện tình của ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Không ít người nhân cơ hội này lan truyền tin đồn thất thiệt, đào bới quá khứ và lục lọi những bức hình khi còn làm mẫu ảnh để đánh giá ngoại hình của cô.

Chưa bàn đến chuyện đúng sai trong tình yêu, cô gái này chính là nạn nhân mới nhất của làn sóng slut-shaming (đổ lỗi dâm đãng) trên Internet.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ

Theo tạp chí sức khỏe hàng đầu Mỹ Very Well Family, slut-shaming là một hình thức bắt nạt trực tuyến chủ yếu nhắm đến phụ nữ nhằm hạ thấp nhân phẩm, danh dự thông qua ngoại hình, cách ăn mặc hoặc trải nghiệm tình dục của họ.

Khi nữ giới không đáp ứng được những kỳ vọng của xã hội về chuyện ăn mặc và ứng xử với người khác giới, ngay lập tức họ sẽ bị slut-shaming.

Chỉ cần một cô gái mặc áo hai dây ra đường, hay áo croptop lộ chút eo, hoặc váy ngắn quá đầu gối, cô sẽ bị nhiều người chỉ trích, quy chụp là “không đứng đắn”, “cố tình đong đưa đàn ông”...

Hai Tu va Son Tung M-TP anh 2

Đàn ông được khen ngợi khi quan hệ tình dục với nhiều cô gái, nhưng phụ nữ lại chịu tai tiếng khi qua lại với vài người khác giới. Ảnh: Getty.

Tiêu chuẩn kép trong trường hợp quan hệ tình dục cũng được thể hiện rất rõ ràng. Trong khi các chàng trai nhận được sự khen ngợi và “tôn sùng” khả năng tình dục vì chinh phục nhiều bạn gái, phái nữ lại bị gắn mắc “buông thả”, “dễ dãi” hay “gái bán dâm” chỉ vì quen biết một vài người khác giới.

Chia sẻ trên diễn đàn trị liệu tâm lý Mỹ Talkspace, Samantha (28 tuổi) cho biết cô bị slut-shaming bởi chính người bạn trai cũ từng hẹn hò suốt 2 năm.

“Anh ta luôn khiến tôi cảm thấy bản thân thật ‘dơ bẩn’ vì tôi từng quan hệ tình dục với người yêu trước đó. Thậm chí, hắn in ảnh khỏa thân của tôi và rêu rao khắp nơi”, cô kể lại.

Slut-shaming được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng chủ yếu thông qua việc chia sẻ ảnh, video của nạn nhân trên Internet kèm theo những bình luận khiếm nhã, khiêu dâm về cơ thể họ.

Alexa (23 tuổi), một nhà hoạt động nữ quyền, tin rằng những kẻ “núp bóng” mạng xã hội để slut-shaming nạn nhân lại là người thiếu tự tin hơn cả.

“Khi những kẻ đó nhìn thấy một phụ nữ tự tin vào bản thân và tính dục của cô ấy, thay vì khen ngợi, phản ứng đầu tiên của họ là tấn công, chỉ trích, thậm chí thóa mạ cô gái chỉ để cảm thấy tốt hơn về bản thân”, cô nói.

Hai Tu va Son Tung M-TP anh 3

Taylor Swift là nạn nhân của slut-shaming vì có nhiều bạn trai cũ. Ảnh: Getty.

Bị chỉ trích từ trang phục đến chuyện tình cảm

Thực tế, tình trạng slut-shaming thường xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, không kể lứa tuổi, nghề nghiệp hay tình trạng mối quan hệ. Họ bị chỉ trích về nhân phẩm và tiết hạnh vì trang phục, hành động và tình cảm cá nhân của mình.

Nhiều năm qua, dù có nhiều thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp và hoạt động xã hội, nữ ca sĩ Taylor Swift vẫn không thể rũ bỏ hình tượng “rắn chúa”, “tay chơi” vì từng hẹn hò với nhiều chàng trai.

Tháng 10/2020, “bông hồng nước Anh” Lily James từng trở thành tâm điểm dư luận vì hôn nam diễn viên Dominic West - một người đàn ông đã có vợ.

Vụ bê bối khiến cô phải hủy bỏ mọi hoạt động quảng cáo cho bộ phim mới, kể cả buổi ghi hình chương trình Jimmy Fallon’s Tonight ShowGraham Norton Show dưới sức ép dư luận.

Ngược lại, nam chính trong vụ lùm xùm lại không hề hấn gì. Anh nhận được vai diễn mới trong bộ phim The Crown, tham gia quảng cáo, hạnh phúc cùng vợ.

Hai Tu va Son Tung M-TP anh 4

Angela Baby chịu điều tiếng trong nhiều năm vì Huỳnh Hiểu Minh không làm rõ mối quan hệ với bạn gái cũ trước khi quen cô. Ảnh: Huanqiu.

Ở châu Á, nữ diễn viên Angela Baby không chỉ là cái tên bảo chứng cho nhiều tác phẩm điện ảnh ăn khách, mà còn là nạn nhân điển hình của danh xưng “trà xanh” - kẻ chen chân vào mối quan hệ giữa Huỳnh Hiểu Minh và tình cũ Lý Phi Nhi 10 năm về trước.

Năm 2011, Lý Phi Nhi trong buổi phỏng vấn đã tố cáo Angelababy là "tiểu tam", thúc ép Huỳnh Hiểu Minh chia tay cô. Angela Baby khi đó lên tiếng phủ nhận, còn Huỳnh Hiểu Minh trả lời ngắn gọn: “Tôi không biết”.

“Khi mới quen, Huỳnh Hiểu Minh nói anh ấy vẫn đang độc thân, cho đến khi Lý Phi Nhi đặt cho tôi cái biệt danh vô lý này trong cuộc phỏng vấn. Sau đó, tôi liền hỏi anh Huỳnh thì nhận được câu trả lời rằng họ đã chia tay”, Angela Baby khẳng định khi chuyện quá khứ liên tục bị dân mạng đào lại.

Dù là nghệ sĩ nổi tiếng hay người thường, phái nữ luôn là bên chịu áp lực dự luận nặng nề hơn vì định kiến giới. Đáng nói, trong đám đông phẫn nộ ấy có rất nhiều nữ giới ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Xuất phát từ tâm lý thù ghét và hiệu ứng đám đông, họ không ngại buông lời miệt thị, tấn công chính cộng đồng mình.

Hậu quả tâm lý khôn lường

Một nghiên cứu năm 2004 cho thấy slut-shaming phá hủy lòng tự trọng của nạn nhân, khiến họ cảm thấy bản thân không đáng sống và chịu chấn thương suốt đời, theo Very Well Family.

Phần lớn nạn nhân bị slut-shaming phải trải qua cảm giác nhục nhã, xấu hổ và đau đớn. Họ cũng cảm thấy vô vọng, mất lòng tự trọng, từ đó dẫn đến các hành vi tiêu cực như trách móc bản thân, rối loạn ăn uống, thậm chí là tự sát.

Hai Tu va Son Tung M-TP anh 5

Slut-shaming có thể cô lập nạn nhân, đẩy họ vào bi kịch. Ảnh: Unsplash.

Năm 2009, Amanda Todd - nữ sinh lớp 7 tại Canada - chịu tra tấn kinh khủng về tinh thần khi bị dụ dỗ gửi ảnh chụp bộ ngực cho một kẻ lạ mặt trên Internet. Sau này, bạn bè ở trường học vô tình tìm được bức hình và sử dụng nó để công kích, đe dọa cô.

Không thể tiếp tục chịu cảnh bắt nạt, Amanda buộc phải chuyển trường. Tại đây, sau khi được một chàng trai rủ rê quan hệ tình dục trong khi bạn gái anh ta vắng mặt, Amanda trở thành đối tượng bị cả trường mắng chửi, đổ lỗi dâm đãng.

Nỗi đau từ nhỏ và những áp lực khi bị bạo hành khiến Amanda Todd nảy sinh tâm lý tiêu cực, rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần và cuối cùng là tự sát để tự giải thoát bản thân.

Mặc dù lạm dụng tình dục và ấu dâm là nguyên nhân gốc của vụ án, chính slut-shaming là nguyên nhân khiến cô bé không có được sự thông cảm của mọi người. Bị trục lợi, tra tấn tinh thần và lạm dụng tình dục khi không đủ khả năng nhận thức hành vi, song chỉ cô bé là người bị đổ lỗi.

Năm 2012, Felicia Garcia (15 tuổi) - một nữ sinh ở trường trung học Tottenville (New York, Mỹ) - quyết định lao vào tàu hỏa để tự tử do không chịu đựng nổi cảnh bị bắt nạt, slut-shaming bởi một nhóm bạn.

“Những kẻ đó đồn thổi rằng Felicia quan hệ tình dục với vài cầu thủ bóng bầu dục tại bữa tiệc ăn mừng chiến thắng của đội. Từ đó, họ liên tục quấy rối và bắt nạt cô ấy. Một số kẻ bắt nạt có khi còn chẳng biết Felicia là ai nhưng vẫn lên tiếng chỉ trích, thóa mạ bạn tôi”, một người bạn giấu tên của nạn nhân kể lại.

Cô nói thêm: “Từ trước đến nay, Felicia luôn tỏ ra tự tin, thậm chí cười nhạo vào mặt những kẻ nói xấu sau lưng mình. Cô ấy rắn rỏi, chưa từng nhờ cậy ai giúp đỡ. Gương mặt của Felicia luôn tươi cười, rạng rỡ như thể chẳng ai có thể phiền lòng cô ấy”.

Thâm Quyến cấm quảng cáo kỳ thị, tình dục hóa phụ nữ

Sau video giới thiệu bông tẩy trang gây tranh cãi, chính quyền thành phố Thâm Quyến thắt chặt quản lý nội dung quảng cáo để đảm bảo tính bình đẳng giới.

Hồng Chang - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm