Zing trích dịch bài đăng từ Sixth Tone, đề cập đến hệ quả nghiêm trọng của vấn đề cha mẹ lên thành phố tìm việc và để con cho ông bà nuôi.
Ở tuổi 30, Fang Tiantian vẫn hằn trong đầu cái ngày cha mẹ gói ghém đồ đạc rời đi, bỏ cô lại cho ông bà nuôi.
Fang hiểu lý do cha mẹ quyết định làm vậy. Đầu những năm 90, vùng quê tỉnh Quý Châu rất nghèo khó. Con đường thoát thân duy nhất là tìm việc ở các thành phố.
Tuy nhiên, cô gái phải hứng chịu nhiều tổn thương trong suốt thời gian đó. Vì ông bà già yếu, phần lớn thời gian Fang tự mình chăm sóc bản thân. Cô trở thành một người khắc kỷ và thu mình với xã hội vì hiểu rằng mình không thể dựa vào bất kỳ ai.
“Lần đầu tiên có kinh nguyệt, tôi tưởng rằng mình sắp chết”, Fang kể lại.
Phần lớn lao động nhập cư thành thị vẫn không thể mang theo con cái của họ lên thành phố. Ảnh: Clary Este. |
Tuy nhiên, 20 năm sau, Fang lại tiếp bước cha mẹ mình. Không lâu sau khi hạ sinh, cô cùng chồng trở lại làm việc ở Thượng Hải, bỏ lại đứa con gái còn đỏ hỏn ở Quý Châu, cách thành phố hơn 2.000 km.
Đó là mô hình đang lặp lại trên khắp các vùng quê Trung Quốc. Nhiều thập kỷ sau làn sóng di cư ồ ạt của Trung Quốc, phần lớn “lao động nhập cư thành thị” vẫn không thể mang theo con cái của họ lên thành phố do sự rào cản kinh tế và các chính sách.
Kết quả là hàng triệu bậc phụ huynh - nhiều người trong số đó là con cháu của chính lao động nhập cư thế hệ trước - tiếp tục phải sống xa con cái để đến đô thị làm việc.
Xu hướng này đang tạo ra thế hệ thứ hai của những đứa trẻ bị bỏ rơi và để lại vết sẹo tâm lý lâu dài cho chúng.
Những đứa trẻ bị bỏ lại
Mặc dù số lượng trẻ em bị bỏ rơi đã giảm trong những năm gần đây, con số này vẫn rất lớn. Tính đến tháng 8/2018, gần 7 triệu trẻ vị thành niên sống khác thành phố với cả bố lẫn mẹ, giảm khoảng 2 triệu so với năm 2016, theo Bộ Dân sự Trung Quốc.
Hàng triệu đến chục triệu đứa trẻ sống xa bố hoặc mẹ. Tuy nhiên, chính quyền không còn phân loại đối tượng này là “bị bỏ rơi” nữa.
Lü Lidan, trợ lý giáo sư về nhân khẩu học tại ĐH Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết: “Họ - những đứa trẻ bị bỏ lại - chiếm một phần không nhỏ trong xã hội và có khả năng tồn tại lâu dài”.
Một đứa trẻ bị bố mẹ bỏ lại ở làng Lunhe, tỉnh Quý Châu. Ảnh: Chen Jie/People Visual. |
Đối với nhiều lao động nhập cư, hệ thống đăng ký hộ khẩu của Trung Quốc - hay còn gọi là hukou - vẫn là một trở ngại không thể vượt qua, ngăn cản họ chuyển gia đình đến thành phố.
Mặc dù được tự do chuyển đến các thành thị để làm việc, người Trung Quốc ở nông thôn thường khó nhận được hộ khẩu thường trú.
Theo đó, lao động nhập cư bị hạn chế tiếp cận một loạt các dịch vụ công quan trọng, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở. Chỉ với mức lương công nhân cơ bản, họ không thể đưa gia đình lên thành phố.
“Những người cố gắng ở lại cuối cùng cũng chỉ là người nghèo thành thị. Họ đành phải để con cái ở quê”, Lü cho biết.
Bỏ con lại là điều hiển nhiên
Ở một số vùng, việc gia đình ly tán - cha mẹ và con cái sống xa cách nhau cả năm trời mới gặp một lần - đã trở thành một thực tế hiển nhiên.
Fang mô tả cuộc sống của cô ấy là trường hợp “điển hình” của một đứa trẻ đến từ tỉnh Quý Châu. Sau khi bỏ học sớm vào năm 16 tuổi, cô chuyển đến Thượng Hải để làm việc tại tiệm làm đẹp.
Sang tuổi 20, cô trở về quê để kết hôn và sinh một đứa con gái. Nhưng khi con mới tròn 2 tuổi, Fang lại khăn gói lên thành phố.
Vào thời điểm đó, Fang chẳng nghĩ nhiều về việc ở lại Quý Châu cùng con gái, bất chấp chuyện cô từng trải qua tuổi thơ cô đơn, buồn tủi. Cô cảm thấy việc rời đi là điều đương nhiên mà ai cũng chọn.
“Hầu hết mọi người trong cửa hàng tôi làm việc đều được nuôi dưỡng bởi ông bà của họ. Và rồi tất cả con cái chúng tôi hiện được chăm sóc bởi ông bà của chúng”, Fang nói.
Một cậu bé ở tỉnh Quý Châu tự chơi một mình tại nhà. Ảnh: Luo Binhao/People Visual. |
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu phát hiện rằng những đứa trẻ bị bỏ rơi có thể chịu tổn thương tâm lý nghiêm trọng, bất kể chúng nhận thức được hoàn cảnh của mình.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trạng thái cảm xúc của nhóm đối tượng này tiêu cực đáng kể so với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, chúng cảm thấy khó giao tiếp hơn. Nhiều trẻ em trong số đó thể hiện sự căm phẫn sâu sắc đối với phụ huynh, với hơn 10% mô tả rằng “cha mẹ tôi đã chết”.
Năm 2015, vụ việc 4 đứa trẻ bị bỏ rơi uống thuốc sâu để tự tử đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những phụ huynh như Fang. Các nạn nhân ở độ tuổi từ 5-13, đều đến từ Quý Châu.
“Hôm ấy, tôi không thể giữ được bình tĩnh. Một đứa trẻ phải tuyệt vọng đến mức nào thì mới nói rằng nó mong được chết trong nhiều năm qua cơ chứ?”, cô chia sẻ. Ngay tối đó, Fang gọi cho con gái để kiểm tra xem cô bé ổn không.
Bị bắt nạt, cô lập ở trường học
Vụ việc thương tâm năm 2015 cũng gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên toàn quốc. Hoàn cảnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi cũng được đưa lên chương trình nghị sự chính trị ở xứ tỷ dân.
Đầu năm 2016, Quốc vụ viện Trung Quốc đặt mục tiêu “giảm đáng kể” số trẻ em bị bỏ rơi vào năm 2020.
Trong những năm tiếp theo, chính phủ Trung Quốc thông qua một loạt cải cách nhằm khuyến khích các gia đình nông thôn ở cùng nhau. Theo đó, chiến lược “phục hồi vùng quê” cố gắng tạo ra việc làm ở nông thôn, đồng thời chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ những lao động muốn về quê nhà và khởi nghiệp.
Chính phủ cũng thực hiện những thay đổi mang tính bước ngoặt đối với hệ thống hukou. Cụ thể, các thành phố có dân số từ 1-3 triệu dân cho phép người lao động nhập cư đăng ký hộ khẩu thường trú.
Còn tại các siêu đô thị như Bắc Kinh hay Thượng Hải vẫn duy trì hệ thống đăng ký hộ khẩu, nhưng sẽ tạo điều kiện cho trẻ em nhập cư được đi học dễ dàng hơn.
Ông bà thường là người chăm sóc chính cho những đứa trẻ bị bỏ lại. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, họ ít có thể sát sao được cháu. Ảnh: Tami Xiang. |
Những nỗ lực này đạt được một số thành công nhất định. Năm 2019, ước tính có khoảng 8,5 triệu lao động nhập cư trở về quê hương, so với chỉ 2,4 triệu vào năm 2015.
Tuy nhiên, đây sẽ là một chặng đường dài để thay đổi xã hội. Do sự chênh lệch đáng kể về trình độ phát triển giữa các khu vực của Trung Quốc - chẳng hạn như GDP bình quân đầu người ở Thượng Hải cao gấp 3 lần so với Quý Châu - lao động nhập cư thường miễn cưỡng trở về quê hương của họ.
Hơn nữa, việc nuôi dạy trẻ em nhập cư ở các thành phố lớn vẫn còn gặp nhiều thách thức. Mặc dù nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng, họ vẫn phải gửi con về quê sau khi chúng hoàn thành chương trình tiểu học do tình trạng thiếu lớp ở các trường THCS công lập.
Trung bình mỗi năm khoảng 70.000 học sinh cấp 2 rời các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Quảng Châu, Thâm Quyến để trở về vùng nông thôn. Khi nhập học tại các trường nội trú ở quê, đối tượng này lại thường xuyên bị lạm dụng, bắt nạt.
Không cam tâm rời đi
Ở một số địa phương, chuyện gia đình ly tán chẳng phải điều gì lạ lẫm. Liu Yue, hiệu trưởng một trường mẫu giáo nông thôn ở tỉnh Hà Nam, ước tính khoảng 70 trên tổng số 100 học sinh của cô là trẻ em bị bỏ rơi.
Liu và con gái 2 tuổi của cô. Ảnh: NVCC. |
Mặc dù chồng Liu và nhiều người hàng xóm của Liu vượt đường xá xa xôi để lên thành phố làm việc, cô gái 27 vẫn chưa tính chuyện rời đi. Bản thân từng là một đứa trẻ bị bỏ rơi, Liu khẳng định sẽ không rời khỏi đứa con gái 2 tuổi của mình.
“Một nửa số bạn bè của tôi cũng chọn không bỏ lại con cái một mình, vì chúng tôi hiểu cảm giác khi cha mẹ đi làm xa là như thế nào. Chúng tôi không muốn các con trải qua điều tương tự”, Liu chia sẻ.
Khi còn nhỏ, Liu chỉ gặp cha một lần mỗi năm. Cô nhớ rõ cảm giác phấn khích khi nghe tin cha sắp về nhà, nhưng lại rụt rè, nhút nhát không dám lại gần khi cha xuất hiện. Liu tin rằng sự vắng mặt dài ngày của cha đã góp phần vào cảm giác bất an cô thường cảm thấy.
“Vào ngày đầu tiên, tôi chỉ dám nhìn ông ấy từ xa. Sang ngày thứ 2, tôi mới đủ can đảm gọi ông ấy là cha”, cô kể lại.
Hiệu trưởng cho biết cô có thể dễ dàng biết được học sinh mới trong lớp có cha mẹ ở nhà hay không. Giống như Liu, nhóm học sinh này thiếu tự tin nhưng rất kiên cường, tự chủ.
“Nếu mấy đứa đó ngã, chúng sẽ không khóc đâu. Chúng sẽ đứng dậy, phủi bụi khỏi quần áo và đi tiếp. Cứ như thể tôi đang thấy mình trong gương vậy”, Liu nói.
Liu cố gắng hết sức để cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cần thiết cho nhóm học sinh này. Vì không nhận được sự thân mật ở nhà nên khi đến lớp, các em thường háo hức đón chờ những cái ôm hôn từ giáo viên.
“Tôi hiểu rằng những đứa trẻ bị bỏ rơi cần được giao tiếp và tiếp xúc cơ thể để thể hiện tình cảm. Vì vậy, tôi cố gắng dành cho chúng thật nhiều cái ôm mỗi ngày”, hiệu trưởng cho biết.
Liu chụp ảnh cùng các học sinh có bố mẹ đi làm xa. Ảnh: NVCC. |
Bên cạnh đó, công nghệ tân tiến cũng phần nào giúp các bậc phụ huynh giữ liên lạc với con cái dễ dàng hơn, ngay cả khi sống cách chúng hàng nghìn cây số. Liu chụp rất nhiều ảnh của học sinh trong giờ học và chia sẻ với các phụ huynh học sinh qua ứng dụng nhắn tin vào thứ 6 hàng tuần.
Nhờ vậy, thế hệ những đứa trẻ bị bỏ rơi này có mối quan hệ thân thiết với cha mẹ hơn nhiều so với thế hệ của Liu.
“Các bậc phụ huynh cũng liên tục mua quà cho con cái và gửi chuyển phát nhanh đến tận làng. Họ cũng có thể trò chuyện video mỗi ngày nếu có thời gian. Nó hoàn toàn khác so với thời của tôi”, người mẹ trẻ chia sẻ.
Thiếu tình cảm, không được cha mẹ uốn nắn
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như Liu. Jiang Nengjie, một nhà làm phim 35 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam, cho rằng thế hệ bị bỏ rơi ngày nay gặp nhiều khó khăn hơn thời của anh.
“Cha mẹ tôi rời đi khi tôi đã 10 tuổi, tức là giữa chúng tôi đã phát triển mối quan hệ gia đình rồi. Còn ngày nay, nhiều bậc phụ huynh bỏ đi trước khi con tròn 1 tuổi”, anh nói.
Trong những năm gần đây, Jiang ghi lại hình ảnh về cuộc sống của hàng chục gia đình ở làng quê tỉnh Hồ Nam. Không giống nhận định của hiệu trưởng Liu, nhà làm phim cho biết những người từng bị phụ huynh bỏ rơi trước đây chưa chắc đã chọn ở lại cùng con cái.
“Những ông bố bà mẹ này vẫn không quan tâm đến lũ trẻ. Họ nghĩ rằng chúng chỉ cần đủ ăn đủ mặc là ổn”, Jiang nói.
Jiang Nengjie thực hiện phim tài liệu về những đứa trẻ bị bỏ lại. Ảnh: NVCC. |
Ở Thượng Hải vài năm qua, vợ chồng Fang không khỏi bứt rứt khi để con gái lại một mình tại Quý Châu cùng ông bà.
Do phải làm việc quần quật từ 10-23h/ngày, 6 ngày/tuần, Fang ít có thời gian gọi điện cho con gái. Cả gia đình cũng chỉ đoàn tụ duy nhất một lần lần trong năm vào dịp Tết Nguyên đán.
“Mỗi lần trở về nhà, tôi cảm thấy con gái mình trưởng thành hơn rất nhiều nhưng chúng tôi ngày càng ít giao tiếp hơn”, cô thừa nhận.
Trong thời gian toàn quốc phong tỏa vì Covid-19, Fang nhận ra cần phải thay đổi. Sau hơn 2 tháng ở nhà, người mẹ vô cùng đau lòng khi phát hiện ra đứa con gái 9 tuổi của mình lấy trộm tiền của ông bà rồi nói dối về hành vi này. Cô cũng nhận thấy con gái mình chưa bao giờ được dạy nói “không” với người lạ.
Cô liền trò chuyện nghiêm túc với chồng. Họ quyết định sẽ ở lại Quý Châu, không lên thành phố nữa.
“Trước kia, cha mẹ tôi vì không có lựa chọn nào khác nên mới lên thành phố tìm việc. Giờ đây, chúng tôi có nhiều phương án kiếm tiền tại nhà. Vậy tại sao tôi phải bỏ lại con gái mình?”, Fang nói.