Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Xiaoxiao bỏ học sau khi tốt nghiệp tiểu học để phụ cha mẹ kiếm tiền. Nhờ lời động viên của người lạ, cô học tập trở lại và gặt hái thành công. Ảnh: news.china.com. |
Xiaoxiao, nghiên cứu sinh năm 2 tại Đại học Bách khoa Hong Kong (PolyU), được chú ý khi chia sẻ câu chuyện bỏ học từ sớm, đi làm thuê suốt nhiều năm trước khi giành suất học tiến sĩ của mình trên mạng xã hội Trung Quốc, The Paper đưa tin.
“Tôi chưa từng thấy ai bỏ học sớm lại có cơ hội học lên tiến sĩ như mình. Một mặt, tôi nghĩ mình thật tuyệt khi có xuất phát điểm thấp nhưng lại phấn đấu vươn lên hơn nhiều người. Mặt khác, nhờ cha, người đưa tôi đến Bắc Kinh, nơi ông làm công nhân nhập cư, tôi có thể truy cập máy tính và thông tin trực tuyến. Nếu không, tôi sẽ không bao giờ nghĩ đến việc học đại học”, cô nói.
Xiaoxiao sinh ra trong một gia đình nông thôn ở tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, theo lời cha, cô bỏ học để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Công việc đầu tiên của Xiaoxiao là phục vụ bàn tại nhà hàng ở tỉnh Sơn Tây, miền Bắc Trung Quốc, khi mới 14 tuổi và chỉ cao 1,40 m.
Trong thập kỷ tiếp theo, Xiaoxiao làm nhiều công việc khác nhau như bán hàng qua điện thoại, thợ lắp đặt máy sưởi, thu ngân, chủ quán ăn, nhân viên dịch vụ khách hàng, trợ lý hành chính và quản lý sản phẩm ở nhiều thành phố khác nhau.
Có thời điểm, Xiaoxiao bị lừa học khóa đào tạo theo mô hình kim tự tháp và chỉ trốn thoát khi ban tổ chức nhận ra cô còn quá trẻ, không có người thân hay bạn bè đáng để lợi dụng.
Xiaoxiao nói rằng cô nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là người cha làm công nhân giúp cô tiếp xúc với Internet và công nghệ. Ảnh: news.china.com |
Số phận của Xiaoxiao thay đổi vào năm 2011, khi cô nói chuyện với một người đàn ông trên mạng.
Người này nói với cô: “Em thông minh và nên được học hành nhiều hơn. Hãy thử xem xét zikao (kỳ thi tuyển sinh đại học dành cho thí sinh tự do)”.
Cảm thấy đây là cơ hội thay đổi cuộc đời, Xiaoxiao nỗ lực không ngừng để chuẩn bị cho bài kiểm tra. Kết quả, cô được nhận vào một trường đại học ở Bắc Kinh. Năm 2015, cô lấy bằng cử nhân tâm lý học sau khi hoàn thành 40 môn học và tất cả kỳ thi.
Một năm sau đó, Xiaoxiao và chồng chuyển đến Thâm Quyến ở đông nam Trung Quốc. Sau khi nghe một người bạn nói rằng bằng thạc sĩ thiết kế của PolyU được xếp hạng cao, Xiaoxiao, vốn quan tâm đến thiết kế, quyết định nộp đơn.
Với Xiaoxiao, một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình đăng ký là bài kiểm tra IELTS. Một lần nữa, nỗ lực được đền đáp khi cô đạt điểm cao.
Năm 2021, Xiaoxiao nhận bằng thạc sĩ tại PolyU và bắt đầu theo đuổi bằng tiến sĩ tại trường.
Giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp học tập của Xiaoxiao sẽ là học giả thỉnh giảng tại một trường đại học ở Phần Lan trong một năm.
“Tôi hy vọng mình có thể xuất bản luận văn trên một tạp chí uy tín. Trong năm tới, mục tiêu của tôi là hoàn thành bằng tiến sĩ”.
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng, Xiaoxiao được nhiều người nhắn tin hỏi làm thế nào cô có thể lấy bằng thạc sĩ và học lên tiến sĩ trên cơ sở giáo dục tiểu học. Một số người cho biết họ cảm thấy được truyền cảm hứng và sẽ bắt đầu làm việc chăm chỉ hơn.
“Đối với học sinh ở vùng nông thôn, lời khuyên của tôi là các bạn có thể vừa làm, vừa học trong thời gian rảnh rỗi để thi lấy bằng đại học như tôi. Thành thật mà nói, con đường này đầy rẫy khó khăn”.
“Nếu muốn tiến lên phía trước, đừng vi phạm pháp luật và không ảo tưởng. Bạn nên tận dụng Internet để học thay vì đắm mình trong các video trực tuyến. Cuộc sống hiện tại của tôi rất ổn, nhưng tôi sẽ không chậm lại hoặc dừng lại. Tôi sẽ tiến về phía trước, giải phóng tất cả năng lượng và tiềm năng của mình”, cô nói thêm.
Hành trình của Xiaoxiao nhận được nhiều lời khen ngợi và ngưỡng mộ từ mạng xã hội Trung Quốc.
“Thật là một cô gái xuất sắc, không bao giờ ngừng đấu tranh! Tôi có thể tưởng tượng những gian khổ mà cô ấy đã trải qua. Tôi ngưỡng mộ và gửi lời chúc tốt đẹp nhất cho cô ấy!”, một người nói trên Weibo.
“Cô ấy thực sự đã truyền cho tôi rất nhiều động lực”, một người khác nói.
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.