Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 'cú nổ' Hoàng Lê Giang đến nạn sống ảo trong giới xê dịch Việt

Vấn đề sống ảo trong giới xê dịch Việt Nam một lần nữa bị nhắc đến sau sự việc Hoàng Lê Giang nói dối hành trình chinh phục đỉnh Denali, nơi được mệnh danh "nóc nhà Bắc Mỹ".

Sau thời gian im lặng, Hoàng Lê Giang đã chính thức xác nhận nói dối về hành trình chinh phục "nóc nhà Bắc Mỹ" - Denali. Trên trang cá nhân, phượt thủ nổi tiếng chia sẻ sự hối hận về hành vi sai sự thật kèm lời hứa "sẽ chinh phục Denali vào năm 2020. 

Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều người dùng cho rằng lời xin lỗi của Hoàng Lê Giang chỉ viết "cho có" khi các bình luận tiêu cực đều bị xóa bỏ. Hành động này của nam phượt thủ không khỏi khiến cộng đồng mạng bất bình. Nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về các thành tích trước đây của anh.

Hoàng Lê Giang - 'cú lừa' đánh đổi danh tiếng

Có thể nói, trước khi thông tin trekking Denali giả mạo bại lộ, Hoàng Lê Giang từng là cái tên khá nổi trong cộng đồng người leo núi tại Việt Nam. Anh được biết đến với những chuyến đi đến nhiều quốc gia, chinh phục nóc nhà châu Âu, dãy Himalaya...

Trang cá nhân của Hoàng Lê Giang sở hữu gần 40.000 lượt theo dõi. Các bài viết của anh thường nhận nhiều lượt like cùng bình luận, chia sẻ của những người yêu mến. Trong nhiều cuộc nói chuyện, bàn luận của hội mê xê dịch, Hoàng Lê Giang vẫn được nhắc đến như một người đi đầu trong phong trào trekking xuyên quốc gia.

Tuy nhiên, "cú lừa" mang tên Denali đã khiến tất cả sụp đổ. Trên một diễn đàn leo núi, bài viết liên quan đến lời xin lỗi của Hoàng Lê Giang nhận rất nhiều sự quan tâm. Trái với lời an ủi, động viên trong bài đăng trên trang cá nhân của nam phượt thủ, những bài chia sẻ nhận khá nhiều bình luận trái chiều.

"Lừa dối", "lừa đảo", "sống ảo"... là từ ngữ mà những người cùng nghề dành cho anh sau khi sự thật được phanh phui. 

"Vấn đề là dân mạng muốn anh nói thật từ đầu chứ không phải đợi khi mọi chuyện bị lật tẩy. Thời đại công nghệ số rồi có phải 50 năm trước đâu", tài khoản Jay Nguyễn chia sẻ quan điểm.

Đó cũng lời muốn nói của một bộ phận người từng coi Giang như thần tượng, bởi đơn giản câu xin lỗi không phải liều thuốc cho sự dối lừa. "Là người chia sẻ kinh nghiệm để những người khác học hỏi theo mà lại đi lừa đảo như vậy, thử hỏi ai có thể tin tưởng được nữa?" là ý kiến của nhiều thành viên khác trước thông tin trên.

hoang le giang noi doi anh 3
Dòng trạng thái sống ảo của Hoàng Lê Giang về hành trình chinh phục Denali.

Trước đó, trong bài đăng ngày 7/7, Hoàng Lê Giang chia sẻ kinh nghiệm trekking Denali, đề cập chuyện bị rách cơ sau hành trình lên đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ.

Hôm 16/6, trên trang cá nhân, phượt thủ cũng đề cập hành trình đang thực hiện ở Alaska. Thậm chí, anh mô tả chi tiết những khó khăn gặp phải trong hành trình chinh phục "nóc nhà Bắc Mỹ" như khối lượng đồ phải mang theo, nhiệt độ trên núi và việc bạn đồng hành phải bỏ cuộc...

"Không chỉ fake (giả) rằng đã chinh phục Denali, anh ta còn giả mạo lịch trình, đưa những thông tin không hề có thật. Đúng là mạng xã hội không ai kiểm chứng, muốn nói gì thì nói, tôi thật mất niềm tin vào những bạn này", một thành viên mạng thất vọng.

Năm 2017, Hoàng Lê Giang cũng từng bị tố "đem con bỏ chợ" khi tổ chức ngắm tuần lộc di cư. Được biết, số tiền mỗi khách phải trả cho tour này là 4.900 USD với hành trình kéo dài một tuần. Tuy nhiên, những vị khách đã không được ngắm tuần lộc bởi thời điểm chuyến đi diễn ra, đàn thú đã di cư xong xuôi.

Sau các sự vụ, hiện tại, cộng đồng mạng cũng đang bày tỏ sự nghi ngại trước những thành tích của Hoàng Lê Giang. Từ cái tên được tung hô, anh lúc này sống trong sự ngờ vực từ những người từng thần tượng. Trên các diễn đàn du lịch, rất nhiều tài khoản đã đặt câu hỏi rằng liệu 8 lần trekking dãy Himalaya huyền bí trong hơn 5 năm qua hay chiến công trở thành "người Việt đầu tiên chinh phục Bắc Cực" có phải sự thật khi không thấy những chứng nhận...

Cuộc tranh cãi 7 năm của Huyền Chip

Năm 2012, cộng đồng những người yêu du lịch cũng từng xôn xao rất nhiều về cái tên Huyền Chip, khi nữ blogger phát hành cuốn tự truyện với chủ đề "đi 25 quốc gia với 700 USD".

Ở thời du lịch xuyên quốc gia chưa phải trào lưu thu hút nhiều tên tuổi, cuốn sách đưa Huyền Chip phất lên nhanh chóng và trở thành thần tượng trong mắt giới trẻ.

Tuy nhiên, một số tình tiết "lố" trong cuốn sách đã bị dư luận nhìn ra. Thời điểm đó, nhiều người yêu cầu Huyền Chip đưa bằng chứng hình ảnh visa 25 nước, con dấu hộ chiếu, chứng minh tài chính...

Một chi tiết khó hiểu cũng khiến người đọc băn khoăn là làm cách nào cô gái này có thể vào được cả Israel lẫn Palestine ở thời điểm hai nước đang xung đột chính trị. Tình tiết "gãy ống đồng rồi khỏi sau 3-4 tuần" hay "làm việc trong sòng bài ở châu Phi" cũng bị tố là bịa đặt, thiếu cơ sở.

hoang le giang noi doi anh 4
Huyền Chip bị tố sống ảo với hành trình 25 nước cùng 700 USD.

Huyền Chip đã chọn cách im lặng trong một thời gian dài. Phải đến năm 2017, nữ blogger mới gửi đến độc giả bức thư giãi bày thông qua một tờ báo mạng. 

Cô thừa nhận mình đã "phạm phải nhiều lỗi lầm ngốc nghếch và đã nhận được nhiều bài học". Tuy nhiên, Huyền Chip cũng lập luận mọi thứ viết trong hồi ký đều lấy từ trí nhớ và "trí nhớ con người là không chính xác". Cô không giải đáp những câu hỏi được dư luận đặt ra. Cuối thư, nữ blogger chỉ nói thêm "mình không cần phải giải thích góc nhìn của bản thân". Lời thú tội muộn màng của nữ blogger sau đó cũng nhận phải cơn mưa ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng.

7 năm sau khi cuốn sách được ra mắt, sự thật về việc Huyền Chip có đi 25 nước với 700 USD vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này cũng giống với trường hợp của Hoàng Lê Giang khi dân mạng đang đặt ngược tính xác thực về những chuyến phiêu lưu trước đó của anh.

Sống ảo hay con sâu trong giới xê dịch

Sự việc Hoàng Lê Giang giả mạo thông tin chinh phục Denali có thể xem như cú sốc lớn trong giới xê dịch. Tuy nhiên, câu chuyện người có tầm ảnh hưởng và những người muốn nổi tiếng dễ bị cuốn vào vòng xoáy "sống ảo lấy thành tích" không phải lý do khó hiểu. Nó đã và đang xảy ra trong khắp cộng đồng. Đơn giản như việc đi du lịch nhưng thiếu sự trải nghiệm, cốt chỉ có ảnh đẹp mang về của nhiều bạn trẻ.

Trả lời Zing.vn về vấn đề này, Quân Đoàn, chủ một diễn đàn du lịch cho rằng việc ghép ảnh là điều đáng lên án. "Các bạn ghép mây, cỏ cây, hoa lá hay thậm chí ghép cảnh thực sự không nên. Đi du lịch là để học thêm những điều mới mẻ. Ảnh đẹp cũng cần được lưu giữ nhưng không phải là mục đích chính của chuyến đi", anh nói.

"Mỗi người có một quan điểm, không ai áp đặt lên người khác được. Tuy nhiên, mình thấy nhiều bạn trẻ đi du lịch rất ảo, ăn mặc như sự kiện rồi dùng các phần mềm hỗ trợ để ghép mây, chim... loạn lên. Nhiều người tin rồi đi đến nơi thấy khác xa 80%, như vậy không giống đi trải nghiệm nữa.

Mọi người đang đánh mất đi sự trải nghiệm khi du lịch. Đi nhiều nơi không quan trọng bằng hiểu hết các đặc trưng của điểm mình đặt chân tới", Sơn Đoàn, một blogger du lịch nổi tiếng, trả lời Zing.vn.

Cũng theo Sơn Đoàn, một bộ phận travel blogger có tầm ảnh hưởng trong giới đang gặp vấn đề với các hợp đồng tài trợ. Cụ thể, có nhiều bài review bị thổi phồng quá mức do các vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, độc giả cần chọn lọc thông minh xem đó là bài trải nghiệm hay tài trợ.

Về trường hợp Hoàng Lê Giang, Sơn Đoàn cho biết anh không muốn bình luận quá sâu. "Khi được tung hô nhiều, các travel blogger thường có xu hướng làm quá lên vì suy nghĩ một chút cũng không sao. Mọi thứ cứ ảo dần lên, đến một lúc nào đó không kiềm chế được sẽ vỡ lở", anh chia sẻ.

Đồng quan điểm, blogger nổi tiếng Tâm Bùi cho rằng tầm ảnh hưởng càng lớn, trách nhiệm và tiếng nói càng phải cẩn thận. 

''Tôi nghĩ một người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ song song. Quyền lợi là họ được nhiều người hâm mộ, tiếng nói của họ được nhiều người lắng nghe hơn và họ có thể là nguồn cảm hứng sống cho nhiều người khác.

Một khi sự kỳ vọng của công chúng quá lớn, người có tầm ảnh hưởng lại càng phải cẩn trọng trong bất cứ hành động, lời nói của mình. Cái khó nhất không phải là chinh phục bao nhiêu đỉnh núi cao, mà khó nhất là chiến thắng được tà kiến của chính mình", anh kết luận.

Khám phá độ 'khó nhằn' của đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ Denali (Mỹ) là đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ, thu hút nhiều nhà leo núi tới chinh phục. Để vượt qua được ngọn núi cao 6.168 m, bạn phải có ý chí bền bỉ và sức khỏe tốt.

Hoàng Lê Giang thừa nhận nói dối chinh phục đỉnh Denali

Sáng 14/7, Hoàng Lê Giang chính thức xác nhận thông tin về việc bị tố "dựng kịch" chinh phục đỉnh Denali (Mỹ).

Anh Tú - Bích Phương

Bạn có thể quan tâm