Trong những ngày qua, dư luận quan tâm thông tin về đề thi khảo sát bằng tiếng Anh vào lớp 6, trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa. Qua học sinh, đề thi được phản ánh là không tập trung môn học nào, mà dàn trải ở nhiều lĩnh vực như thời sự, xã hội và toán logic (nhà trường không công bố đề thi).
Trong đó, câu hỏi: "Quê của vận động viên bơi lội Ánh Viên ở đâu?” gây nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng: Đề thi thách đố học sinh, không đánh giá đúng năng lực và sức học của các em.
Về điều này, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo – giáo viên trường Trần Đại Nghĩa có những chia sẻ liên quan “tích hợp, liên môn”.
Cô giáo Huyền Thảo. |
Theo cô Thảo, trong năm học 2014-2015, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục khuyến khích giáo viên dạy học theo hướng “tích hợp, liên môn” .
Dạy học tích hợp được phân loại thành hai kiểu: Tích hợp theo chiều dọc là “dựa trên cơ sở liên kết hai hay nhiều môn học cùng thuộc lĩnh vực hoặc một số lĩnh vực gần nhau”; tích hợp ngang “dựa trên cơ sở liên kết các đối tượng học tập, nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau” xung quanh một chủ đề.
Việc dạy học tích hợp cũng được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, tùy theo mục đích giáo dục cần đạt được mà người dạy và học lựa chọn cách thức tiếp cận cho phù hợp.
Dạy học tích hợp ở đây được hiểu là dạy cho học sinh cách sử dụng và vận dụng kiến thức và kỹ năng của mình để giải quyết và ứng dụng trong tình huống cụ thể. Dạy học tích hợp còn được hiểu là dạy cho học sinh thấy mối liên kết giữa kiến thức và kỹ năng của các môn khác .
Từ góc độ đó, cô giáo Huyền Thảo dẫn một số ý kiến cho rằng, đề thi tuyển sinh vào lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa khá dài, nhiều câu hỏi, gồm cả những câu hỏi không đánh giá được kiến thức và năng lực của học sinh. Ví dụ: Quê vận động viên Ánh Viên ở đâu?
Theo cô giáo này, chúng ta cần hiểu năng lực của một đứa trẻ là gì? Lâu nay, người ta quá sùng bái IQ mà quên mất đó chỉ là phần nổi của tảng băng trí tuệ, tài năng của trẻ em. Lý thuyết về 'đa thông minh' của giáo sư Howard Gardner (Đại học Harvard) đã đặt ra nhiều chiến thuật mới về cách giảng dạy và học tập. Học sinh nhờ đó gặp nhiều cơ hội khám phá các khía cạnh khác nhau của trí thông minh, được giúp đỡ để phát triển cả những năng khiếu còn tiềm ẩn.
Theo ông Howard Gardner, con người có những nhóm năng lực sau:
Lý luận Toán học: Học sinh thuộc loại này ưa thích làm việc với các con số, đặt câu hỏi rồi giải đáp. Những học sinh giỏi toán và lý luận này về sau dễ trở thành nhà toán học, khoa học.
Ngôn ngữ – khẩu ngữ: Các em giỏi về đọc, viết, kể chuyện, nhớ rõ ngày tháng, ưa thích giải các bài ô chữ, nhạy cảm với các ý nghĩa của các từ ngữ, biết rõ chức năng khác nhau của ngôn ngữ. Những học sinh này cần được luyện tập về nghe, nói, đọc chữ, thảo luận và viết ra các bài văn.
Không gian: Những học sinh giỏi vẽ, lập ra họa đồ, có đầu óc dự kiến, ưa thích mơ mộng và tạo ra các kiểu mẫu, có năng khiếu về không gian và về các biến đổi theo nhận thức đa chiều. Tương lai của họ có thể là nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà hàng hải.
Âm Nhạc: Có thể trở thành nhạc sĩ, nhà soạn nhạc. Những học sinh này có khả năng nhận thức, ghi nhớ, lượng giá và sáng tạo nhịp điệu, âm thanh, tiết điệu, ưa thích đánh đàn, nghe nhạc và ca hát, biết thưởng thức cách diễn tấu.
Vận động thân thể: Học sinh sẽ trở thành nhà thể thao, vũ công, có khả năng diễn tả qua các động tác cơ thể.
Thiên nhiên: Tương lai của lớp học sinh này là các nhà thiên nhiên học, sinh học, bảo trợ môi trường.
Tương giao cá nhân: Khi thành công, học sinh trở thành bác sĩ chữa bệnh tâm lý, người bán hàng…
Nội tâm cá nhân: Học sinh thuộc loại này ưa thích suy tư, làm việc đơn độc, theo đuổi các công trình một cách thầm lặng, hiểu rõ chính mình, nhận ra những ưu, khuyết điểm của các hành vi cá nhân và biết đặt ra những mục tiêu thích hợp với nguyện vọng và trí thông minh của từng người.
Như vậy, lý thuyết về “đa thông minh” của giáo sư Howard Gardner đặt ra nhiều chiến thuật mới về cách giảng dạy và học tập. Học sinh nhờ đó gặp nhiều cơ hội khám phá các tầm cỡ khác nhau về thông minh, được giúp đỡ để phát triển cả những năng khiếu còn tiềm ẩn.
Từ góc nhìn đó áp dụng vào đề thi khảo sát tiếng Anh lớp 6 trường Trần Đại Nghĩa, có thể nhận thấy, xét tổng thể, với những câu đa dạng, đề thi có tính thực tiễn cao, phù hợp xu hướng của giáo dục hiện nay. Dạng đề này ở những nước có nền giáo dục phát triển thì không có gì lạ, ví dụ như IELTS hay TOEFL.
Những năm gần đây, các kỳ thi của nước ta cũng dần xuất hiện những vấn đề thời sự như SEA games, chủ quyền biển đảo... Vì vậy, đề khảo sát năng lực giúp học sinh thể hiện hết năng lực tiềm ẩn, từ đó thoát khỏi lò luyện thi, giảm áp lực cho các em. Ở một góc độ nào đó, điều này đáng được ủng hộ để góp phần cho công cuộc đổi mới giáo dục được thành công.