Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Tự do tài chính và nghỉ hưu sớm với phương pháp 4%

Phương pháp 4% thường được nhắc đến trong việc lập kế hoạch hưu trí. Vậy, người trẻ muốn đạt tự do tài chính cần áp dụng phương pháp này như thế nào?

nghi huu som anh 1

Phương pháp 4% thường được nhắc đến trong việc lập kế hoạch hưu trí. Vậy, người trẻ muốn đạt tự do tài chính cần áp dụng phương pháp này như thế nào?

Zing giới thiệu bài viết về phương pháp 4% của tác giả Chàng-Ngốc-Già.

Chàng-Ngốc-Già (TS. Võ Đình Trí) hiện là giảng viên tại IPAG Business School, Paris, Pháp và Đại học Kinh tế TP.HCM. Bên cạnh việc giảng dạy, anh cũng là thành viên của AVSE Global. Nghiên cứu và chia sẻ của anh chủ yếu tập trung vào chủ đề tài chính, tự chủ và trách nhiệm ở người trẻ.


Phương pháp 4%

Năm 1994, William P. Bengen, một nhà tư vấn lập kế hoạch tài chính ở Nam California (Mỹ) công bố nghiên cứu của mình rằng nếu một người về hưu có thể đủ sống với 4% số tiền tích lũy trong năm đầu, những năm sau điều chỉnh lạm phát, thì người đó có thể nghỉ hưu an toàn trong 30 năm với điều kiện danh mục của người đó đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, trong đó cổ phiếu 50-75%.

Theo tính toán này, nếu một người về hưu mỗi tháng cần 20 triệu đồng để sống, tức 240 triệu đồng/năm, thì người đó cần tích lũy được 6 tỷ đồng để có thể nghỉ hưu an toàn trong 30 năm (4% x 6.000.000.000 = 240.000.000).

Giả sử, lạm phát là 2%/năm thì vào năm thứ hai, người đó rút ra số tiền khoảng 244 triệu đồng, năm thứ ba khoảng 249 triệu đồng và cứ tiếp tục điều chỉnh tăng 2% sau mỗi năm.


Con số 4% có còn hợp thời không?

Trong khi nhiều người vẫn băn khoăn phương pháp này có áp dụng được cho thời điểm hiện tại hay không, thì theo nhiều tổ chức tư vấn tài chính có tiếng trên thế giới như Vanguard, Fidelity, Schwab, câu trả lời cho số đông là vẫn khả thi.

Tuy nhiên, nhiều giả định trong phương pháp này cần xem xét các yếu tố cụ thể cho từng trường hợp.

Thứ nhất là số năm ước tính nghỉ hưu

Nếu một người ước tính tuổi thọ trung bình của mình thấp hơn và chỉ nghỉ hưu trong vòng 20 năm (thay vì 30), họ có thể rút nhiều tiền hơn để chi tiêu năm thứ nhất, hoặc tích lũy ít tiền đi.

Ví dụ, họ chỉ cần tích lũy 4 tỷ đồng và rút 6% mỗi năm thì vẫn đảm bảo được 240 triệu đồng/năm.

Nhưng, nếu họ có những khoản thu nhập hay chi tiêu lớn bất thường, tỷ lệ rút cũng phải được điều chỉnh lại.

Thứ hai là việc tạo danh mục đầu tư cho số tiền đã tích lũy được

Bởi vì mỗi lớp tài sản có mức độ rủi ro khác nhau, tỷ trọng của từng loại tài sản trong danh mục không có ảnh hưởng lớn trong một vài năm đầu, nhưng sẽ là rất lớn trong nhiều năm về sau.

Trong trường hợp thị trường tài chính có những biến động lớn, giá trị của danh mục theo đó cũng biến động rất nhiều.

Trong điều kiện thị trường tài chính hiện nay, lợi tức của trái phiếu là rất thấp, thị trường chứng khoán đang có lợi tức tương đối hấp dẫn hơn. Dù vậy, không ai có thể chắc trong ngắn hạn, mọi thứ sẽ thay đổi như thế nào.

Đối với những người về hưu, dòng tiền ổn định và ít biến động là một yếu tố ưu tiên. Ở Việt Nam, một phương án phù hợp cho họ sẽ là nắm giữ một số cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tốt hay kết hợp giữa cổ phiếu có cổ tức tốt và trái phiếu.

Thứ ba là sự kiên định trong việc duy trì nguyên tắc 4%

Tương lai luôn bất định. Những thay đổi trong danh mục đầu tư, thay đổi tỷ lệ rút ra 4% có điều chỉnh lạm phát cũng ảnh hưởng nhiều đến sự an toàn của phương án. Do đó, người về hưu cần có những điều chỉnh linh động, phù hợp với thực tế.

Cụ thể, trong thời điểm thị trường sụt giảm, khoản đầu tư bị thua lỗ, người nghỉ hưu có sẵn sàng cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu?

Ngược lại, trong những năm khoản đầu tư tăng đột biến, người nghỉ hưu cũng không nên chi tiêu hết phần tăng đó. Nếu kỳ vọng trung bình là 10% và bạn đạt 20%, hãy để riêng 10% vượt định mức để dự phòng cho những lúc thâm hụt.


Các phương pháp tài chính khác cho kế hoạch hưu trí

Bên cạnh phương pháp 4%, còn có 2 phương pháp khác liên quan đến việc tính toán chi tiêu và đầu tư khi về hưu.

Phương pháp thứ nhất là chỉ chi tiêu từ lợi tức

Phương pháp này phù hợp với những người khá giả, có một khoản tích lũy tương đối lớn ở thời điểm về hưu.

Giả sử, một cặp vợ chồng về hưu ở Việt Nam với tài sản tích lũy là 10 tỷ đồng, tỷ suất sinh lợi ròng là 5%, thì mỗi năm họ có 500 triệu đồng hay khoảng 41 triệu đồng/tháng để chi tiêu mà không phải đụng vào vốn gốc.

Có nhiều cách để tạo được tỷ suất ổn định như đầu tư trái phiếu, cổ phiếu có cổ tức ổn định, hay bất động sản cho thuê. Với những người không thích đầu tư vào chứng khoán, lựa chọn việc đầu tư vào căn hộ hay nhà cho thuê cũng là một lựa chọn khá phổ biến của nhiều người về hưu.

Dù vậy, phương pháp này có nhược điểm trong trường hợp thuế thừa kế hay thuế chênh lệch vốn (captail gains tax) cao. Nghĩa là, chính phủ các nước sẽ đánh thuế trên phần tài sản sinh lời. Ví dụ, bạn mua cổ phiếu giá 100.000 đồng/cổ phiếu và bán lúc 120.000 đồng/cổ phiếu. Khi đó, bạn sẽ phải đóng thuế cho phần chênh lệch 20.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, việc tập trung tỷ trọng lớn vào một tài sản nào đó dù rủi ro thấp (tail risk), vẫn tiềm ẩn thiệt hại rất lớn. Một người về hưu, đầu tư nhà cho thuê, dồn hết tiền vào căn nhà nhưng chẳng may thiên tai nghiêm trọng xảy ra trong khu vực. Lúc này, ngôi nhà có thể bị phá hủy hoàn toàn và tiền bảo hiểm không đủ để hồi phục lại căn nhà như trước. Do đó, hãy luôn cân nhắc việc đa dạng hóa rủi ro.

Phương pháp thứ hai là rút dần từ tài sản tích lũy dựa vào số năm kỳ vọng còn sống

Công thức của phương pháp này như sau:

Trong đó r là tỷ suất sinh lợi phi rủi ro, như trái phiếu chính phủ có thời hạn 10 năm chẳng hạn; t là số năm dự kiến còn sống.

Theo công thức này, nếu một người tích lũy được 1 tỷ đồng khi về hưu, r=5% thì số tiền có thể rút ra hàng năm trong 20 năm là khoảng 80 triệu đồng.


Nhưng quan trọng nhất là gì?

Việc tính toán chi tiêu và đầu tư khi về hưu chỉ hữu ích khi chúng ta có kế hoạch từ trước và tích lũy được một lượng tài sản nhất định.

Bình thường, một người đi làm đã có lương hưu và ước tính được tương đối chính xác số tiền mình sẽ nhận được khi về hưu. Do đó, xuất phát từ nhu cầu chi tiêu khi hưu trí mà sẽ tính ra được số tiền cần phải tích lũy thêm vào lương hưu.

Tuy nhiên, giá trị tài sản tích lũy chỉ có thể biết chính xác được ở thời điểm bắt đầu nghỉ hưu. Khi đó, lựa chọn phương pháp 4%, chi tiêu từ lợi tức, hay rút dần đến hết là tùy thuộc vào điều kiện và lựa chọn của mỗi người.

Và để có được tài sản tích lũy nhiều nhất có thể ở thời điểm về hưu, ai cũng cần một kế hoạch tài chính rõ ràng, được thực hiện kỷ luật trong việc tăng thu nhập, biết tích lũy, và đầu tư. Nếu bạn ở độ tuổi 20-30, cơ hội để chuẩn bị và và thực hiện được là rất nhiều, điều quan trọng nhất là tính kỷ luật và sự kiên trì.

Võ Đình Trí

Editor: Thiên Hân
Đồ họa: Minh Trí

Bạn có thể quan tâm