Trung tuần tháng 12/1978 tại thành phố Des Plaines, bang Illinois, Mỹ, John Wayne Gacy, một kỹ sư xây dựng, bước tới hiệu thuốc để tìm gặp ông chủ và trao đổi với người này về kế hoạch xây dựng, tân trang lại cửa hàng.
Tại đây, Gacy bắt gặp Robert Piest, cậu nhân viên 15 tuổi làm việc tại cửa hàng. Sau cuộc trò chuyện ngắn cùng những lời hứa hẹn của Gacy về mức đãi ngộ gấp đôi hiện tại, Piest đồng ý tới gặp Gacy tại nhà riêng vào tối cùng ngày để trao đổi thêm về công việc.
21h, Piest rời cửa hàng và hứa sẽ sớm quay về để dự bữa tiệc sinh nhật mẹ. Tuy nhiên, lời hứa đó chẳng thể thực hiện được.
Tuổi thơ bất hạnh
Gacy sinh ngày 17/3/1942 tại thành phố Chicago, bang Illinois, trong một gia đình có cha mẹ là người Đan Mạch và Ba Lan. Tuổi thơ của người này là một chuỗi những tháng ngày bất hạnh, với những miền ký ức đáng quên về gia đình và bạn bè.
Nếu ở nhà, cậu cùng chị gái phải sống trong một môi trường nhuốm màu bạo lực cùng những trận đòn roi của người cha thì khi tới trường, cậu lại bị bạn bè xa lánh. Căn bệnh tim khiến cậu không thể sinh hoạt, tham gia vào những trò chơi bình thường giống những đứa trẻ khác.
Mọi thứ càng tồi tệ hơn khi Gacy dần nhận ra mình bị hấp dẫn bởi con trai và trải qua một quãng thời gian tâm lý hỗn loạn bởi xu hướng tình dục khác thường của bản thân.
John Wayne Gacy trong bộ dạng Patches (chú hề nghiêm túc). Ảnh: The Wrap. |
Giai đoạn 1960-1978, Gacy trải qua 2 đời vợ và đều ly hôn. Anh làm nhiều công việc khác nhau như nhân viên bán giày dép, quản lý cửa hàng KFC, kỹ sư xây dựng hay thậm chí cả một chính trị gia trước khi được nhiều người dân biết tới với vai chú hề tại câu lạc bộ giải trí ở địa phương.
Tại đây, Gacy tạo ra cho mình 2 hình tượng đặc trưng là Pogo (chú hề vui nhộn) và Patches (chú hề nghiêm túc). Gacy thường xuất hiện tại các sự kiện gây quỹ, từ thiện và cả bệnh viện để biểu diễn, mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ. Bản thân Gacy cũng thừa nhận đam mê công việc này bởi nó giúp cậu ta "như được sống lại tuổi thơ".
Một công việc tưởng chừng mang tới nhiều niềm vui và tiếng cười, song ít ai ngờ đây chính là khởi nguồn, tạo ra một trong những kẻ giết người hàng loạt khét tiếng hàng đầu nước Mỹ.
Kẻ sát nhân biến thái
Tính chất công việc tạo điều kiện giúp Gacy tiếp cận nhiều bé trai hoặc nạn nhân là nam ở tuổi vị thành niên. Bằng những lời dỗ dành, hứa hẹn, gã hề dụ dỗ được các nạn nhân tới nhà mình để nói chuyện riêng.
Thủ đoạn chung của gã là sử dụng rượu bia, chất kích thích hoặc các biện pháp tạo niềm tin nhằm kiểm soát nạn nhân. Lấy cớ thực hiện một trò chơi đặc biệt tên "thủ thuật còng tay", gã dụ dỗ nạn nhân tra tay vào còng rồi khống chế, buộc họ phải thực hiện hành vi quan hệ tình dục với mình.
Sau khi quan hệ, Gacy sử dụng dây thừng siết cổ nạn nhân đến chết, giấu xác dưới gầm giường trong 24 giờ rồi chôn họ xuống dưới nền nhà, dùng vôi bột để khử khuẩn nhằm tránh sự phát hiện của mọi người xung quanh. Phần lớn nạn nhân bị sát hại trong khoảng thời gian 3-6h.
Ngôi nhà nơi Gacy thực hiện hàng loạt vụ giết người. Ảnh: Chicago Tribune. |
Năm 1968, Gacy bị cáo buộc tấn công tình dục 2 bé trai và bị tuyên án 10 năm tù. Tới năm 1970, gã được tha tù nhưng bị bắt tạm giam chỉ một năm sau đó do bị tố cáo tấn công tình dục một bé trai khác. Vụ án sau đó không được xét xử do nạn nhân không có mặt tại phiên tòa.
Sau đó, Gacy bắt đầu thực hiện hàng loạt các vụ giết người, hiếp dâm. Nạn nhân đầu tiên là Timothy McCoy, cậu học sinh 16 tuổi tới Chicago du lịch hồi tháng 1/1972. Gacy khi đó đón McCoy ở bến xe bus, lái xe đưa cậu ta đi khám phá một vòng thành phố rồi chở về nhà, cho nạn nhân ngủ qua đêm trước khi thực hiện hành vi giết người, hiếp dâm.
Bằng các thủ đoạn có tính chất tương tự, gã hề tiếp tục sát hại nhiều nạn nhân trong giai đoạn 1972-1978. Sau này, khi làm việc với cơ quan điều tra, gã thừa nhận hành vi của mình.
Chỉ tới khi Robert Piest, chàng nhân viên hiệu thuốc, mất tích bí ẩn sau khi gặp Gacy và cảnh sát vào cuộc, chân tướng của kẻ giết người mới dần bại lộ.
Đền tội
Sau khi Sở Cảnh sát thành phố Des Plaines tiếp nhận trình báo từ gia đình Piest, Gacy trở thành kẻ tình nghi hàng đầu. Bước vào nhà Gacy, cảnh sát lập tức bị sốc bởi thứ mùi nồng nặc, khó chịu. Dù chưa đủ chứng cứ buộc tội, cơ quan chức năng vẫn ra lệnh khám nhà đối với nghi phạm này.
Khám xét nhà, cảnh sát phát hiện, tịch thu nhiều vật dụng khả nghi như dao bấm, súng lục, còng tay, phù hiệu cảnh sát, dây nylon, cần sa hay chất kích thích... Trong ôtô của Gacy, cảnh sát phát hiện mẫu tóc của Piest.
John Wayne Gacy. Ảnh: Truecrimeseven. |
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện một căn buồng nhỏ dưới sàn nhà được rắc vôi bột, có mùi lạ bốc lên. Do không đủ bằng chứng, họ chỉ có thể buộc Gacy vào tội tàng trữ cần sa.
Đúng thời điểm này, Jeffrey Ringall, nạn nhân hiếm hoi sống sót sau khi bị Gacy tấn công, đã trình báo cảnh sát về sự việc có tính chất tương tự. Theo đó, anh không nhớ rõ về kẻ tấn công mình nhưng vẫn nhớ về chiếc xe của gã đó.
Sau hàng tháng trời đứng trên cao tốc, Ringall cuối cùng cũng tìm thấy chiếc xe trên. Kết quả xác minh cho thấy đó là chiếc xe của Gacy.
Trong lần khám xét tiếp theo, cảnh sát phát hiện hàng chục nạn nhân bị chôn ngay dưới căn nhà, dưới hầm nhà để xe cùng nhiều thi thể khác tại khu vực sông Des Plaines gần đó. Trước những chứng cứ không thể chối cãi từ cảnh sát, Gacy cúi đầu nhận tội và thừa nhận sát hại tổng cộng 33 nạn nhân bằng những thủ đoạn có tính chất tương tự.
Tháng 2/1980, Gacy bị đưa ra xét xử tại Tòa án hình sự Cook thuộc thành phố Chicago và nhận mức án tử hình. Sau đó, gã dành 14 năm để kháng cáo và vẽ những bức tranh về chú hề trong thời gian bị giam giữ. Đó là lý do khiến truyền thông Mỹ đặt cho Gacy biệt danh "Gã hề sát nhân".
Ngày 10/5/1994, Gacy bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.