Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Từ 'mớ giấy lộn', manga thành di sản cần được bảo tồn

Từng bị coi là đồ bỏ đi, những bản vẽ gốc của tác phẩm truyện tranh Nhật Bản đang được các nghệ sĩ, nhà xuất bản và viện bảo tàng cố gắng bảo tồn.

Keiko Takemiya, họa sĩ manga nổi tiếng người Nhật Bản, được biết đến với những đóng góp đặc biệt của mình vào thể loại manga dành cho phái nữ và là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực này.

Khi Keiko Takemiya bắt đầu vẽ manga của mình vào năm 1968, nhà xuất bản nói với bà rằng những bản gốc có thể bị vứt đi.

Tuy nhiên, bà đã đòi nhận lại chúng và để lại dấu yêu cầu “Please return this to me” (tạm dịch: Hãy trả lại cho tôi) trên từng trang vẽ.

Nỗ lực bảo tồn những trang giấy

Hơn nửa thế kỷ sau đó, Takemiya có một bộ sưu tập gồm 26.000 bức tranh từ 180 tác phẩm manga mà bà đã xuất bản, bao gồm những tác phẩm đầu tiên trong thể loại "shoujo manga" - một loại manga nhắm tới độc giả là nữ giới.

Những bức tranh này nằm chất đống trong căn nhà của bà ở miền nam Nhật Bản. Trước đây, những bức vẽ này từng bị người trong ngành xem là giấy thải. Nhưng giờ đây, nhiều người trên thế giới nhìn nhận chúng như nghệ thuật cao cấp.

Một số bức tranh được trưng bày tại các bảo tàng, như Bảo tàng Anh. Năm 2019, nơi này cũng từng có một triển lãm các tác phẩm từ manga khoa học viễn tưởng Toward the Terra của tác giả Takemiya.

manga anh 1

Một bức tranh trong Toward the Terra của Takemiya. Ảnh: WSJ.

Tại một cuộc đấu giá ở Paris (Pháp) năm 2018, một trong những bức tranh của bộ manga khoa học viễn tưởng kinh điển Astro Boy của tác hỉa Osamu Tezuka được bán với giá 269.400 bảng Anh (khoảng 290.000 USD).

Hiện nay, một số người tại Nhật Bản đã nhận thức manga như di sản văn hóa của đất nước. Họ đang tích cực thực hiện các biện pháp để ngăn chặn các bức vẽ truyện tranh thất lạc sang nước ngoài.

Vào thời kỳ cuối thế kỷ 19, người Châu Âu và người Mỹ phát hiện ra các bức tranh in trên gỗ ukiyo-e, một thể loại nghệ thuật in xuất hiện ở Nhật Bản, với nội dung mô tả nhà hát, núi Phú Sĩ của các nghệ nhân như Hiroshige.

Thời điểm đó, nhiều người Nhật xem những bản in này là đồ rẻ tiền và dễ dàng vứt bỏ chúng.

Ngày nay, một số bộ sưu tập ukiyo-e đẹp nhất được tìm thấy trong các bảo tàng như Bảo tàng Nghệ thuật Boston (Mỹ) và Bảo tàng Smithsonian's Freer Gallery of Art (Mỹ)

Hiện họa sĩ Takemiya đã 73 tuổi. Ở độ tuổi này, bà đang ra sức tìm kiếm một bảo tàng hoặc thư viện sẽ bảo quản, trưng bày các tác phẩm manga của mình sau khi bà qua đời.

“Điều tôi lo lắng nhất là nguy cơ những trang truyện tranh sẽ bị phân tán rải rác, tương tự điều đã xảy ra với ukiyo-e”, bà nói.

Tìm cách lưu trữ

Manga là một ngành kinh doanh lớn đang phát triển ở thị trường quốc tế. Điều này đã thúc đẩy những nhà xuất bản phải suy nghĩ sâu hơn về vai trò của chúng trong văn hóa Nhật Bản.

Trong năm 2022, doanh số bán manga chiếm hơn 40% thị trường xuất bản của Nhật Bản. Nhiều tác phẩm phổ biến được chuyển thể thành chương trình anime cho đài truyền hình hoặc dịch vụ phát sóng trực tuyến như Netflix.

Trong năm nay, 15 nhà xuất bản manga ở Nhật Bản đã thành lập một tổ chức có tên là Trung tâm Lưu trữ Manga, với kế hoạch bảo quản ít nhất 360.000 tờ bản vẽ manga gốc trong vòng 5 năm tới.

manga anh 2

Phòng lưu trữ của Bảo tàng Maga Yokote Masuda (Akita, Nhật Bản), nơi chứa hàng trăm nghìn bức vẽ gốc. Ảnh: Bảo tàng Manga Yokote Masuda.

Takashi Oishi, giám đốc đại diện của trung tâm lưu trữ, cho biết nhiều nghệ sĩ tạo nên văn hóa manga của Nhật Bản đã qua đời. Họ để lại cho người thân hàng nghìn bức vẽ, mà hầu hết những người này không biết phải làm gì với chúng. Một số người đành lựa chọn phải vứt bỏ.

"Điều đó đồng nghĩa với việc thất lạc nền văn hóa. Hiện nay, công việc của chúng tôi là cố gắng lưu giữ càng nhiều bức vẽ nhất có thể càng tốt”, ông Oishi nói thêm.

Những bức tranh manga gốc thường được những họa sĩ tranh minh họa vẽ bằng bút và mực.

Chúng được sử dụng để tạo các khuôn in, và chỉ có một bản vẽ được tạo ra cho mỗi cuốn manga. Thông thường, bản vẽ thuộc sở hữu của nghệ sĩ và tách biệt từ quyền sở hữu của nhà xuất bản đối với cuốn sách.

"Trong những bức tranh gốc, bạn có thể thấy đam mê của nghệ sĩ được đổ vào từng nét bút tinh tế", Takemiya nói.

Một nỗ lực bảo tồn khác đang diễn ra tại một bảo tàng manga ở tỉnh Akita (Nhật Bản).

Nơi này đang lưu giữ một bộ sưu tập gồm 45.000 bản vẽ gốc của nghệ sĩ quá cố Takao Yaguchi. Sau năm 2019, bảo tàng này tiếp tục mở rộng để bảo tồn cả các tác phẩm của những nghệ sĩ khác.

Theo ông Oishi, công việc bảo tồn bao gồm việc chụp ảnh số với độ phân giải cao và ghi lại mọi vết bẩn hoặc ghi chú trên tác phẩm nghệ thuật. Bản vẽ từ mỗi cuốn sách được giữ cùng nhau trong một phòng lưu trữ được kiểm soát nhiệt độ.

Những tờ giấy trị giá vài nghìn USD

Với một số người khác, họ không quá lo lắng về sự xuất hiện của thị trường toàn cầu, cho rằng việc người ngoại quốc sưu tập cũng giúp bảo tồn và chia sẻ tác phẩm.

Enrique Alonso Saiz, một nhà sưu tập ở Tây Ban Nha bán các bức tranh manga trên eBay, cho rằng mỗi bức vẽ là một tác phẩm nghệ thuật duy nhất và có giá cả hợp lý cho nhiều người sưu tập.

Các trang đấu giá ở Nhật Bản cung cấp nhiều tác phẩm khác nhau, thường là các tờ từ các tác phẩm manga lớn, được bán với giá từ vài USD đến hàng nghìn USD.

Một trong những trang đấu giá lớn nhất là do công ty Mandarake vận hành. Masuzo Furukawa, chủ tịch của công ty, trước đây từng làm trợ lý cho một họa sĩ manga và mở một cửa hàng sách nhỏ vào năm 1980, chuyên bán truyện tranh đã qua sử dụng.

Ông đã xây dựng công ty của mình thành một siêu thị đồ sưu tập manga và anime. Hiện doanh nghiệp này đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Hai thập kỷ trước, Furukawa bắt đầu đấu giá trực tuyến các bức tranh manga gốc mà ông thu được từ các họa sĩ và người khác.

Furukawa cho biết các tác phẩm được đấu giá có thể là một bộ tranh manga hoặc những tờ đơn lẻ. Tuy nhiên, tờ đơn thường mang lại lợi nhuận cao hơn.

Ông cho biết thêm giá cả đã bắt đầu tăng vọt khoảng một thập kỷ trước, và các cuộc đấu giá của doanh nghiệp đã nâng cao tầm quan trọng của những tác phẩm mà trước đây không hề được trân trọng.

"Để chứng minh những thứ này có giá trị, tôi cảm thấy mình phải ra giá cho chúng. Những thứ tốt nhất thuộc về những người khao khát chúng nhất”, Furukawa nói thêm.

Về phía các nhà xuất bản, họ đang tìm các cách khác nhau để tận dụng sự quan tâm của người sưu tập nghệ thuật nước ngoài.

Shueisha, nhà xuất bản của manga One Piece của Eiichiro Oda, đã bán các bản in giới hạn từ phiên bản kỹ thuật số cao cấp của bản vẽ gốc của Oda và các họa sĩ khác, với giá từ vài nghìn USD cho một tờ hoặc cặp tờ.

Oishi cho biết đang có hàng chục triệu bức tranh manga có mặt ở Nhật Bản, nhưng con số có thể không tăng lên nữa. Hầu hết nghệ sĩ ngày nay thường vẽ tranh bằng kỹ thuật số, thay vì bằng bút và giấy.

Bức tranh bằng bút và mực "có thể đã thuộc về lĩnh vực của những hiện vật lịch sử" như Takemiya nhận định.

Disney hết thu lợi từ chuột Mickey

Sau khi trở thành tài sản công, phiên bản đầu tiên của Mickey Mouse (1928) có thể duy trì sức sống thông qua các sản phẩm sáng tạo của cộng đồng.

Những kiểu người quyến rũ

Có chín loại người có năng lực quyến rũ trên thế giới. Trong đó, Mỹ Nhân Ngư thể hiện cho nguồn năng lượng nhục dục dồi dào và họ biết cách tận dụng nó như thế nào. Kẻ Ăn Chơi Phóng Đãng lại cho thấy một niềm đam mê vô độ đối với kẻ khác phái và nỗi khát khao của họ có thể lây nhiễm sang người khác. Người Tình Lý Tưởng lại có thể cảm nhận sâu sắc rằng chính họ tạo ra sự lãng mạn. Người Thích Ăn Diện lại mê đắm trong hình ảnh của chính mình, tạo nên sức quyến rũ ái nam ái nữ đầy ấn tượng...

Thiên An

Bạn có thể quan tâm