Gần đây, trên các hội nhóm mạng xã hội xuất hiện nhiều bàn luận xoay quay biển chỉ dẫn "ke ga" tại metro TP.HCM. Nhiều người dùng cho rằng "ke ga" là từ địa phương, hoặc từ viết tắt từ tiếng Anh. Thực tế, đây là từ chuyên ngành đã được xuất hiện trong lĩnh vực đường sắt từ nhiều năm trước.
"Ke ga là công trình đường sắt trong ga đường sắt để phục vụ hành khách lên, xuống tàu, xếp, dỡ hàng hóa", Trích Luật Đường sắt 2017, số 06/2017/QH14, tại khoản 16, điều 3 (Giải thích từ ngữ), của chương I (Những quy định chung).
Từ "ke ga" cũng được Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, NXB Hồng Đức, năm 2016) định nghĩa là nền xây cao bên cạnh đường sắt ở ga để hành khách tiện lên xuống tàu hoặc xếp dỡ hàng hóa.
Theo Từ điển Các từ Tiếng Việt gốc Pháp của Hội nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM (1992), "ke" là từ mượn được dịch từ chữ "quai", một danh từ trong tiếng Pháp. "Quai" mang nghĩa là "bến", một bậc thềm cao hơn nền ở sông, ga tàu hỏa hoặc bến xe.
Như vậy, "ke ga" không phải là từ mới đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu. Có thể hiểu đơn giản ke ga là bậc thềm tiếp nối giữa ga tàu và tàu, thường được làm phẳng với sàn tàu để hành khách tiện di chuyển.
Ke ga giống như nhiều từ mượn gốc Pháp khác được sử dụng tại Việt Nam, hiện nay các từ mượn như "ke ga" đã ít được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Điều này cũng diễn ra tương tự với một số từ mượn từ Tiếng Pháp khác như gạc măng giê (tủ bếp) hay gạc đờ bu (chắn bùn). Trong khi đó nhiều từ mượn khác vẫn được sử dụng phổ biến như phanh, bu lông, vít, xi-nhan...
Trên thực tế tại nhà ga tàu điện ngầm, tàu cao tốc trên thế giới cũng hiếm khi xuất hiện thuật ngữ "Ke ga" hay Platform (tiếng Anh). Các nhà ga thường sử dụng tên, số hiệu hoặc đơn giản là ga tàu nói chung cho khu vực này.
Sách hay đọc trên xe
Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.