Zara Abid, người mẫu nổi tiếng được cho đã tử nạn trong vụ rơi máy bay tại Pakistan, bị những người quá khích tấn công trang cá nhân với lời lẽ chỉ trích lối sống, cách ăn mặc ngay cả khi cô qua đời, theo BBC.
Hôm 22/5, chiếc máy bay dân dụng Airbus A320 của hãng Pakistan International Airlines rơi tại khu dân cư Model Colony gần sân bay quốc tế Jinnah, thành phố Karachi (Pakistan). Máy bay chở theo 99 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn.
Zara Abid, người mẫu nổi tiếng tại Pakistan, được cho là đã tử nạn trong vụ máy bay rơi ở Pakistan hôm 22/5. Ảnh: MBS. |
Theo chính quyền, chỉ có duy nhất 2 người đàn ông có mặt trên chuyến bay thoát nạn. Tuy nhiên, vẫn có những tin tức giả xuất hiện với nội dung Zara Abid vẫn sống sót, khiến anh trai của cô phải lên tiếng cầu xin mọi người dừng lan truyền tin thất thiệt.
Sau khi truyền thông đưa tin Abid đã thiệt mạng, trang cá nhân của cô hứng chịu chỉ trích từ những người có tư tưởng cực đoan. Dưới các tấm hình được đăng tải trước đó, xuất hiện các bình luận mới, chửi bới cô ăn mặc “hở hang, không hợp thuần phong mỹ tục, phá vỡ quy định Hồi giáo”.
Thậm chí, nhiều người mang thái độ hà khắc còn cho rằng “cô sẽ bị trừng phạt ở thế giới bên kia vì ăn mặc thiếu vải như vậy”. Các bộ đồ Abid từng diện khi còn sống bị đem ra làm ví dụ cho “hành vi tội lỗi” của cô.
“Thánh Allah không thích phụ nữ mặc quần áo khoe ra các phần trên cơ thể. Thiên đường chỉ dành cho ai thuần khiết”, một tài khoản viết trên Twitter.
Sau khi tin tức người mẫu qua đời được công bố, lượng người quá khích đổ vào trang cá nhân cô, chỉ trích Abid ăn mặc hở hang, thiếu vải. Ảnh: BBC. |
Tại Pakistan, Zara Abid được biết đến là người mẫu nổi tiếng, từng hợp tác với các thương hiệu thời trang lớn trong nước. Hồi tháng 1, Abid chiến thắng giải thưởng “Người mẫu nữ của năm” tại quốc gia này.
Người mẫu 28 tuổi nhận nhiều lời khen về chuyên môn, phong cách thời trang từ giới chuyên gia. Theo kế hoạch, cuối năm nay, Abid sẽ lấn sân điện ảnh.
Hiện, tất cả tài khoản trên mạng xã hội của Abid đã được vô hiệu hóa, sau khi những bình luận tiêu cực vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều đồng nghiệp, nhà thiết kế và diễn viên bênh vực người mẫu quá cố và coi những lời xúc phạm cô gặp phải sau khi qua đời là “bi kịch của ngành thời trang”.
Ở Pakistan, các quan niệm bảo thủ về phụ nữ vẫn tồn tại, còn phái yếu chịu sự phán xét khắt khe từ ngoài đời thực cho đến trên mạng. Những cô gái nổi tiếng có thể đối mặt với bắt nạt, sỉ nhục hội đồng và cả lời đe dọa đến tính mạng dưới danh nghĩa bảo vệ tôn giáo, giá trị đạo đức.