Anh cũng là một trong 10 bác sĩ trẻ nhận Giải thưởng Đặng Thùy Trâm mới đây.
Duyên với nghề từ ngày còn bé
Như có duyên với nghề Y từ ngày còn bé, Thượng úy, bác sĩ Lê Xuân Thắng vẫn còn nhớ mãi những ngày còn nhỏ, khi bố anh là thầy thuốc nhân dân.
Bác sĩ Lê Xuân Thắng khám bệnh cho nhân dân. |
Ông thường kể lại cho nghe những câu chuyện của những bệnh nhân trong thời kỳ kháng chiến. Hình ảnh những người thầy thuốc ngày đêm chữa bệnh tận tụy như “ăn vào máu”.
Cũng từ bé, sức đề kháng của hai anh em còn kém, thường xuyên phải cấp cứu trong bệnh viện. Không giống như nhiều đứa trẻ, hễ gặp bác sĩ và kim tiêm là sợ, anh Thắng lại cảm thấy những người thầy thuốc rất đỗi quen thuộc, gắn bó như hình ảnh mà anh đã khắc sâu về màu áo blouse trắng.
Đó cũng là động lực thôi thúc anh dệt ước mơ trở thành một bác sĩ, có cơ hội chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Thi đỗ vào Học viện Quân y như mong đợi, sau khi ra trường, năm 2009, anh nhận công tác tại Bệnh viện Quân y 103 và được phân công công tại Bộ môn Nội tiêu hóa.
Anh không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện tay nghề, không biết tự bao giờ, người chiến sĩ trẻ yêu say đắm con đường mà mình đã chọn.
Anh Thắng chia sẻ: “Yêu nghề, lại càng thêm yêu những người thân đã là hậu phương vững chắc để tôi yên tâm làm việc. Có những đêm trực cấp cứu, rồi sáng hôm sau lại làm việc bình thường.
Áp lực công việc khiến những người trong ngành phải có tinh thần thép, bởi bệnh nhân đã giao phó cuộc sống, sinh mạng mình cho các bác sĩ khiến chúng tôi không thể lơ là.
Mỗi lần nhìn thấy nụ cười của các bệnh nhân, tôi không khỏi hạnh phúc. Tôi thầm cảm ơn gia đình, nhất là con tôi, dù còn bé nhưng luôn quan tâm tới bố”.
Trong những năm qua, Thượng úy, bác sĩ Thắng đã cấp cứu kịp thời và thành công các ca bệnh khó, hiểm nghèo; cứu 200 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa; lấy dị vật dạ dày cho 18 bệnh nhân; lấy 13 con giun đũa trong đường mật ra ngoài; lấy sỏi qua nội soi mật tụy ngược dòng cho hơn 90 bệnh nhân.
Hạnh phúc là được thấy dân tin yêu
Nói về đạo đức trong nghề, bác sĩ trẻ chia sẻ: Làm nghề Y phải có tâm, nếu không có tâm thì không thể yêu nghề được. Đây là nghề đặc thù, đối tượng trực tiếp là tính mạng con người nên không được phép sai sót trong bất kỳ hoàn cảnh nào dù là nhỏ nhất.
Anh còn nhớ mãi, có lần đi công tác tại Phú Thọ, có người nhà bệnh nhân đã nhận ra anh là ân nhân cứu sống con trai họ nên đã vui vẻ gặp gỡ và tặng anh một con chó mang về nuôi.
Anh vốn thích nuôi động vật nên chăm sóc nó cho đến tận bây giờ. Đó là kỉ niệm anh không bao giờ quên và càng cảm thấy yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.
Là bác sĩ trẻ, lại là Bí thư Đoàn cơ sở Khối Nội Bệnh viện Quân y 103, Ủy viên BCH Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội nên anh Thắng cũng thường xuyên tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Được tuyên dương là một trong 10 tấm gương thầy thuốc trẻ Thủ đô tiêu biểu nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2016, anh chia sẻ: Tôi hãnh diện và tự hào khi được nhận giải thưởng cao quý này.
Đó cũng là lời nhắc nhở bản thân phải phấn đấu vươn lên hơn nữa trong công tác chuyên môn, trau dồi y đức vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.
Với sự tận tâm, và hoạt động tích cực, bác sĩ Lê Xuân Thắng đã nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu: Giải Nhất Hội nghị khoa học công nghệ; Bằng khen Bộ trưởng Bộ Y tế; Giải Ba Hội thao sáng tạo tuổi trẻ ngành Y (2013); Bằng khen Hội LHTN thành phố Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (2014); Huy chương chiến sĩ vẻ vang hạng Ba do Chủ tịch nước tặng (2014); Bằng khen Trung ương Hội LHTN Việt Nam (2015)…