Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ thủ khoa, tốt nghiệp ĐH hàng đầu của Mỹ đến kẻ nghiện, vô gia cư

Sống dưới những tấm bạt, lều tạm bợ dọc đường phố Los Angeles, Mỹ, nhiều người vô gia cư xuất thân là sinh viên tốt nghiệp đại học danh tiếng, doanh nhân, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia...

Zing.vn trích dịch bài viết He was a Yale graduate, Wall Street banker and entrepreneur. Today he's homeless in Los Angeles của tác giả Dan Simon đăng trên CNN ngày 17/9.

Shawn Pleasants (52 tuổi) từng có bản sơ yếu lý lịch sáng giá trong mắt các nhà tuyển dụng: thủ khoa trường trung học, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế ĐH Yale (top 10 đại học tốt nhất thế giới năm 2018-2019, theo xếp hạng của Times), có kinh nghiệm kinh doanh, làm trong lĩnh vực ngân hàng ở Phố Wall.

Tuy nhiên, hiện tại, ông là một người vô gia cư: không việc làm, không nhà ở và trú ngụ dưới một tấm bạt ở khu vực Koreatown, Los Angeles (Mỹ).

Nhiều người nói với Pleasants rằng một người thông minh, có khả năng không nên sống như vậy. Nhưng người đàn ông ngoài 50 tuổi nói mình đang phải chịu trách nhiệm cho chính những lựa chọn của bản thân.

Pleasants chỉ là một trong 60.000 người sống trên đường phố của Los Angeles. Theo Greater Los Angeles Homeless Count, con số này bao gồm nhiều người xuất thân là sinh viên tốt nghiệp đại học danh tiếng, doanh nhân, nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia...

Vo gia cu anh 1
Shawn Pleasants (52 tuổi) là người vô gia cư, sống trên vỉa hè tại khu vực Koreatown, Los Angeles (Mỹ).

Hành trình trở thành vô gia cư

Shawn Pleasants sinh ra ở San Antonio, Texas, trong một gia đình bậc trung có mẹ là giáo viên và cha làm trong lực lượng Không quân Mỹ.

Cậu bé lúc đó luôn là học sinh xuất sắc ở trường, theo lời cậu em trai Michael.

"Anh ấy là một đứa trẻ điên cuồng, từng chơi kèn trombone và giành được một số giải thưởng trong thành phố ", Michael, người theo bước anh trai đến học tại Yale, nói.

Là thủ khoa tốt nghiệp của trường trung học và nhận được nhiều lời mời nhập học từ các trường đại học lớn, Pleasants quyết định chọn ĐH Yale. CNN đã xác minh rằng ông tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế của ngôi trường danh tiếng này.

Sau vài năm làm việc ở Phố Wall, bao gồm cả công việc tại ngân hàng Morgan Stanley, Pleasants đến California để cố gắng hiện thực hóa giấc mơ Hollywood của mình khi thành lập công ty nhiếp ảnh, làm phim.

Vào giữa những năm 90, khi DVD sớm bùng nổ, công ty của anh đã gia nhập ngành công nghiệp phim người lớn. Họ đã kiếm được rất nhiều tiền, nhiều đến mức Pleasants có thể mua ngôi nhà lớn ở khu phố Silver Lake, Los Angeles.

"Đó là ngôi nhà đẹp, thứ mà bạn chỉ nhìn thấy trên MTV", cậu em miêu tả.

Nhưng sau nhiều cuộc cãi vã của những người đồng sáng lập, thu nhập của công ty đã đi xuống. Cùng thời gian đó, Pleasants trải qua cú sốc lớn về tinh thần vì mẹ ông đột ngột ra đi vì bệnh ung thư.

Không còn công ty, nhà cửa và người thân yêu nhất, ông lang thang nhiều nơi trước khi mất luôn tài sản cuối cùng là chiếc xe hơi.

Pleasants là người đồng tính và đã kết hôn với một người đàn ông vô gia cư khác. Họ sống cùng nhau trên vỉa hè Koreatown trong 6 năm qua và chưa từng nghĩ đến những ngôi nhà cứu trợ dành cho người vô gia cư vì "những nơi như vậy sẽ hạn chế sự tự do và thiếu không gian để cất giữ đồ đạc".

"Tôi thích ở một nơi mà tôi vẫn có thể đến thư viện và làm những việc mình thích”, Pleasants nói.

Giống nhiều người vô gia cư khác, ma túy, cụ thể là meth (ma túy đá), là một phần trong cuộc sống của Pleasants.

Ông nói đã sử dụng ma túy trước khi trở thành vô gia cư. Giờ đây, ông dùng meth vài lần một tuần để tỉnh táo vào ban đêm để “canh trộm”.

“Mỗi khi bạn ngủ, mọi người sẽ đến và lấy đồ của bạn. Tôi là một người ngủ say và đã mất rất nhiều thứ”, người đàn ông 52 tuổi nói.

Cách sinh tồn trên đường phố

Pleasants có cả máy tính xách tay, điện thoại di động và dành nhiều thời gian ở thư viện, truy cập Internet. Ông không quên vận dụng trí thông minh sẵn có để duy trì một thời gian biểu hiệu quả và không bỏ sót bữa ăn miễn phí nào.

"Có một số nhà thờ nhất định cung cấp bữa ăn, một số tủ đựng thức ăn cố định. Bạn phải học lịch trình của nó", ông giải thích.

Khi được hỏi liệu Pleasants có mắc bệnh tâm thần hay không, em trai Michael nói: "Tôi nghĩ rằng anh ấy bị trầm cảm. Anh ấy có thể trải qua giai đoạn chán nản, buồn phiền cực độ nhưng sau đó lại rất lạc quan, kiên cường và tràn đầy năng lượng trở lại”.

Gia đình, đặc biệt là người cha 86 tuổi ở San Antonio của Pleasants, đã nhiều lần cố gắng giúp đỡ nhưng người đàn ông vô gia cư này rất cố chấp.

"Tôi không muốn đưa một thành viên nào khác trong gia đình xuống đường. Tôi đã tự rơi vào tình cảnh này nên phải tự tìm cách thoát ra", ông nói.

Vo gia cu anh 5
Pleasants có cả máy tính xách tay, điện thoại di động và dành nhiều thời gian truy cập Internet. 

Theo Pleasants, câu chuyện ông từng tốt nghiệp đại học danh tiếng, có nhà riêng, kiếm sống tốt nhưng hiện tại là kẻ vô gia cư không phải là điều gì đó quá gây sốc.

“Bạn sẽ tìm thấy cả nhạc sĩ, nhiếp ảnh gia… đủ mọi loại người ở đó”, ông chỉ tay về một khu lều gần đó, nói.

Mike Dickerson, một nhà tổ chức cho nhóm vận động vô gia cư Ktown for All, nói rằng không chỉ Pleasants, rất nhiều người sống trên đường phố có thể khiến bạn ngạc nhiên vì câu chuyện của họ.

"Điều mà tôi và các tình nguyện viên khác nhận thấy là những người hoàn toàn bình thường như chúng ta khi rơi vào thời kỳ khó khăn, có thể đơn giản chỉ là một vấn đề cá nhân, đã trở thành người vô gia cư sau đó", ông Dickerson nói.

"Tôi nghĩ mọi người quá chú tâm vào những thứ như bệnh tâm thần hoặc lạm dụng ma túy, vốn phổ biến trong nhóm vô gia cư, nhưng chúng không phải là vấn đề chính. Ý tưởng đưa hàng nghìn người vào một tòa nhà khổng lồ cũng không phải là giải pháp. Điều đó sẽ không kết nối mọi người với công việc, nhà ở và các dịch vụ như điều trị bệnh tâm thần và nghiện ngập", ông Dickerson cho biết thêm.

Còn với Pleasants, sự giúp đỡ thiết thực hơn cả ngay lúc này là một phòng tắm.

"Chúng tôi cần nơi để tắm vì không muốn gặp vấn đề về vệ sinh. Và để có được một công việc, chúng tôi cần phải có quần áo sạch, nơi để ủi đồ và giữ cho nó không nhàu nhĩ", Pleasants nói.

Khi được hỏi về những dự tính, làm thế nào để thoát khỏi cuộc sống này, Pleasants thể hiện sự tự tin đã khiến ông trở nên nổi bật lúc ban đầu.

"Tôi sẽ lần nữa bắt đầu với một doanh nghiệp nhỏ", ông cười và nói.

Học phí đắt đỏ, sinh viên Mỹ nhịn đói, bỏ bữa để có tiền trang trải

Hàng triệu sinh viên Mỹ đối mặt với tình trạng ăn uống thiếu thốn, chỗ ở tạm bợ do chi phí sinh hoạt tốn kém. Họ buộc phải trông đợi vào các bữa ăn miễn phí do nhà trường tài trợ.




Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm