Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Từ Triển lãm ôtô ở Thái nhìn về 'cơn bão' ôtô Trung Quốc trên toàn cầu

Ôtô Trung Quốc nói chung và xe điện Trung Quốc nói riêng đang trở thành một "mối đe dọa" đối với không ít tên tuổi lão làng trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.

xe Trung Quoc anh 1

Triển lãm Bangkok International Motor Show 2024 (BIMS 2024) đang trở thành sàn diễn của hàng loạt thương hiệu ôtô Trung Quốc, từ BYD, Haval, Changan, Chery cho đến MG, Aion, Xpeng và cả Zeekr - hãng xe điện được tập đoàn mẹ Geely định vị trong phân khúc cao cấp.

Sự hiện diện của loạt thương hiệu xe Trung Quốc đánh dấu những bước đầu tiên trên hành trình đổ bộ vào thị trường Thái Lan, hay xa hơn là khu vực Đông Nam Á để tiếp tục mở rộng thị phần cùng sức ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Thế lực mới của ngành ôtô thế giới

Theo RetailWire, Trung Quốc đang thực sự trở thành một thế lực mới của ngành công nghiệp ôtô thế giới, đe dọa trực tiếp đến những hãng xe truyền thống của Mỹ, châu Á và châu Âu.

Những tác động này diễn ra ngay cả khi nhiều hãng xe Trung Quốc, như BYD, thậm chí còn chưa bán ôtô cho khách hàng Mỹ. Hồi năm ngoái, tổng lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc đạt hơn 5 triệu chiếc, giúp quốc gia tỷ dân vượt qua láng giềng Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ôtô nhiều nhất thế giới.

xe Trung Quoc anh 2

Chery là hãng xe dẫn đầu về số lượng ôtô xuất khẩu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong khi mảng xuất khẩu ôtô Trung Quốc có màn leo tháp ngoạn mục từ vị trí thứ 6 trong năm 2020 thì ở chiều hướng ngược lại, hoạt động xuất khẩu ôtô của Mỹ đã có dấu hiệu suy giảm do một số hãng xe như General Motors đang thu hẹp hoạt động tại các thị trường quốc tế.

Cụ thể hơn, xuất khẩu ôtô của Mỹ đã giảm 25% so với số liệu của năm 2016, khiến quốc gia này rơi xuống vị trí thứ 6 về xuất khẩu ôtô toàn cầu trong năm 2023, xếp sau Mexico, Hàn Quốc và Đức.

Lợi thế của các hãng xe Trung Quốc đến từ công nghệ khi nhiều cái tên đến từ đất nước tỷ dân có thể tận dụng để rút ngắn thời gian sản xuất xe, đồng thời tối ưu được chi phí. RetailWire nhận định sự trỗi dậy của xe điện giá rẻ từ Trung Quốc là một phần nguyên nhân khiến các nhà sản xuất ôtô phương Tây mất dần vị thế trên thị trường.

Ông Mohamed Fawzi - Giám đốc khu vực Trung Đông và Châu Phi của McLaren Automotive - cho rằng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng Trung Đông với ôtô giá rẻ và chất lượng tốt đã giúp thị phần xe Trung Quốc tăng vọt kể từ năm 2016.

Cách đây nhiều năm, ôtô Trung Quốc từng bị thị trường Trung Đông đánh giá là có chất lượng thấp cùng độ tin cậy không cao. Tuy nhiên theo RetailWire, các hãng xe Trung Quốc đã nỗ lực đáng kể để nâng cao chất lượng, hiệu suất và độ an toàn của sản phẩm, dẫn đến thị phần ngày một cải thiện dành cho ôtô Trung Quốc tại đây.

Chery, Geely và Great Wall Motors là những cái tên đã tận dụng rất tốt sự cải thiện về niềm tin mà khách hàng Trung Đông dành cho ôtô thương hiệu Trung Quốc.

xe Trung Quoc anh 3

Ôtô Trung Quốc đang trở thành một thế lực trên thị trường xe toàn cầu. Ảnh: Bloomberg.

Các gói hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc cũng là một phần nguyên nhân giúp ngành công nghiệp nước này phát triển. Ông Mohamed Fawzi cho biết trong giai đoạn 2015-2020, Trung Quốc đã tăng 30% nguồn đầu tư của nước này vào ôtô, tương đương với tổng số tiền 58,4 tỷ USD đã được rót vào tính đến hết năm 2020.

Khoản đầu tư khổng lồ giúp các hãng xe Trung Quốc mạnh tay gia tăng sản lượng tại quê nhà, đồng thời thu hút thêm nhiều những cái bắt tay từ các hãng xe khác nhau trên thế giới.

Trong năm 2022, Trung Quốc bán được 5,9 triệu xe điện, tăng 500% so với doanh số từng đạt được trong năm 2018. Trung Quốc cũng đang là quốc gia nắm giữ khoảng 50% thị trường xe điện toàn cầu và là nguyên nhân khiến Volkswagen hay Tesla phải giảm giá xe để tăng tính cạnh tranh.

Chìa khóa để cạnh tranh

Nhắc đến xe điện Trung Quốc, không ít người sẽ nghĩ đến lợi thế giá rẻ cùng dải sản phẩm đa dạng, đi kèm công nghệ và trang bị trên xe tương đối vượt trội so với các đối thủ cùng phân khúc. Tuy nhiên trên thực tế, ngành công nghiệp ôtô Trung Quốc đang hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ và dây chuyền sản xuất pin.

Theo Bloomberg, có hơn 80% cell pin ôtô điện trên toàn cầu đang được sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, quy trình khai thác, chế biến các khoáng sản thành phần quan trọng của pin như lithium, coban, mangan và đất hiếm cũng gần như được trao trọn vẹn vào tay các công ty Trung Quốc.

xe Trung Quoc anh 4

Trung Quốc đang nắm giữ lợi thế nhờ làm chủ công nghệ pin. Ảnh minh họa: The Wall Street Journal.

Phân tích của BloombergNEF cho hay chi phí trung bình để sản xuất pin ở Trung Quốc ở thời điểm tháng 11/2023 là 126 USD trên mỗi kWh. Trong khi đó, giá pin cùng kỳ ở Mỹ cao hơn khoảng 11% và thậm chí tại châu Âu, con số này cao hơn đến 20%.

Các nhà sản xuất Trung Quốc thậm chí còn tiến một bước xa hơn khi trình làng thế hệ pin mới dựa trên natri (vốn luôn là một nguồn nguyên liệu dồi dào hơn so với lithium) đồng thời cũng ít dễ bắt lửa hơn khi phải so sánh cùng các dòng pin hiện tại.

Nguồn vốn dồi dào cũng được xem là một hành trang quan trọng của các hãng xe Trung Quốc để tiếp cận nhiều thị trường mới nổi. Chuyên trang Reuters cho biết tổng số tiền mà các hãng sản xuất ôtô Trung Quốc cam kết đầu tư vào Thái Lan là hơn 1,44 tỷ USD.

Công xưởng ôtô hàng đầu khu vực Đông Nam Á đang nhắm đến mục tiêu chuyển đổi khoảng 30% sản lượng ôtô hàng năm thành xe điện vào năm 2030, và khoản đầu tư khổng lồ của các hãng xe Trung Quốc dường như sẽ giúp đất nước chùa vàng hoàn thành kế hoạch này.

Tiếp cận Đông Nam Á

Ông Mars Chen – Phó Chủ tịch của Zeekr – cho biết hãng xe Trung Quốc sẽ chính thức ra mắt 2 mẫu xe điện tại Thái Lan vào tháng 6 trước khi mở thêm 10 showroom tại xứ chùa vàng trong năm nay. Lãnh đạo thương hiệu xe sang thuộc tập đoàn Geely cũng không giấu giếm ý định tấn công thị trường Đông Nam Á ở phân khúc xe điện hạng sang.

“Ở phân khúc cao cấp, thị trường vẫn còn chỗ cho những hãng xe mới như chúng tôi”, ông Mars Chen nhận định.

Ngay trước thềm BIMS 2024, Xpeng cũng công bố mối quan hệ đối tác chiến lược dài hạn cùng Neo Mobility Asia của Thái Lan, xác nhận sự hiện diện của hãng xe 10 năm tuổi tại thị trường ôtô Đông Nam Á.

xe Trung Quoc anh 5

Xpeng là một trong những hãng xe Trung Quốc mới nhất gia nhập thị trường Đông Nam Á. Ảnh: BIMS.

Trong khi đó, Changan - hãng sản xuất ôtô thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - cũng sẽ bắt đầu sản xuất ôtô điện tại một nhà máy ở Thái Lan từ đầu năm 2025. Theo Reuters, Changan đang nhắm đến phân khúc xe điện giá rẻ tại Đông Nam Á bằng sản phẩm xe điện mini có giá khoảng 500.000 baht, tương đương khoảng 13.720 USD.

Mới đây, gã khổng lồ BYD đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm BYD Atto 3 tại nhà máy đặt ở Thái Lan. Một nhà máy khác của BYD ở Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại Indonesia, trong khi nguồn tin của Reuters cho biết BYD vẫn chưa hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện ở Việt Nam. Cũng tại Việt Nam, một thương hiệu Trung Quốc khác là Chery cũng đang rục rịch cho kế hoạch xây dựng nhà máy, đồng thời xúc tiến kinh doanh cả xe động cơ đốt trong và xe điện.

Không chỉ giúp mở rộng hoạt động của chuỗi cung ứng ôtô điện và mang đến lợi ích cho các công ty Trung Quốc có liên quan, chiến lược bành trướng hoạt động sản xuất của các hãng xe Trung Quốc ra các thị trường lân cận nhiều khả năng còn nhằm hướng đến tranh giành miếng bánh béo bở từ nguồn thu khổng lồ của mảng kinh doanh xe điện.

Theo BloombergNEF, giá trị tích lũy của ngành kinh doanh xe điện toàn cầu có thể đạt 8,8 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Sang năm 2050, con số này có thể tăng lên thành 57 nghìn tỷ USD và thậm chí, có thể đạt 88 nghìn tỷ USD trong năm 2050 nếu thế giới đẩy nhanh tiến trình từ bỏ ôtô sử dụng động cơ đốt trong.

Ôtô Trung Quốc trong vài năm tới có lẽ sẽ khiến hàng loạt thương hiệu ô tô lâu đời phải đau đầu.

Sách hay đọc trên xe

Chuyên mục Xe gửi tới độc giả những tựa sách hay với nhiều chủ đề hấp dẫn. Trên những chặng hành trình với những chiếc xe, không hiếm khi chúng ta có những khoảnh khắc nghỉ ngơi, thư giãn, và những trang sách là người bạn đồng hành lý thú.

Hyundai Tucson 2024 nâng cấp thiết kế, thêm chế độ lái "Baby Mode"

Hyundai Tucson mới sẽ được mở bán tại Mỹ từ tháng 6, các phiên bản hybrid và plug-in dự kiến bán ra thị trường sau mùa hè năm nay.

BYD không vội vàng với kế hoạch xây nhà máy ở Việt Nam

Nhà máy xe điện tại Việt Nam dường như vẫn nằm trong kế hoạch của BYD. Nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan đang khiến BYD phải tạm hoãn dự án này.

Phúc Hậu

Bạn có thể quan tâm