Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tử tù hiến tạng, hiến xác: Khó thực hiện

Pháp luật quy định về việc tử tù hiến tạng, hiến xác cho y học ra sao? Nếu cho phép thì có những vướng mắc gì?

Mới đây, tử tù Nguyễn Hải Dương (25 tuổi, kẻ chủ mưu vụ thảm sát 6 người một nhà tại Bình Phước) đã có mong muốn được hiến xác cho y học.

Xin hiến xác, hiến tạng cho y học

Theo thông tin từ trại giam ở tỉnh Bình Phước mà Dương đang chờ thụ án, Dương trao đổi với cán bộ trại rằng có ý định muốn hiến xác cho y học để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu nhằm chuộc lại một phần lỗi lầm. Gia đình Dương cũng hoàn toàn ủng hộ ý nguyện này. Ngoài ra, Dương còn xin được thi hành án sớm để không phải sống trong những ngày dằn vặt…

Tháng 7/2015, Dương cùng hai đồng phạm đã sát hại sáu người một nhà tại huyện Chơn Thành (Bình Phước). Tháng 12/2015, TAND tỉnh Bình Phước xử sơ thẩm đã phạt Dương án tử hình về các tội Giết người, Cướp tài sản. Sau đó, Dương chấp nhận bản án và không kháng cáo.

Tu tu hien xac anh 1
Nguyễn Hải Dương trong phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Hải An. 

 

Một vụ khác, tháng 7/2016, khi phiên tòa sơ thẩm của TAND Hà Nội xét xử Nguyễn Văn Kỳ (46 tuổi) về các tội Giết người, Cướp tài sản sắp diễn ra, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội, bào chữa cho Kỳ) cho biết bị cáo này mong muốn được hiến tạng nếu phải nhận mức án tử hình.

“Kỳ muốn sám hối về tội lỗi của mình. Kỳ hy vọng các bộ phận cơ thể mình sẽ phục vụ cho y học để cứu giúp được nhiều người khác có cơ hội được sống” - luật sư Thơm nói.

Rạng sáng 7/12/2015, Kỳ lẻn vào nhà một hộ dân ở huyện Thạch Thất trộm cắp tài sản. Bị phát hiện, Kỳ đã sát hại hai cha con chủ nhà, làm trọng thương hai người khác. Sau đó, Kỳ bị VKSND Hà Nội truy tố về hai tội giết người và cướp tài sản. Xử sơ thẩm, TAND Hà Nội đã phạt Kỳ mức án tử hình.

Rất khó thực hiện

Mong muốn được hiến tạng, hiến xác của tử tù như trên được đánh giá là thể hiện sự sám hối. Cơ thể của họ sẽ hỗ trợ cho việc học tập, nghiên cứu trong ngành y, cũng là cơ hội để ngành y mang đến sức khỏe cho bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này rất khó thực hiện trên thực tế.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (người bào chữa cho Nguyễn Văn Kỳ), từ trước tới nay chưa có tử tù nào được chấp nhận hiến tạng, hiến xác cả. Đây là vấn đề rất khó: Thứ nhất, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Tuy nhiên, cả luật này lẫn Luật Thi hành án hình sự đều không quy định về hiến tạng, hiến xác đối với tử tù. Thứ hai, theo Luật Thi hành án hình sự, khi thi hành án tử đối với các bị án thì phải tiêm thuốc độc.

Mà khi đã tiêm thuốc độc vào người thì liệu cơ thể có đảm bảo để hiến tạng, hiến xác hay không là cả một vấn đề mà y học phải nghiên cứu. Muốn hiến tạng, hiến xác thì phải là một cơ thể “sạch”, phải đảm bảo được các điều kiện khoa học nhất định.

Dù vậy, luật sư Thơm vẫn đề xuất cần nghiên cứu có cơ chế pháp lý tạo điều kiện cho tử tù được thực hiện ước nguyện bởi “đây là một hành động mang tính nhân văn cao, thể hiện sự sám hối, sự hướng thiện của con người trước khi chết”.

Trong khi đó, theo thiếu tướng Trần Thế Quân (Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an), việc tử tù muốn hiến tạng, hiến xác đã đặt ra từ lâu. “Kể cả khi xây dựng Luật Thi hành án hình sự, Quốc hội cũng từng bàn nhưng cuối cùng quyết định không đưa vào” - thiếu tướng Quân cho biết.

Theo thiếu tướng Quân, có nhiều vướng mắc đặt ra nếu chấp nhận cho tử tù hiến tạng, hiến xác:

Thứ nhất, tương tự như luật sư Thơm, thiếu tướng Quân cho rằng hiện nay tử tù bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc nên cơ thể, nguồn tạng sẽ không được đảm bảo.

Ngoài ra, việc hiến tạng được tiến hành trước hay sau khi thi hành án cũng là một câu hỏi khó giải đáp. Bởi lẽ mục đích của việc tử hình không chỉ nhằm trừng trị tội ác tử tù đã gây ra mà còn để bản thân tử tù hiểu được và tiếp nhận hình phạt này. Nếu chấp thuận việc hiến tạng trước khi thi hành án thì mục đích này sẽ không đạt được đầy đủ.

Thứ hai, cần lưu ý đến cả vấn đề chất lượng mô, tạng trong trường hợp chấp nhận cho hiến bởi thực tế có nhiều tử tù mang rất nhiều bệnh tật, bệnh truyền nhiễm, thậm chí là HIV.

Thứ ba, yếu tố tâm linh cũng là vấn đề cần quan tâm bởi nếu người được ghép tạng nghĩ đến việc trong cơ thể mình đang mang bộ phận của một tử tù từng phạm trọng tội thì chắc hẳn ai cũng có nhiều băn khoăn.

Về ý kiến cho rằng nên có hành lang pháp lý để đáp ứng nguyện vọng hiến tạng, hiến xác của tử tù, Thiếu tướng Quân nói: “Nếu quy định việc này thì nhất thiết phải quy định trong luật chứ không thể quy định trong văn bản dưới luật. Trên thực tế rất ít trường hợp tử tù xin hiến tạng, hiến xác. Khi nào có nhiều trường hợp thì sẽ đưa ra bàn bạc chứ không thể vì một, hai trường hợp cá biệt mà sửa luật được”.

Sẽ bế tắc!

Trước thông tin tử tù Nguyễn Hải Dương xin hiến xác, chiều 26/10, trung tướng Nguyễn Ngọc Anh (Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an) khẳng định pháp luật chưa cho phép tử tù được hiến tạng, hiến xác.

“Thời điểm này không nên đặt vấn đề cho tử tù hiến xác vì rất bế tắc, không thể thực hiện được khi bị án bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, nội tạng tử tù” - trung tướng Ngọc Anh nhận xét.

Về vấn đề này, GS Trịnh Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia - Phó giám đốc bệnh viện Việt Đức) cho biết hiện pháp luật chưa công nhận tử tù được hiến tạng, hiến xác nên ngành y tế không có ý kiến gì.

Tử tù Nguyễn Hải Dương có thể không được hiến xác cho y học

Nguyễn Hải Dương muốn hiến xác cho y học sau khi thi hành án tử là một hành động nhân đạo, nhưng có thể tử tù này sẽ không được đạt được nguyện vọng của mình.


http://plo.vn/phap-luat/tu-tu-hien-tang-hien-xac-kho-thuc-hien-661175.html

Theo Tuyến Phan/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm