Với tên gọi bắt nguồn từ tiếng Chăm là Chơk Chăn - có nghĩa là núi non, nơi đây còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như núi Gia Ray, Gia Lào. Bạn sẽ được hòa mình với thiên nhiên trong lành, cảm nhận sự thanh bình khi viếng thăm những ngôi chùa dọc đường lên núi, hay đơn giản chỉ là cảm giác vỡ òa vui sướng khi chinh phục đỉnh núi thành công.
Ngắm đất trời từ đỉnh núi Chứa Chan. |
Đường đi
Cách TP HCM khoảng 110 km về phía đông, núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Bạn chạy xe máy theo Quốc lộ 1 hướng đi về Phan Thiết, đi qua thị xã Long Khánh khoảng 25 km tới ngã ba Ông Đồn thì rẽ tay trái vào đường Hùng Vương, tiếp tục đi thêm khoảng 1 km đến công viên 9/4. Từ đây bạn hỏi đường, rẽ trái vào sát chân núi để lên đỉnh theo đường dây điện; hoặc tiếp tục đi thêm 3 km, rẽ trái sẽ vào một độc đạo đưa bạn vào lối lên đỉnh theo đường Chùa.
Đường dây điện có lối mòn nên rất dễ đi, dù đối với người lần đầu tiên đến đây. Với thể lực trung bình, bạn sẽ chỉ mất khoảng 3 tiếng để lên đến đỉnh núi. Ngoài chuẩn một bị tinh thần lạc quan, bạn cũng cần khởi động, làm nóng cơ thể và các khớp chân tay, để tránh bị chấn thương khi leo núi.
Bạn sẽ được thử độ dẻo dai, khéo léo khi bước trên lối đi với đầy các tảng đá đủ các kích cỡ. Ở những chặng đầu tiên, bạn nên đi chậm rãi nhẹ nhàng, tránh vì hào hứng hay hấp tấp mà mất sức.
Bí quyết để tránh lạc đường là phải luôn đi theo hướng của đường dây điện. Cứ lên cao một đoạn, hãy tựa lưng vào đá, dừng chân dưới tán cây rợp bóng và nghe tiếng chim hót rộn ràng, hay trải tầm mắt ra xa nhìn phong cảnh tuyệt đẹp, bạn sẽ hài lòng.
Nếu lựa chọn đi theo đường Chùa, bạn sẽ đi ngang Linh Sơn Cổ Tự, và đến chùa cao nhất là chùa Bửu Quang theo lối bậc thang. Tuy nhiên, từ chùa lên đỉnh, đường đi có rất nhiều cỏ lau, rừng trúc rậm rạp với nhiều lối rẽ vòng quanh. Bạn có thể bị lạc nếu không có nhiều kinh nghiệm. Đừng quên ghé vào các lán hay nhà dân trên đường đi để hỏi thăm nếu bạn bị mất phương hướng.
Một chặng nghỉ trên đường đi. Ảnh: Thu Ân. |
Trên đỉnh có một trạm thông tin và một đơn vị của bộ đội. Bạn có thể vào đây xin nước uống hay nhờ sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.
Lưu trú
Nghỉ đêm ở khu vực chân núi, bạn có thể tìm nhà nghỉ rất dễ dàng ở trung tâm huyện Xuân Lộc. Khu cổng chính lên chùa của khu du lịch núi Chứa Chan có rất nhiều chỗ nghỉ bình dân cho khách hành hương. Bạn cũng có thể ngủ trưa hoặc nghỉ qua đêm tại đây.
Nếu ở lại qua đêm trên núi, bạn xin tá túc tại chùa hoặc cắm trại trên đỉnh núi. Từ trạm thông tin đi xuống theo hướng trụ điện hoặc đi xuống theo hướng chùa khoảng một đoạn ngắn đều có khu vực bằng phẳng để dựng lều trại.
Ăn uống
Sau khi hoàn thành chuyến leo núi, bạn có thể thưởng thức các món lẩu và nướng từ thịt dê - đặc sản ở vùng núi Gia Lào. Các món giá trung bình khoảng 100.000 một món, đủ cho 4 người .
Chuẩn bị
Chi phí khoảng 200.000 một người (Cho nhóm 6 người).
Găng tay có gai chống trượt,
Giày leo núi, lều trại để hạ trại ngủ qua đêm, đèn pin đi trong rừng. Thuốc cơ bản để dự phòng như thuốc hạ sốt, đau bụng, dầu...
Đi lại
Xe khách:
Từ bến xe Miền Đông (TP HCM), mua vé xe đi Đức Linh, Bình Thuận. Xuống xe ở cổng chào núi Chứa Chan, Gia Lào, bắt xe ôm để đi thêm 3 km vào chân núi.
Xe máy:
Sài Gòn - Biên Hòa - Ngã 3 Dầu Giây - Quốc lộ 1A - Long Khánh - Xuân Lộc - rẽ trái trước khi vào thị trấn Gia Ray (hành trình khoảng 93 km).