Lọ Lem hè phố
Ba mẹ kiếm sống trên đường phố, sau đó yêu nhau rồi cùng lên nông trường xây dựng cuộc sống mới. Thu ra đời vào ngày 2/9 tại một bệnh viện trên cao nguyên. Không có tiền đóng viện phí, mẹ bế Thu trốn về nhà. Không chịu được cuộc sống cơ cực, thiếu thốn ở kinh tế mới, ba mẹ cô lại dắt díu nhau về lại thành phố.
Manh chiếu rách ngày nắng ở công viên bên hông Nhà hát thành phố, và vỉa hè mái vòm che trên đường Nguyễn Huệ ngày mưa đã trở thành ngôi nhà ngàn sao của cả gia đình Thu. Ba, bốn tuổi đầu với chiếc ca trên tay, Thu đã biết đi trút thức ăn thừa và nhận tiền người ta cho đem về cho mẹ.
Cuộc sống qua ngày chưa được tày gang, khi Thu bốn tuổi, mẹ qua đời ngay trên hè phố vì bệnh lao phổi. Thế là chỉ còn Thu và ba ngày này qua ngày khác trên chiếc xích lô cũ mèm. Khi có khách, ba bỏ Thu ở công viên rồi chở khách đi. Ký ức nhớ mãi tới bây giờ trong Thu là những ngày leo lên ôm mấy cây súng ở công viên Bạch Đằng chờ ba.
Hình ảnh Thu thời bé. |
Cuộc sống không nhà, ăn cơm thừa, uống nước phông tên, ngủ vỉa hè khiến cô bé có nụ cười tươi tít mắt lấm lem bụi đường. Không có chiếc guốc của hoàng tử để Lọ Lem biến thành công chúa, nhưng với ba, Thu chính là công chúa nhỏ rất ngoan hiền và hiếu thảo.
Bước vào ngôi nhà hạnh phúc
Thương hoàn cảnh của Thu, có người giới thiệu Thu vào mái ấm Thanh Xuân. Sơ Lê Thị Bích Liêng - phụ trách mái ấm kể: “Từ vỉa hè, bước vào ngôi nhà có giường chiếu yên ấm, được ăn uống đàng hoàng tử tế, được học chữ, học đàn, được đi chơi, được tổ chức sinh nhật… Thu rất vui sướng. Nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy cô bé trầm tư. Có lần, tôi bắt gặp Thu lén chừa phần ăn của mình đem cho ba ở ngoài đầu hẻm, rồi ăn phần cơm thừa của các bạn, tôi rất cảm động. Từ đó, mái ấm đã thu xếp thêm chỗ ngủ cho ba Thu, tạo điều kiện cho ông ấy làm những việc lặt vặt để kiếm thêm bữa ăn”.
Sơ nhấn mạnh: “Với các em vào đây, hai điều Sơ thường xuyên nhắc nhở: một là phải trung thực, hai là bằng bất cứ giá nào cũng phải cố gắng học đến nơi đến chốn. Vì chỉ có học mới lo được cho tương lai của mình”. Gần 10 năm ở mái ấm, Thu thuộc nằm lòng lời dạy của sơ.
Cứ đi rồi sẽ đến…
15 tuổi, vì ao ước có một gia đình đúng nghĩa, Thu đồng ý về làm con nuôi dì một người bạn chung mái ấm, nhà ở An Nghĩa, Cần Giờ. Một lần nữa bạn phải thích nghi hoàn cảnh mới: xuống đồng mò ốc, bắt còng, lội sông đốn lá… Thêm một miệng ăn trong khi gia đình dì nuôi nghèo vẫn cứ nghèo.
Năm học mới đến, thấy dì chộn rộn lo cặp sách cho con mà không nói gì đến mình, Thu không than khóc, mà lẳng lặng chạy đi hỏi người này người kia. Mùa nhập học cận kề mà thủ tục nhập học vẫn không biết, Thu một mình quá giang xe, lội bộ vào xin BGH trường cấp 3 Bình Khánh cho nhập học.
Học kỳ quân sự. |
Thấy Thu ham học, thầy cô hướng dẫn bạn lên Sở Giáo dục & Đào tạo xin chuyển từ trường Lương Văn Can, Quận 8 (khi ở Mái Ấm Quận 8) về trường Bình Khánh, Cần Giờ (nơi ở mới). Sự kiên trì của Thu đã có kết quả tốt đẹp. Học kỳ đầu ở trường Bình Khánh trôi qua nhọc nhằn, thiếu đói. Có ngày học cô chỉ mua 2.000 đồng xôi ăn từ sáng đến chiều. Về nhà bạn nấu cơm cả nhà ăn, rồi tranh thủ khi trời còn sáng ra bờ sông học bài.
Dù rất siêng năng chăm chỉ, nhưng gia đình dì cũng không vui, lúc say rượu dượng ném cả đồ đạc Thu ra cửa. Thu vẫn không khóc, lại lẳng lặng đi hỏi thăm... Nghe bạn bè chỉ dẫn, Thu lên phòng Lao động - Xã hội Cần Giờ năn nỉ xin được về nhà mở Tam Thôn Hiệp - nơi nuôi trẻ mồ côi và con của những người giữ rung Cần Giờ - phụ giúp thầy cô chăm sóc cho đám nhỏ, đổi lại Thu được tiếp tục đi học...
Sự hiếu học của Thu đã khiến thầy cô quản lí Nhà mở cảm động. Suốt 3 năm lớp 10 - 11 - 12, Thu đều là học sinh giỏi. Hai năm liền Thu còn được bạn bè tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành Đoàn học sinh trường THPT Bình Khánh và trường THPT An Nghĩa, Cần Giờ…
Thu (phải) trong học kỳ quân sự. |
Hãy gõ, cửa sẽ mở
Thầy Ngô Tấn Hưng, Hiệu trưởng trường THPT An Nghĩa kể: “Dù hoàn cảnh quá khó khăn, nhưng em vẫn vượt qua mọi trở ngại, kiên trì và đeo bám việc học. Thu là một học sinh có nghị lưc và ý chí rất đáng để bạn bè học tập”. Biết được hoàn cảnh của Thu, BGH đã miễn học phí, thầy cô còn tặng Thu quần áo đồng phục, chú bảo vệ cũng giúp Thu những thứ lặt vặt…
Để có thêm chi phí xoay xở việc học, Thu lấy số tiền ít ỏi dành dụm, ngày nghỉ đi xe buýt về Chợ Lớn mua kẹo bán trong trường. Thế là từ đó, Thu bắt đầu làm quen với đủ thứ nghề mới. Khi thì xin vào xưởng may thời vụ, lúc lại phụ bán shop thời trang, rồi mua trứng vịt lộn về luộc bán… Mùa hè của Thu thực sự là mùa kiếm sống.
Cuối cùng ước mơ giảng đường cũng đã mỉm cười với Thu. Bây giờ Thu đã trở thành sinh viên đại học Nông lâm.