Chiều 23/5, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó khoa Cấp cứu, cho biết, bệnh nhân Đỗ Văn Minh (67 tuổi, ở Phú Thọ) có tiền sử hay ăn tiết canh, lòng lợn. Ngày 19/5, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng tụt huyết áp, đi ngoài phân lỏng nhiều lần.
Trước đó 2 ngày, người này đã đi ăn tiết canh ở ngoài quán. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, đau đầu, nôn, ý thức lơ mơ, xuất hiện nhiều ban tím vùng mặt và vành tai cẳng chân và đùi 2 bên. Bệnh nhân được vào Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trước khi được chuyển tuyến trên. Kết quả chẩn đoán cho hay bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn.
Tiết canh, lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng tiềm ẩn nguy hiểm đối với sức khỏe. Ảnh: Diệp Sa. |
Bác sĩ Cấp cho hay, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã được xử trí tích cực: dùng kháng sinh theo phác đồ, dùng thuốc vận mạch, thở máy, lọc máu liên tục nhưng tình trạng sốc không cải thiện. Các ban hoại tử tiếp tục lan rộng, tiên lượng xấu. Do đó, gia đình xin ngừng điều trị đưa bệnh nhân về trong ngày 21/5.
Bác sĩ Cấp khuyến cáo, tiết canh tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, sán đến liên cầu lợn. Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương từng cho thấy, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn có giết mổ, ăn thịt lợn tái, đặc biệt là tiết canh. Liên cầu lợn có thể gây bệnh trầm trọng cho người, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%.
“Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn phải nằm viện điều trị lâu dài, phải lọc máu vì vậy chi phí rất tốn kém. Sau điều trị, có người bị di chứng như cắt cụt tay, chân, bị điếc. Vì vậy, không nên ăn tiết canh của bất kỳ động vật nào", bác sĩ Cấp khuyến cáo.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi