Độc chứ không mát
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội với độc giả Zing.vn về món tiết canh – món khoái khẩu của người Việt.
“Theo quan niệm từ xưa đến nay, tiết canh là món ăn mát, có tác dụng bổ khí huyết. Tuy nhiên quan niệm này thực sự sai lầm vì thực chất tiết canh không hề mát và còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của người sử dụng”, PGS Thịnh khẳng định.
Theo chuyên gia này, sở dĩ nhiều người ngộ nhận tiết canh mát bởi bản chất món ăn này được làm từ máu sống của gia súc hoặc gia cầm, thường được cho thêm muối, sau đó pha loãng trộn chung với thịt nạc, sụn... để đông lại rồi ăn sống. Chính vì vậy, người ăn có cảm giác mát trong miệng.
Cùng quan điểm đó, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội cũng khẳng định, tiết canh không mát như lầm tưởng.
Riêng về tác dụng chữa bệnh của tiết canh, bác sĩ Hương phủ định: "Tiết canh không có tác dụng chữa bệnh trong Đông y mà trái lại ăn vào rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, không phải sau khi ăn tiết canh xong, tất cả đều bị bệnh ngay mà thường có một thời gian ủ bệnh. Vì thế, tốt nhất mọi nên bỏ thói quen ăn tiết canh càng sớm càng tốt”.
PGS Thịnh cho biết thêm, thực chất máu động vật khi nấu chín cũng có giá trị dinh dưỡng và giúp cung cấp hàm lượng sắt cho cơ thể nhưng tuyệt đối không ăn tiết sống. Có thể chế biến thành nhiều món hấp dẫn với tiết nếu đảm bảo nguyên tắc ăn chín, uống sôi và tránh tiết của con vật có bệnh.
Tiết canh nguy hiểm ra sao?
Vẫn theo chuyên gia này, tiết canh là món bị nhiều nước trên thế giới lên án bởi sự man rợ. Còn dưới góc độ dinh dưỡng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm, các nhà khoa học đều khuyến cáo không được ăn món ăn này bởi nó có thể gây nguy hại đến sức khỏe của con người.
Theo PGS Thịnh, trong máu của gia súc lẫn gia cầm, bao gồm cả những con khỏe mạnh đều có thể chứa nhiều vi khuẩn và virus gây bệnh. Ngoài ra, trong quá trình cắt tiết, những vi khuẩn ở đường hô hấp, lông và da dễ dàng xâm nhập vào máu. Do vậy, khi ăn tiết canh, tức là chúng ta đã trực tiếp đưa vi trùng, vi khuẩn vào người.
Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, tiết canh là một trong những “thủ phạm” nguy hiểm và thường trực nhất của các ca ngộ độc (do nhiễm khuẩn E. Coli, vi khuẩn tả), đặc biệt là nhiễm liên cầu lợn gây nên các bệnh nhiễm trùng huyết, viêm màng não, hoại tử, thậm chí suy đa phủ tạng, tử vong.
Mỗi năm có ít nhất 30-100 ca cấp cứu liên quan đến liên cầu lợn trong tình trạng nguy kịch xuất phát từ sở thích ăn tiết canh.
Đặc biệt, bác sĩ Đặng Thị Nga, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, cho biết từng gặp rất nhiều trường hợp sán chui lên não xuất phát từ việc ăn tiết canh.
“Bất cứ một loài ký sinh trùng nào, kể cả vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi vào máu đầu tiên, theo đó đi vào các bộ phận khác. Trong khi đó, cấu tạo của bộ não rất lỏng lẽo nên các loại sán, ký sinh trùng sẽ dễ đi vào và thích nghi ở đó. Trong não, sán nhiều hơn giun, mặc dù giun cũng ký sinh trong máu. Nếu bệnh nặng có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh như ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt, phải cắt bỏ chi. Tốt nhất người dân cần từ bỏ ngay thói quen này”, bác sĩ Nga cảnh báo.
Tuy nhiên, hiện vẫn có rất nhiều người chủ quan xem tiết canh là món khoái khẩu, ăn thường xuyên. Về điều này, bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa Ký sinh trùng khuyến cáo: “Cần hiểu rằng không phải lúc nào ấu trùng giun sán đi vào cơ thể đều gây ra phản ứng nguy hiểm ngay lập tức. Chẳng hạn, khi bạn ăn tiết canh lợn có chứa ấu trùng sán gạo lợn, chúng sẽ xuyên qua thành ruột lên não và tồn tại hàng chục năm, tạo thành vôi trong não. Một số trường hợp sau 5-7 năm mới gây viêm và tử vong cho người bệnh.
Thời gian này tùy thuộc vào cơ địa, hệ miễn dịch của từng người. Do đó, mọi người tuyệt đối không được chủ quan khi mình chưa bị bệnh”.