Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận anh T., 32 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử.
Bệnh nhân này được chẩn đoán nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận, chảy máu dạ dày rất nguy kịch do mắc liên cầu lợn từ việc giết mổ một con heo sữa chết để ăn.
Bệnh nhân sau đó được đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và truyền máu. Đến hôm nay (19/11), anh T. đã qua cơn nguy kịch.
Bác sĩ Cấp cho hay, mỗi năm có ít nhất 30-100 ca cấp cứu liên quan đến liên cầu lợn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xuất phát từ sở thích ăn tiết canh, nem chua hay vô tình mua phải thịt lợn bệnh. Đặc biệt bệnh ít thuyên giảm do thói quen ăn uống mất vệ sinh của người Việt.
Bệnh liên cầu lợn nguy hiểm ra sao?
Đây là bệnh từ động vật lây sang người do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) gây ra. Chúng có thể sống ở nhiệt độ tương đối cao 50-60 độ C.
Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện ban đầu là sốt rất cao (lạnh, tay chân run rồi lên cơn sốt cao, trên 39 độ C), đầu đau dữ dội, đau cứng cổ gáy, tri giác lơ mơ, li bì, hôn mê sau đó sốc và tụt huyết áp, suy hô hấp. Cơ thể xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết. Tiếp đó, bệnh nhân có thể bị viêm màng não, viêm phổi, suy gan, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết.
Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ khả quan, nhưng nếu muộn bệnh nhân có thể bị phù não, để lại các di chứng nặng như động kinh và có thể tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh này khoảng 7%.
Đặc biệt, với người từng bị nhiễm liên cầu lợn vẫn có thể mắc lại. Căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài.
Cẩn trọng tiết canh, thịt lợn chết
Theo bác sĩ Cấp, căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm này rất dễ mắc khi chúng ta ăn phải thức ăn có chứa vi khuẩn liên cầu lợn như thịt lợn mắc bệnh tai xanh nấu chưa chín hoặc tiết canh, nem chạo, nem chua được chế biến từ thịt lợn nhiễm liên cầu lợn. Bên cạnh đó, trong quá trình chế biến, tiếp xúc trực tiếp (vệ sinh chuồng trại, giết mổ) cũng có thể lây nếu có các vết xước chân, tay.
Chuyên gia khuyến cáo không chỉ lợn ốm mà ngay cả lợn lành cũng có một số con có liên cầu khuẩn lưu trú ở vùng hầu họng. Bởi vậy, nếu ăn các sản phẩm chưa nấu chín thì dù là thịt lợn khỏe mạnh vẫn có thể bị bệnh. Do đó, khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần đảm bảo vệ sinh và đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh. Không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, nem, chạo, đặc biệt là tiết canh sống. Thịt lợn cần được nấu chín, không mua loại có màu đỏ khác thường, xuất huyết. Chỉ mua thịt đã qua kiểm định của cơ quan thú y.
Bác sĩ Cấp cho biết thêm, đây là một căn bệnh nguy hiểm và có chiều hướng gia tăng cùng với các thói quen ăn uống mất vệ sinh. Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh cho người. “Sau khi tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thực phẩm chưa nấu kỹ, thực phẩm tái, sống, cơ thể có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn ý thức, mê sảng,… cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng, dễ dẫn đến dễ tử vong”, ông khuyến cáo.