Zing.vn trích dịch bài viết của tác giả Han Jeongmun và David Tizzard đăng trên The Korea Times nói về mối quan hệ đặc biệt cùng những thỏa thuận ngầm giữa thần tượng Kpop và người hâm mộ. Điều này lý giải tại sao khi idol thông báo kết hôn, lập gia đình, fan của họ lại giận dữ và thường có phản ứng tiêu cực.
Nhiều người có thể nghĩ rằng ở một đất nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, tin tức một ngôi sao được mến mộ sắp kết hôn và sinh con sẽ nhận được sự ủng hộ, chúc phúc của người hâm mộ.
Tuy nhiên, điều đó không đúng với Hàn Quốc và càng không đúng với thần tượng Kpop.
Ngày 13/1, Chen – thành viên của nhóm nhạc nam đình đám EXO – thông báo lập gia đình, tiết lộ bạn gái mang thai trong một bức thư tay được đăng tải lên mạng xã hội. Ngay lập tức, hàng loạt fan yêu cầu anh rời nhóm vì cảm thấy bị phản bội.
Những dòng bình luận cay nghiệt nhắm vào Chen đầy rẫy trên mạng. Hàng chục nghìn người đã sử dụng các hashtag trên Twitter để chỉ trích thành viên EXO vì cái họ gọi là “tội ác”, “hành động thiếu suy nghĩ”.
Mọi thứ tồi tệ hơn khi một nhóm người hâm mộ, được biết đến với tên gọi EXO-L ACE Union, kêu gọi biểu tình, yêu cầu công ty quản lý EXO - SM Town - giải quyết vụ việc đến nơi đến chốn.
Như thường lệ, người hâm mộ trở nên quá khích, thiếu kiểm soát. Tuy nhiên, điều đáng nói lần này: Sự việc không liên quan đến ma túy, tình dục hay bạo lực mà lại chính là hôn nhân.
Điều vốn được chúc phúc lại trở thành "tội lỗi" trong thế giới Kpop.
Chen (EXO) bị người hâm mộ chỉ trích sau thông tin kết hôn. |
Idol là hàng hóa, fan là người tiêu dùng
Chen không phải trường hợp đầu tiên. Sunye, trưởng nhóm Wonder Girls, đã rời nhóm và có chồng vào năm 2013. Hiện cô có hai con gái và sống tại Canada. Sunye luôn bị chỉ trích vì quyết định từ bỏ âm nhạc, lựa chọn hạnh phúc riêng.
Sungmin (cựu thành viên nhóm Super Junior) bị gọi là "kẻ phản bội" và cáo buộc “ngược đãi người hâm mộ” khi rời nhóm và kết hôn vào năm 2014.
Thực tế chứng minh hôn nhân và sinh đẻ không phải là điều đáng được ăn mừng tại Kpop. Sự thất vọng, tức giận của người hâm mộ có liên quan đến cách thức hoạt động của ngành công nghiệp giải trí xứ kim chi. Ở đó, thần tượng là hàng hóa được tiêu thụ bởi khách hàng - người hâm mộ.
Rất nhiều nghệ sĩ Kpop được "tạo ra" như những sản phẩm, chỉ là hàng hóa của một công ty giải trí. Họ được xây dựng thông qua “bí quyết thành công", bao gồm: vẻ ngoài thẩm mỹ, tính cách, thể loại âm nhạc, phong cách thời trang... Tất cả nhằm thu hút càng nhiều người hâm mộ càng tốt, từ đó tạo ra lợi nhuận cho công ty.
Thần tượng Hàn Quốc được mong đợi đặt lợi ích nhóm lên trên cuộc sống cá nhân. |
Thay vì thể hiện bản thân theo một cách tự nhiên nhất, các thần tượng chỉ đơn giản nghe theo sự sắp đặt, yêu cầu của công ty họ phục vụ. Những người trong ngành giải trí cũng công khai nói về "dịch vụ" hẹn hò thay thế giữa fan và idol mà các công ty tạo ra.
Hơn nữa, vì hầu hết thần tượng nổi tiếng đều xuất thân từ nhóm nhạc (thường khoảng 5-9 thành viên nhưng đôi khi có đến 17), tính cá nhân không phải là điều được coi trọng. Chìa khóa thành công là để các thực tập sinh tự điều chỉnh bản thân sao cho phù hợp với tạo hình của nhóm - ngay cả khi nó xung đột với tính cách hoặc mong muốn của riêng họ.
Do đó, sự thất vọng, đau đớn xuất hiện khi một số thành viên buộc phải lựa chọn giữa con đường cho riêng mình và của nhóm, về sự nghiệp nghệ thuật cũng như cuộc sống cá nhân.
Trở thành thần tượng là chấp nhận từ bỏ
Không thể phủ nhận những mặt tích cực của Kpop. Ngành công nhiệp âm nhạc Hàn Quốc đang truyền cảm hứng, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho hàng triệu người trên khắp thế giới, tăng sức ảnh hưởng của châu Á trên trường quốc tế, đẩy lùi nạn phân biệt chủng tộc…
Tuy nhiên, một bài báo gần đây đã ví bản chất của fandom Kpop với sự ủng hộ dại dột và đôi khi xấu xí mà chúng ta thấy trong bóng đá.
Sau thành công của cuốn sách bán chạy Trend 2020, những người hâm mộ Kpop có thêm tên gọi mới: "fan-sumers": những người tiêu dùng sử dụng ảnh hưởng của họ để tác động, thay đổi sản phẩm (trong trường hợp này là thần tượng Kpop).
Để trở thành thần tượng nhạc pop, ngôi sao truyền hình, bạn phải biết cách duy trì sự nổi tiếng - điều này đạt được bằng cách giành lấy sự chú ý, quan tâm và tình yêu của công chúng. Thần tượng mất danh tiếng, mất người hâm mộ cũng giống như một doanh nghiệp mất khách hàng.
Vì vậy, các idol sẽ phải luôn cố gắng làm hài lòng công chúng. Thay vì "yêu bản thân", họ buộc phải điều chỉnh bản thân theo mong muốn và nhu cầu của người tiêu dùng - người hâm mộ.
Bất cứ hành động nào đi ngược lại mong muốn của fan, ví như chiếc khuyên xỏ mũi của nữ diễn viên Han Ye-seul hay hình xăm của Gong Hyo-jin tại một vài sự kiện gầy đây, đều phải nhận chỉ trích gay gắt.
Nữ diễn viên Han Ye-seul bị chỉ trích vì hình ảnh cá tính, nổi loạn với khuyên xỏ mũi và hình xăm lộ rõ. |
Đây không phải là chuyện đúng hay sai. Đó là vấn đề của người tiêu dùng với những thay đổi trong sản phẩm – trong trường hợp này là thần tượng - mà họ có đầu tư hẳn hoi.
Thông báo kết hôn của Chen không chỉ đi ngược lại với sự mong đợi của người hâm mộ mà còn phá vỡ mối quan hệ hẹn hò ảo giữa anh và fan đã được dựng lên bởi công ty quản lý trước đó.
Hơn thế, đó được xem là hành động đặt cuộc sống cá nhân lên trên lợi ích nhóm – thứ mà có thể ngay chính anh cũng không nhận ra vì chúng chỉ là những cam kết ngầm.
Do đó, từ góc độ kinh tế, sự quay lưng của người hâm mộ với Chen là điều tự nhiên. Những người đã đầu tư thời gian, tiền bạc, năng lượng sẽ nổi giận khi sản phẩm không theo ý mình.
Lý tưởng nhất, fan sẽ tôn trọng và ủng hộ quyết định cá nhân của thần tượng. Nhưng trên thực tế, vừa trở thành một ngôi sao Kpop thành công đồng thời tự chủ cuộc sống cá nhân, tìm kiếm hôn nhân và con cái là khá xa vời, thiếu thực tế.
Vấn đề không phải ở Chen. Vấn đề cũng không phải là người hâm mộ.
Mấu chốt ở đây là Kpop đã tạo ra các sản phẩm đóng gói nhưng đôi lúc chúng không theo kế hoạch. Người hâm mộ sau đó lên tiếng vì thất vọng, tổn thương, cảm giác bị phản bội trên phương tiện truyền thông xã hội nhưng lại thiếu kiểm soát trong hành vi của mình.