Cuối tháng 2, truyền thông và mạng xã hội rộ lên thông tin chàng trai gốc Việt Chris Khoa Nguyễn trở thành cố vấn chính sách Bộ Tài chính Anh ở tuổi 24.
9X còn cho biết từng nhận 6 lời mời làm thực tập sinh từ các công ty hàng đầu: Google, Apple, Goldman Sachs, BlackRock, Bank of England và HSBC. Không ít người nghi ngờ tính chân thực của thông tin trên.
Một số ý kiến khác khẳng định ứng tuyển vào vị trí kỹ sư tại các "ông lớn" công nghệ rất khó nhưng nếu chỉ xin thực tập ở các vị trí về tài chính, cơ hội trúng tuyển cao hơn nhiều.
Vậy thực tế, gia nhập những "ông lớn" nổi tiếng khắt khe trong tuyển dụng như Facebook, Google khó như thế nào?
Một số người nghi ngờ bảng thành tích "khủng" của Chris Khoa Nguyễn. Ảnh: FBNV. |
Con đường đến với 'ông lớn' công nghệ
Khúc Anh Tuấn (29 tuổi), kỹ sư Uber, từng làm việc 5 năm tại Facebook và là nhân vật được các "ông lớn" ở thung lũng Silicon săn đón, cho biết tại các công ty công nghệ, việc ứng tuyển vị trí liên quan công nghệ chắc chắn rất khó. Độ khó cho các vị trí như kiểm toán sẽ thấp hơn so với các công ty chuyên về kiểm toán như Ernst & Young, PWC, Deloitte,...
Quá trình tuyển dụng vị trí kỹ sư phần mềm (software engineer) tại Facebook bắt đầu bằng việc nộp hồ sơ. Nhà tuyển dụng sẽ duyệt hồ sơ và có thể gọi điện hỏi ứng viên thêm một số câu về dự án đã làm, tại sao muốn gia nhập công ty...
Tiếp đến, ứng viên trải qua một hoặc hai cuộc phỏng vấn qua điện thoại với kỹ sư của công ty, mỗi lần kéo dài 45 phút.
Thông thường, những người ở ngoài nước Mỹ cần hai cuộc phỏng vấn qua điện thoại (để chắc chắn vì công ty sẽ mua vé máy bay và khách sạn cho ứng viên sang phỏng vấn trực tiếp). Ứng viên ở Mỹ và đã làm ở một công ty tương đương có thể không cần phỏng vấn qua điện thoại.
Sau đó, ứng viên đến công ty trong một ngày, trải qua 4 đến 6 cuộc phỏng vấn, mỗi cuộc kéo dài từ 45 phút đến một tiếng. Họ chờ một thời gian để công ty thu thập tất cả ý kiến từ những người phỏng vấn và đưa ra quyết định tuyển dụng hoặc từ chối.
Khúc Anh Tuấn từng có 5 năm làm kỹ sư mảng Game, Photos & Composer tại Facebook. Ảnh: NVCC. |
Mỗi cuộc phỏng vấn thường là một trong 4 kiểu:
- Hành vi: Nhà tuyển dụng thường hỏi cách ứng viên xử lý các tình huống khác nhau, kinh nghiệm làm việc trong quá khứ cũng như định hướng tương lai.
- Bài lập trình: Ứng viên phải lập trình được một chương trình gì đó thực tế theo yêu cầu đề bài, ví dụ một chương trình mô phỏng thang máy hay ứng dụng quản lý ảnh.
- Thuật toán: Cũng là lập trình nhưng thường để giải quyết một bài toán mang tính lý thuyết/học thuật nhiều hơn.
- Trình bày hệ thống: Thuật toán yêu cầu ứng viên cách giải quyết một cách chính xác bài toán nhỏ còn trình bày hệ thống hỏi cách họ tiếp cận vấn đề lớn và mở như làm thế nào để xây dựng Gmail.
Với câu hỏi này, ứng viên có thể nói về việc xây dựng tính năng nào trước, tính năng nào sau hoặc các công nghệ cần dùng, cần chuẩn bị bao nhiêu máy chủ. Nói chung, đây là câu hỏi hoàn toàn mở.
Lợi thế của người bản địa
Đương nhiên, quá trình Khúc Anh Tuấn trải qua khó hơn rất nhiều so với việc Chris Khoa Nguyễn trúng tuyển thực tập sinh tại Google, Apple do khác biệt giữa vị trí và tính chất lĩnh vực ứng tuyển.
Ngoài ra, kỹ sư Uber cho biết những người là công dân hoặc có thời gian học tập, làm việc tại đất nước của công ty họ ứng tuyển thường có lợi thế hơn so với người nước ngoài.
Kỹ sư 29 tuổi cho biết người bản địa có lợi thế hơn khi ứng tuyển nhưng không có chuyện người gốc Á bị hạn chế phát triển. Ảnh: NVCC. |
Khúc Anh Tuấn giải thích tuyển dụng gồm hai bước lấy hồ sơ, chọn ứng viên rồi đến phỏng vấn và quyết định nhận hay không.
Ở bước thứ nhất, các công ty ưu tiên ứng viên là người bản địa hoặc học tập. Nhưng sang bước thứ hai, lợi thế này không còn. Tất cả ứng viên được xem xét công bằng.
Lý do dẫn việc "phân biệt" này nằm ở vấn đề visa làm việc. Ứng viên trúng tuyển vẫn phải đối mặt nguy cơ 70% không được đại sứ quán cấp visa cho sang làm việc. Đây là điều dễ hiểu vì các công ty sẽ rất khó lên kế hoạch cho cả năm nếu tuyển 100 người nhưng thực tế lại chỉ 15, 25 hay 50 người sang làm.
Về vấn đề "trần tre" ảnh hưởng cơ hội phát triển của người gốc Á, kỹ sư 29 tuổi cho biết điều này không tồn tại trong quá trình tuyển dụng lẫn công việc. Bản thân anh chứng kiến nhiều người châu Á thăng tiến rất nhanh. Đương nhiên, người châu Á nói chung có rào cản về văn hóa và ngôn ngữ.
"Không hề có chuyện ai đó gặp khó khăn trong công việc chỉ đơn giản vì là người châu Á. Người Mỹ gốc Á càng không gặp chuyện như vậy", kỹ sư trẻ khẳng định.