Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tự ý dùng thuốc chuyển giới: nguy hại sức khỏe

Thoạt nhìn khó ai nghĩ Trâm Anh (ở Hà Đông, Hà Nội) là một chàng trai. Trâm Anh có vóc người nhỏ, nước da trắng và gương mặt khá thanh.

Hơn một năm sử dụng hormone để chuẩn bị việc chuyển giới giúp các vùng cơ bắp của Trâm Anh mềm lại, ria mép rụng hết.

“Mỗi tuần tiêm hormone một lần, lần nào tôi cũng có cảm giác choáng muốn ngất. Gần một năm nay tôi yếu hẳn, thế nhưng chúng tôi vẫn phải tự tiêm hormone cho nhau” - Trâm Anh kể.

Nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ đang dùng thuốc tránh thai như một biện pháp bổ sung hormone nữ.
Nhiều người chuyển giới từ nam sang nữ đang dùng thuốc tránh thai như một biện pháp bổ sung hormone nữ.

Tùy tiện bổ sung hormone

Năm nay 21 tuổi nhưng Trâm Anh có mong ước chuyển giới thành nữ từ cách đây năm năm. “Bạn bè biết tôi mong muốn chuyển giới nên có người quen trên Facebook đã giới thiệu người cung cấp hormone nữ cho tôi. Tôi bắt đầu tiêm hormone nữ cách đây hơn một năm” - Trâm Anh nói. 

Hơn một năm bổ sung hormone nữ, từ một thanh niên khỏe mạnh, giờ người Trâm Anh mỏng lét, phần ngực hơi nhú lớn hơn so với nam giới bình thường nhưng vẫn quá nhỏ so với nữ, da trắng dần, giọng nói khá giống với nữ giới. Song mỗi lần tiêm hormone là Trâm Anh thấy sợ, mà bỏ tiêm thì phải tiêm lại từ đầu.

Do chi phí chuyển giới ở Thái Lan khá đắt đỏ, nhiều người không có điều kiện đi nên khi muốn từ nữ chuyển thành nam thì uống các loại thuốc yếu sinh lý dành cho nam. Còn nếu là nam muốn chuyển giới thành nữ thì uống thuốc tránh thai. Sau khi uống thuốc tránh thai, các bạn muốn là nữ thì đường nét cơ thể mềm mại, ngực nhú; uống thuốc yếu sinh lý nam làm các bạn vốn là nữ sẽ ồm giọng, mọc lông tay chân, nam tính hơn... Song song với việc uống thuốc thì họ tiêm hormone, ăn mặc như giới tính mình mong muốn.

Không mua được hormone tiêm ở các hiệu thuốc, Trâm Anh và bạn bè thường mua hàng “xách tay” do những người chuyển giới đi trước chuyển về từ Thái Lan. Như loại Trâm Anh đang dùng giá 170.000 đồng/cặp và phải tiêm hằng tuần. Một nam chuyển giới thành nữ thừa nhận nếu có tiền thì mua thuốc tránh thai hơn 100.000 đồng/vỉ để uống, khi không có tiền thì mua thuốc 6.000 đồng/vỉ và uống không theo liều lượng nào, có người uống đến 15 viên tránh thai/ngày để... nhanh có kết quả, không theo liều dùng hay hướng dẫn của bác sĩ. Người tiêm hormone còn tùy tiện hơn nữa: thường tự tiêm vào mông, đùi, bắp tay hoặc bạn bè tiêm cho nhau! Cuối năm 2013 đã có phụ nữ 50 tuổi ở TP.HCM tử vong do tiêm hormone quá liều vì mong nhanh chóng được chuyển giới thành nam.

Những ảnh hưởng lâu dài

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - giám đốc Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), trong cơ thể nữ giới hormone nữ estrogen và progesterone là chủ yếu, nhưng phụ nữ cũng có chút hormone có nhiều ở nam giới là testosterone. Nam giới ngược lại, testosterone chiếm phần lớn, nhưng mỗi người cũng có một chút hormone estrogen. Tại Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình đã có những trường hợp gọi đến vì thấy mệt lả, người lúc nào cũng như say sóng sau khi uống cùng lúc tám viên thuốc tránh thai dạng phối hợp.

Bác sĩ Minh khuyến cáo việc tùy tiện uống thuốc tránh thai, thuốc trị rối loạn cương... cũng tương đương việc bổ sung tùy tiện hormone. Điều này làm thay đổi toàn bộ trục “não bộ - tuyến yên - buồng trứng” ở nữ và “não bộ - tuyến yên - tinh hoàn” ở nam. Những người nam muốn làm cho ra vẻ nữ và ngược lại có thể thấy một vài biểu hiện giới tính mới sau khi bổ sung hormone giới tính nam/nữ như họ mong muốn, như bạn nữ muốn ra vẻ nam giới và uống thuốc điều trị rối loạn cương sẽ có biểu hiện mọc ria, mặt mụn, nhưng tuyệt đối không thể dùng lâu dài vì ngay phụ nữ muốn tránh thai bằng thuốc cũng cần sự tư vấn của bác sĩ. Bác sĩ Minh thông tin thêm nam giới dẻo dai do có nhiều testosterone, nay vì bổ sung nhiều estrogen, người nam tự dưng mỏi mệt, mất hoặc giảm sự dẻo dai và sức khỏe. Điều này ảnh hưởng lâu dài tới khả năng lao động và chất lượng sống của họ.

TS Trần Thiết Sơn (trưởng khoa phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết bệnh viện này từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người chuyển giới, bị biến chứng do tiêm silicon lỏng nhằm mục đích nâng mông, hông, ngực để người “nuột nà” hơn... Theo TS Sơn, bơm silicon lỏng, bơm mỡ nhân tạo là phương pháp làm đẹp đã bị cấm hoàn toàn trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam do mong muốn được làm đẹp bằng bất kỳ giá nào, nhiều người đã gặp biến chứng nguy hiểm. “Đặc điểm vùng ngực có nhiều mạch máu, bơm silicon lỏng chẳng may vào mạch máu thì khối silicon chảy đến đâu sẽ gây nhồi máu đến đó, như chảy đến phổi gây nhồi máu phổi, chảy đến tim gây nhồi máu tim, chảy đến não gây liệt” - TS Sơn cho biết.

Cũng theo TS Sơn, biến chứng thường thấy ở người tiêm silicon lỏng là xơ cứng vùng da tiêm silicon khiến vùng tiêm nổi những u, mảng cứng dày, vừa không đảm bảo thẩm mỹ vừa gây khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân. Những trường hợp này phải phẫu thuật để lấy silicon lỏng nhưng hầu hết không đảm bảo hút lượng silicon đã bơm một cách triệt để.

Việt Nam chưa có thống kê về số người chuyển giới và có nhu cầu chuyển giới, nhưng thực tế đã có một cộng đồng người chuyển giới và có nhu cầu này ở Việt Nam. Bảo vệ sức khỏe cho họ cũng giống như bảo vệ sức khỏe toàn dân. Nhưng bao giờ người chuyển giới có được quyền ấy?

Việt Nam đã có ba cơ sở y tế được phép xác định lại giới tính, gồm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), Bệnh viện Nhi T.Ư và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội).

Ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho rằng việc chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện giới tính là điều bị nghiêm cấm. Những người nam có tính cách nữ hoặc ngược lại, người nam lưỡng giới giả nữ hoặc nữ lưỡng giới giả nam... cần được thăm khám chuyên khoa, xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính và xét nghiệm nội tiết tố trước khi có chỉ định xác định lại giới tính.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Song-khoe/605360/tu-y-dung-thuoc-chuyen-gioi-nguy-hai-suc-khoe.html

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm