![]() |
Cường độ làm việc "996" khiến nhiều lao động kiệt sức. Ảnh minh họa: SCMP. |
Trong gần 1 tháng tìm việc, Zhao Qing, nhân viên văn phòng Trung Quốc sinh trong thập niên 1990, nhận ra rất ít công việc có lịch nghỉ 2 ngày cuối tuần.
“Hoặc là chỉ được nghỉ 1 ngày, hoặc theo lịch ‘tuần lớn – tuần nhỏ’, tức 1 tuần nghỉ 2 ngày, tuần sau nghỉ 1 ngày", cô chia sẻ với Lianhe Zaobao.
Tháng trước, khi chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp nhằm kiềm chế văn hóa làm thêm giờ, nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng bằng cách tăng thời gian nghỉ ngơi cho nhân viên. Tuy nhiên, Zhao thẳng thắn thừa nhận rằng “nghỉ 2 ngày mỗi tuần vẫn là một xa xỉ” đối với những nhân viên làm việc quá tải, bị ví như “trâu ngựa”.
Lịch học tập, làm việc căng thẳng
Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm và tiêu dùng nội địa suy yếu, chính phủ Trung Quốc năm nay đã tái khởi động nỗ lực thiết lập lịch nghỉ cuối tuần 2 ngày đều đặn.
Tháng 3, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đưa ra kế hoạch hành động, tập trung giải quyết các vấn đề nhức nhối như văn hóa làm thêm giờ tràn lan. Kế hoạch nhấn mạnh rằng các nhà tuyển dụng không được phép kéo dài giờ làm bất hợp pháp và phải thực thi chế độ nghỉ phép năm có lương.
Để kích cầu chi tiêu dịp lễ, Hội đồng Nhà nước cũng tăng số ngày nghỉ lễ chính thức trong năm nay, từ 11 lên 13 ngày.
![]() |
Với nhiều người lao động, giấc mơ về một tuần làm việc cân bằng vẫn còn xa vời. Ảnh minh họa: Ketut Subiyanto/Pexels. |
Không chỉ người đi làm, học sinh Trung Quốc cũng chịu áp lực từ văn hoá học tập căng thẳng. Dù từ tháng 3, nhiều trường trung học bắt đầu thử nghiệm nghỉ 2 ngày cuối tuần, thực tế cho thấy học sinh lớp 12 vẫn phải học gần như toàn thời gian, dưới hình thức "tự học có hướng dẫn".
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã công khai danh sách trường vi phạm và cam kết siết chặt quản lý, nhưng theo chuyên gia, nhiều nơi vẫn duy trì lịch học cũ, khiến học sinh khó thoát khỏi lịch học hành liên miên.
Thực tế, Trung Quốc đã áp dụng chế độ làm việc 5 ngày/tuần từ năm 1995, nhưng hơn 1 thập kỷ qua, văn hoá "996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày/tuần) lại trở nên phổ biến trong giới công nghệ, kéo theo tình trạng làm thêm và kiệt sức. Dù chính phủ đã tuyên bố mô hình này là bất hợp pháp từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì lịch làm việc luân phiên để cắt giảm chi phí.
Với Zhao Qing, có công việc với lịch nghỉ cuối tuần xen kẽ đã là khá tốt. Tại nhiều công ty, số giờ làm thêm còn ảnh hưởng đến đánh giá hiệu suất.
Trong khi đó, với mức cạnh tranh việc làm ngày càng khốc liệt, nhất là khi Trung Quốc có hơn 12 triệu sinh viên mới tốt nghiệp, nhà tuyển dụng không lo thiếu người. Người lo lắng lại là những sinh viên mới ra trường, những nhân sự trẻ e ngại rằng nếu yêu cầu nghỉ 2 ngày thì sẽ không tìm được việc.
Trung Quốc hướng đến tuần làm việc 5 ngày
Theo Chang Chih-chung, hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Đại học Kainan (Đài Loan, Trung Quốc), một trong những lý do lớn khiến chính phủ Trung Quốc thúc đẩy lịch nghỉ 2 ngày cuối tuần là tình trạng dư thừa công suất ở một số ngành công nghiệp, vấn đề không thể tiếp tục bị phớt lờ.
Sau khi chính quyền trung ương kêu gọi hạn chế "involution", kiểu cạnh tranh khốc liệt phổ biến ở Trung Quốc nhưng kết quả thường dẫn đến lợi nhuận giảm, cá nhân trì trệ, không phát triển, nhiều doanh nghiệp lớn như DJI, Midea, Haier đã cho nhân sự nghỉ 2 ngày.
![]() |
Ứng viên không dám yêu cầu nghỉ 2 ngày/tuần vì sợ không có việc. Ảnh minh họa: Anthonyshkraba Production/Pexels. |
Trong khi đó, một số nhà máy ở Quảng Đông (Trung Quốc) cũng giảm sản lượng cho công nhân nghỉ thêm trước áp lực thuế 145% từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Hiệu trưởng nhận định ngành công nghiệp Trung Quốc đã bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nhiều thời gian nghỉ ngơi và hoạt động tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, việc văn hóa nghỉ cuối tuần 2 ngày có thể bén rễ hay không phụ thuộc vào việc bảo vệ và cải thiện quyền lợi người lao động.
Trong lĩnh vực giáo dục, ông cho rằng việc triển khai chế độ nghỉ này được xem là một bước đi theo tư duy chống "involution". Tuy nhiên, với áp lực từ kỳ thi đại học (gaokao), việc nghỉ 2 ngày ở trường học đang vấp phải lo ngại từ phụ huynh sợ con bị tụt lại, và chỉ có thể thay đổi bằng cách áp dụng bắt buộc trên toàn hệ thống.
Chuyên gia giáo dục nhấn mạnh lợi ích của tuần làm việc chỉ 5 ngày khó được công nhận nếu thiếu cải cách cấu trúc xã hội, nhưng đây nên là định hướng tương lai cho một quốc gia hiện đại.
AI thách thức Gen Z ở thị trường lao động
Theo chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương, tác giả cuốn sách Trò chuyện cùng Gen Z, AI không chỉ thay đổi cách con người xử lý thông tin mà còn thách thức năng lực tư duy của chúng ta. Trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi nhanh chóng, thế hệ trẻ cần rèn luyện khả năng đặt câu hỏi, tư duy phản biện và thích nghi với những thay đổi liên tục để đáp ứng yêu cầu của tương lai.