Chính sách làm việc 4 ngày/tuần của cơ quan Chính quyền đô thị Tokyo nhằm giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số ở Nhật Bản. Ảnh minh họa: Freepik. |
Kể từ tháng 4/2025, nhân viên thuộc cơ quan Chính quyền đô thị Tokyo, một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất của Nhật Bản, có thể làm việc 4 ngày/tuần. Ngoài ra, người lao động là phụ huynh có con đang học từ lớp 1 đến lớp 3 có thể về sớm hơn 2 tiếng/ngày.
Theo Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, chính sách trên được ban hành nhằm hỗ trợ các bậc cha mẹ cân bằng thời gian chăm sóc con cái và làm việc.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét những phương thức làm việc linh hoạt hơn, nhằm đảm bảo rằng phụ nữ không phải hy sinh sự nghiệp của họ khi sinh nở hoặc chăm sóc con cái”, bà Koike phát biểu trong phiên họp thường kỳ của Hội đồng Thủ đô Tokyo, theo Japan Times.
Phụ nữ Nhật Bản gặp nhiều áp lực khi cố gắng cân bằng thời gian cho công việc và con cái. Ảnh minh họa: Felicity Tai/Pexels. |
Chuyện gì đang xảy ra tại Tokyo?
Theo Fortune, các chính sách làm việc mới được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ sinh của Nhật Bản tiếp tục đạt mức thấp kỷ lục vào đầu năm nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 350.074 ca sinh, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng tỷ lệ sinh của một quốc gia đại diện cho số con mà một người phụ nữ có trong cuộc đời. Tại Nhật Bản, tỷ lệ này là 1,2 vào năm 2023 và tính riêng ở Tokyo, tỷ lệ này ở mức 0,99.
Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, để duy trì dân số ổn định trên diện rộng, tỷ lệ sinh phải đạt mức 2,1.
Ngoài ra, dân số tại quốc này đang ngày càng già đi. Theo số liệu của Cơ quan Tình báo Trung ương, độ tuổi trung bình của công dân Nhật Bản là 49,9.
Vì vậy, Nhật Bản liên tục có những bước đi quyết liệt để cải thiện tình trạng tỷ lệ sinh thấp.
Từ những năm 90, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp chế độ nghỉ phép hào phóng, trợ cấp chi phí nhà trẻ và các khoản thanh toán bằng tiền mặt đối với các bậc phụ huynh.
Vào đầu năm nay, chính phủ Tokyo cũng ra mắt ứng dụng hẹn hò để giúp những người độc thân tìm kiếm bạn đời và kết hôn. Tuy nhiên, theo dữ liệu từ chính phủ, tỷ lệ sinh vẫn liên tục giảm trong vòng 8 năm qua.
Theo chuyên gia, chế độ tuần làm việc 4 ngày giúp giảm căng thẳng và tăng năng suất. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels. |
Lợi ích của tuần làm việc 4 ngày
Theo nhiều nghiên cứu, chính sách tuần làm việc 4 ngày có thể giảm bớt áp lực làm việc tại Nhật Bản, đặc biệt là đối với phụ nữ có con đang đi làm.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, sự cách biệt về vấn đề làm việc nhà giữa nam và nữ là một trong những chênh lệch lớn nhất của các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Trong đó, phụ nữ Nhật Bản phải chăm sóc trẻ em và người già nhiều gấp 5 lần so với nam giới.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng cho biết vì vấn đề việc nhà, hơn một nửa phụ nữ cho biết họ sinh ít con hơn mong muốn để giảm áp lực.
Mặt khác, chế độ tuần làm việc 4 ngày được chứng minh có thể nâng cao sự bình đẳng đối với việc nhà.
Theo kết quả của cuộc thử nghiệm tại 6 quốc gia do tổ chức 4 Day Week Global thực hiện, nam giới dành thêm 22% thời gian để chăm sóc con cái và 23% thời gian để làm việc nhà.
Peter Miscovich, người phát triển giải pháp Global Future of Work (tạm dịch: Tương lai việc làm toàn cầu) cho các doanh nghiệp trong danh sách Fortune 100, cho biết cần nhiều sự thay đổi từ xã hội để chế độ tuần làm việc 4 ngày được áp dụng rộng rãi hơn.
Ông Miscovich bổ sung rằng nhiều năm thử nghiệm cho thấy số ngày làm việc ít hơn giúp nhân viên cải thiện sức khỏe và nâng cao năng suất.
“Chế độ tuần làm việc 4 ngày giúp giảm tình trạng căng thẳng và cạn kiệt năng lượng, cải thiện chất lượng giấc ngủ và khả năng tập trung, đồng thời tăng mức độ cam kết của nhân viên đối với doanh nghiệp”, ông Miscovich chia sẻ với Fortune.
Julia Hobsbawm, Nhà sáng lập công ty tư vấn về môi trường làm việc Workathon, cho rằng việc Tokyo ban hành chính sách tuần làm việc 4 ngày có thể là một thử nghiệm mang tính đổi mới, nhưng đó không phải là giải pháp hoàn hảo cho mọi vấn đề.
“Khi các phương thức làm việc ngày càng linh hoạt về khía cạnh công nghệ và con người, khó có thể chắc chắn rằng chế độ tuần làm việc 4 ngày phù hợp với tất cả quốc gia, ngành nghề và các mục tiêu khác nhau”, bà Hobsbawm nói với Fortune.
Con người bắt đầu uống cà phê từ khi nào
Có một số bằng chứng cho thấy rằng từ xa xưa ở Ethiopia người ta ăn quả của cây cà phê, cuốn với mỡ động vật như một món ăn vặt tăng sự hưng phấn. Có chứng cứ về việc người ta uống cà phê vào cuối thế kỷ 15, nhưng không đủ để khẳng định quán cà phê đầu tiên là Kiva Han, được mở năm 1475 ở Constantinople. Trước những năm 1600 thói quen uống cà phê chưa lan đến châu Âu và việc sử dụng cà phê chủ yếu là cho mục đích y tế chứ không phải để thưởng thức.