Jessie Smith (18 tuổi, Anh) đã đạt đủ điểm để theo học tại ĐH Manchester vào tháng trước. Tuy nhiên, nữ sinh này không ngờ ký túc xá của trường đã chật kín, buộc cô phải thuê chỗ ở tại Liverpool (cách ĐH Manchester hơn 50 km - PV).
Bà Sarah Smith, mẹ của Jessie, cho biết bà cảm thấy sợ hãi về việc con gái mình sống xa trường đại học. Mặc dù ĐH Manchester đã đề nghị hỗ trợ 100 bảng/tuần để con gái bà chi trả chi phí đi lại, bà vẫn thấy không thỏa đáng. Bà Smith không muốn con gái mình sống cách trường đại học 40 phút đi tàu.
“Con có rất nhiều hoạt động ngay trong tuần học đầu tiên. Tôi không muốn con gái lo lắng về việc làm thế nào để về nhà sau đó. Đại học là để làm quen với mọi người, làm thế nào mà Jessie có thể làm điều đó nếu không sống ở Manchester”, bà Smith nói.
Tuần lễ sinh viên năm nay sẽ kém sôi động đối với nhiều tân sinh viên. Ảnh: Mark Waugh/Alamy. |
Suy sụp tinh thần vì không có chỗ ở
Guardian đưa tin một tuần trước, ĐH Manchester xác nhận rằng họ vẫn còn hơn 350 sinh viên mới đang chờ chỗ ở tại các ký túc xá của trường. Sau khi đề nghị chi trả 2.500 bảng Anh cho bất kỳ ai chấp nhận chuyển sang sống tại nhà, một phát ngôn viên của trường cho biết hiện có 75 tân sinh viên vẫn đang chờ có chỗ ở.
Người này cho biết thêm họ đang liên kết với một số ký túc xá ở thành phố Manchester và cố gắng để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các tân sinh viên như Jessie. Tuy nhiên, rất có thể, sinh viên sẽ phải chuyển đến thành phố khác sống trong một vài tháng.
Tại ĐH Manchester Metropolitan, các ký túc xá cũng quá tải. Trường chi trả 100 bảng/tuần cho những tân sinh viên chấp nhận chuyển chỗ ở sang Liverpool hoặc Huddersfield.
Tình trạng trên phổ biến tại Manchester và cũng diễn ra trên khắp Vương quốc Anh.
Các trường đại học từ lâu muốn gia tăng số lượng sinh viên nhưng không chuẩn bị cho đại dịch và số lượng lớn sinh viên theo học. Năm ngoái, nhiều sinh viên quyết định hoãn việc học, dẫn tới con số tăng vọt vào năm nay.
Tân sinh viên ở các thành phố Bristol, Glasgow và Edinburgh cũng đang gặp tình trạng tương tự.
Nick Hillman, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học, cho biết những sinh viên nhập học phút chót thường bỏ lỡ “vé” vào ký túc xá của trường. Nhưng giờ đây, vấn đề này xảy ra ngay cả với những sinh viên đã nhập học trước đó.
Tiến sĩ Helen Spencer, chuyên gia về khảo cổ học, đã phải nhờ đến Twitter để kêu gọi một phòng trống cho cô con gái 17 tuổi Jess - bắt đầu học tại ĐH Strathclyde ở Glasgow vào tuần tới - sau khi được thông báo rằng con gái của cô nằm ở gần cuối danh sách 200 tân sinh viên chờ suất vào các ký túc xá.
“Đó là những tuần khó khăn, đẫm lệ. Con gái tôi đã học hành rất chăm chỉ để đạt được điểm số cần thiết và mong đợi một khởi đầu mới, tuy nhiên, nó đã bị suy sụp khi không có chỗ ở”, Helen Spencer nói.
Tiến sĩ Spencer đã cố gắng giúp con mình tìm được một căn hộ, nhưng với sự cạnh tranh gay gắt về số lượng nhà cho thuê ngày càng giảm trong thành phố, họ đã không gặp may mắn. Tuần lễ sinh viên của ĐH Strathclyde sẽ bắt đầu từ cuối tuần này, Jess sẽ tạm thời chuyển đến một căn phòng của một người quen. Nữ sinh không biết mình sẽ sống ở đâu sau đó.
“Con gái tôi lo lắng về việc chuyển đến nhà người khác và không có các sinh viên khác xung quanh mình. Khi ấy, nó không thể có kinh nghiệm gặp gỡ những người bạn mới ở ký túc xá”, Spencer nói thêm.
Người phát ngôn của ĐH Strathclyde xác nhận rằng tất cả các phòng ký túc xá của trường hiện đã kín chỗ, sinh viên nên xem xét các lựa chọn bên ngoài.
ĐH Glasgow cũng đã thông báo với các tân sinh viên vào tháng 8 rằng họ sẽ không được đảm bảo chỗ ở trong năm nay, những người có nhà ở gần trường sẽ tự động bị từ chối chỗ ở. Nhà trường cho biết điều này xuất phát từ nhu cầu về chỗ ở gia tăng, đồng thời, số lượng nhà cho thuê ở Glasgow thu hẹp đáng kể.
Eamon Mcguill (từ Oldham) cho biết con gái của ông và hai người bạn đã không có nơi nào để ở trong năm đầu tiên học tại Glasgow. Ba cô gái đang lên kế hoạch ngủ trên gác xép của nhà một người quen ở Edinburgh trong vài tuần và tiếp tục tìm kiếm nơi ở gần trường.
“Đó là điều tồi tệ đối với con gái tôi. Với tư cách là cha mẹ, chúng tôi thực sự lo lắng. Tôi không thể đảm bảo rằng con gái tôi được an toàn”, Eamon Mcguill nói.
Chủ nhà đang rút khỏi việc cho sinh viên thuê nhà và chuyển sang Airbnb, thu về nhiều lợi nhuận hơn. Ảnh: Contentstack. |
Chủ nhà chuyển đổi mô hình
Cuộc tranh giành để đảm bảo chỗ ở cho sinh viên không phải là mới, chúng diễn ra hàng năm. Tuy nhiên, các nhà vận động và các trường đại học cho biết tình trạng này đang dần trở nên tồi tệ khi chủ nhà rút khỏi thị trường sinh viên và chuyển sang dịch vụ Airbnbs (mô hình kết nối trực tiếp người có phòng (chủ nhà/chủ phòng trọ/căn hộ/villas) cho thuê với người thuê phòng (đi du lịch/công tác) cần tìm chỗ lưu trú, kể cả ngắn ngày hay dài ngày thông qua một ứng dụng di động), giúp sinh lời nhiều hơn.
Hannah McGill, sinh viên ngành xã hội học, cho biết việc cô thuê được chỗ ở tại Edinburgh vào năm 2019 là kết quả của việc giành chiến thắng trong một “cuộc đua”.
Cô và những người bạn dự định tiếp tục lấy bằng thạc sĩ trong học kỳ sắp tới. Nhưng vào đầu năm nay, chủ nhà của họ bất ngờ tăng giá thuê mỗi căn lên hơn 100 bảng Anh, buộc họ phải từ bỏ hợp đồng thuê nhà.
Vài tháng sau, đi ngang qua tòa nhà, McGill nhận thấy căn nhà cô từng ở đã trở thành một phòng Airbnb. Họ đã trở thành nạn nhân của việc “trục xuất trong im lặng”, trong đó, chủ nhà ép người thuê bằng việc tăng mức giá, khiến người thuê không thể chi trả, và họ có thể chuyển đổi tài sản của mình sang mô hình khác.
Tháng trước, ĐH St. Andrews cho rằng việc thiếu chỗ ở là do sự gia tăng của Airbnbs và khuyên các tân sinh viên nên chuyển đến ở Dundee, cách trường khoảng một giờ.
Elle Glenny, người phát ngôn của Hội những người thuê nhà tại Scotland Living Rent, cho biết sự thiếu hụt nhà ở là kết quả của việc thị trường nhà ở ưu tiên lợi nhuận của chủ nhà hơn nhu cầu của người thuê.
“Các chủ nhà đang tăng giá thuê vượt xa mức giá cả phải chăng, buộc người thuê phải rời khỏi nhà chỉ để chuyển những ngôi nhà thành nơi nghỉ dưỡng sinh lợi hơn”, Glenny cho hay.
Tại ĐH West of England ở Bristol, hơn 500 sinh viên năm nhất đã nằm trong danh sách chờ nhận phòng của trường. Bristol là một địa điểm thu hút khách du lịch, tại đây có hàng trăm nhà ở mô hình Airbnb trên khắp thành phố.
Giáo sư Steve West, phó hiệu trưởng ĐH West of England, cho biết Bristol là một thành phố nổi tiếng và sôi động, nhưng cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà thuê nghiêm trọng. Ông giải thích rằng các sinh viên đang phải chịu giá thuê nhà tăng cao, thực tế, chủ nhà đang đòi trả trước tiền thuê nhà một nửa hoặc cả năm.
ĐH West of England đang xây dựng 900 căn hộ mới để sẵn sàng cho năm tới. Tuy nhiên, Giáo sư Steve West cho biết hội đồng thành phố Bristol đã hạn chế cấp phép cho việc xây dựng chỗ ở mới của sinh viên.
Ben Giles, giám đốc điều hành của Công ty cho thuê nhà Balloon ở Bristol, cho biết họ đã nhận được hàng trăm cuộc gọi mỗi tuần từ những sinh viên năm nhất kể từ đầu tháng tám.
“Trong khi chúng tôi đang cố gắng sắp xếp chỗ ở cho sinh viên, điện thoại đổ chuông liên tục và không ngừng trong khoảng 6 giờ. Chúng tôi thậm chí phải đưa sinh viên sang các nhà ở tại Bath - thành phố tây nam nước Anh”, Ben Giles nói.
Thông thường, thị trường thuê nhà của sinh viên sẽ trầm lắng vào cuối tháng 9, khi mọi người tập bắt đầu tập trung vào việc học. Nhưng năm nay thì khác, Giles hy vọng các sinh viên có thể tìm kiếm nhà ở tại Bristol trong những tháng còn lại của năm.