Theo Independent, một cư dân Australia đã nhận được bài học đắt giá khi buộc phải từ bỏ chiếc túi xa xỉ làm bằng da cá sấu của mình ngay tại sân bay. Theo đó, thiết kế này được cô mua trực tiếp tại cửa hàng Saint Laurent ở Pháp.
Tuy nhiên, Lực lượng Biên phòng Australia buộc phải thu hồi sản phẩm do thiếu giấy nhập khẩu. Dù được phép mang về nước, các mặt hàng làm từ da cá sấu phải tuân theo công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (viết tắt là CITES) của quốc gia này.
Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã bị kiểm soát rất chặt chẽ tại Australia. Ảnh: Getty. |
Trong trường hợp này, để hợp pháp hóa chiếc túi, người mua phải xin được giấy phép nhập khẩu trị giá 70 USD của Australia. Bộ Nông nghiệp Australia cũng xác nhận rằng cô gái không có giấy phép CITES và chỉ có chứng nhận xuất khẩu từ Pháp.
Vì thiếu giấy tờ, cô không còn sự lựa chọn nào khác ngoài giao chiếc túi cho cơ quan chức năng. Bộ trưởng Môi trường Australia Susan Ley cho rằng đây là lời nhắc nhở cho những người yêu thích mặt hàng thời trang từ da động vật quý hiếm.
"Tất cả chúng ta cần nhận thức rõ những gì đang mua vì việc hạn chế buôn bán sản phẩm động vật rất quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của các loài có nguy cơ tuyệt chủng", bà Susan nhấn mạnh.
Việc buôn bán nguyên liệu từ động vật hoang dã có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: The Guardian. |
Hiện tại, việc buôn bán da động vật ngày càng được giám sát đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Các nhà bảo tồn cảnh báo rằng kinh doanh các loài trăn, cá đuối gai độc hay cá sấu để lấy nguyên liệu cho ngành thời trang xa xỉ có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh.
Chính phủ Australia nói thêm rằng họ sẽ tìm kiếm các mặt hàng nhập khẩu bất hợp pháp, bao gồm quần áo, đồ trang sức, lông thú, ngà voi... Tội buôn bán động vật hoang dã có thể bị phạt tới 10 năm tù và phải nộp hành chính lên đến hơn 162.000 USD.