Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tùng Dương: Kinh nghiệm từ 3 đời vợ

Anh đang sống với 'Tập 3' tương đối hạnh phúc, ít cãi vã, biết chăm sóc vợ khi mang thai...

Tùng Dương: Kinh nghiệm từ 3 đời vợ

Anh đang sống với "Tập 3" tương đối hạnh phúc, ít cãi vã, biết chăm sóc vợ khi mang thai...

>> Tùng Dương tiết lộ về 3 lần đổ vỡ

Tùng Dương: Kinh nghiệm từ 3 đời vợ

- Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì rất ít người có thể tin là anh đang ở tuổi 40. Và lại càng khó hình dung  khi ở tuổi ấy, anh đã qua 3 đời vợ?

Qua mấy đời vợ, tôi nhận ra một điều - hạnh phúc là thứ rất mong manh, dễ vỡ. Nhưng đổ vỡ hay không còn do bản thân mỗi người có muốn giữ nó hay không nữa. Khi đổ vỡ, người ta hay đổ tại lý do này nọ nhưng thực ra, xuất phát điểm là do cái “tôi” của mỗi người quá lớn. Giải quyết được vấn đề này thì mọi việc đều ổn cả, vì cuộc sống đâu phải chỉ cho mình mà còn cho những người khác nữa. Nên tôi nghĩ, giữ được hạnh phúc hay không là do chính bản thân mỗi người thôi.

- Anh hối tiếc hay buồn nhiều hơn?

Tôi buồn nhiều hơn. Tôi không muốn nói đến hai từ hối tiếc, vì nó là quãng đời nằm trong cuộc đời của mình rồi, hoàn cảnh lúc đó nó như thế, dù muốn hay không thì nó vẫn xảy ra. Điều tôi rút ra bây giờ là đừng bao giờ để những chuyện như thế lặp lại nữa.

- Trước đây, mỗi lần cãi vã với vợ cũ, anh thường giải quyết như thế nào?

Tôi bỏ đi. Đi uống rượu, đi chơi, đi vũ trường... Và chỉ về khi nào vợ gọi. Không phải không muốn về mà là vì sĩ diện. Cần thì gọi về, không thì thôi.

- Có bao giờ anh tìm đến những cô gái khác khi giận vợ không?

Cũng có. Đàn ông mà, lại còn “trẻ người non dạ” như tôi thì khó tránh khỏi chuyện đó lắm. Thực ra, cái tôi thì cao nhưng lòng tự trọng lại không có nhiều đâu. Nên chuyện đó lại càng khó tránh. Giờ thì ngược lại. Càng ngày tôi  càng “khiêm tốn” đi và lòng tự trọng thì lớn lên, nên không có gì có thể lôi kéo mình được cả. Làm gì cũng nghĩ và sợ người khác coi thường mình.

- Anh có cho rằng vì được chiều từ bé nên anh mới “hư”?

So với nhiều người, sự trưởng thành của tôi đến hơi muộn. Vì quen được chiều nên trong những cuộc tranh cãi tôi ít chấp nhận thua. Nhưng đến độ tuổi này tôi hiểu điều đó cũng không để làm gì cả, kể cả sự sĩ diện. Cơm mà dỗi không ăn rồi đói phải tự đi mà nấu. Thế có phải là thiệt thân không. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình thật trẻ con, buồn cười và... dở hơi. Bây giờ, vợ mang thai, nghén không ăn được thì tôi đã biết nịnh vợ, dỗ vợ để vợ ăn cơm. Vì thực ra vợ có khoẻ mạnh thì cũng mới tốt cho mình, cho con mình. Vợ có vui vẻ thì bản thân mình mới được nhờ. Nhưng ngày trước thì không bao giờ tôi làm như thế.

- Anh nhận ra “chân lý” này từ bao giờ?

Tất nhiên là bây giờ và tôi trả giá hơi đắt cho quan điểm đó đấy.

- Nếu bây giờ cho anh làm lại từ đầu, anh có nghĩ là “vợ luôn đúng” không?

Mỗi một thời điểm người ta có những suy nghĩ khác nhau. Bây giờ cho tôi sống lại thời điểm đó, chắc tôi cũng sẽ hành động như thế thôi. Nếu có ai đó nhìn thấy cái sai của tôi mà nói rằng “ông hãy sống rộng lượng hơn đi, hãy gạt bỏ cái tôi của mình đi”... thì chắc chắn tôi không thể làm được. Tôi của thời điểm đó là như thế, rằng “tôi là tôi, không thể là ai khác được cả”. Nhưng khi qua tuổi 30 lại khác. Trưởng thành hơn thì sẽ suy nghĩ thoáng hơn, rộng lượng hơn. Thôi thì mình cứ cho là vợ luôn luôn đúng đi, phụ nữ mà, dễ chiều thôi. Thua vợ mình chứ thua ai. Mình không phải là người đàn ông nhu nhược, không để vợ lấn át nhưng hãy luôn làm cho cuộc sống dễ chịu hơn bằng cách giải quyết những xung đột.

Tùng Dương: Kinh nghiệm từ 3 đời vợ

Thôi thì mình cứ cho là vợ luôn luôn đúng đi, phụ nữ mà, dễ chiều thôi. Thua vợ mình chứ thua ai.

- Từ ngày kết hôn với người vợ hiện nay đến giờ, anh chị đã cãi nhau lần nào chưa?

Hầu như chưa vì tôi đã biết cách để xoa dịu mâu thuẫn và tạo không khí thoải mái cho vợ. Tôi đã biết cách hỏi han vợ mỗi khi đi làm về. Trước đây thì tôi hơi vô tâm vì công việc quá nhiều. Nhưng nghiêm trọng hơn là vì bản thân mình không biết cách quan tâm người khác, nên mình không thể hiểu  và cảm động bởi sự quan tâm mà vợ dành cho mình.

- Vậy người phụ nữ hiện nay của anh là người như thế nào, anh hài lòng chứ?

Đó là một phụ nữ vì gia đình, không phù phiếm. Biết cách chăm sóc chồng con và thích xem những phim mà tôi đóng.

Gần đen nhưng vẫn sáng

Tùng Dương đã ghi dấu ấn ở những vai phản diện trên phim truyền hình trong khoảng chục năm trở lại đây, với một bộ mặt “câng câng” và kiểu cười nhếch mép... đến ghét.

- Người ta nói rằng sở dĩ anh thành công trong những vai phản diện, một phần là bởi anh có mối quan hệ khá rộng rãi với giới xã hội đen?

Điều đó chỉ đúng một phần thôi... Tôi không phủ nhận đã học được ở họ nhiều điều, nhưng tôi nói một điều rất thật, tuy có thể làm mất lòng giới biên kịch đôi chút, những nhân vật “xã hội đen” mà họ xây dựng trong các kịch bản phim, theo tôi khác rất nhiều so với những nhân vật đó ở ngoài...

- Thường thì khi nói đến “xã hội đen” người ta vẫn hay nghĩ đó là những người bất chấp thủ đoạn. Anh không sợ giao lưu với họ sẽ làm những người xung quanh nghĩ khác về anh sao?

Tôi không nghĩ thế. Ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, vậy hãy nhìn những cái tốt ở nhau để làm bạn. Phải chơi với họ thì mới biết được rằng họ cũng là những con người bình thường, cũng bị số phận xô đẩy, cũng có những tâm tư tình cảm, có khát vọng, có nỗi đau. Tất nhiên là tôi không đồng tình với nhiều điều họ làm, nhưng người xưa có câu “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”.

Tùng Dương: Kinh nghiệm từ 3 đời vợ

Tùng  Dương gây ấn tượng với các vai xã hội đen.

- Có câu “gần mực thì đen...”, anh đã bao giờ bị họ lôi kéo chưa?

Đã từng bị lôi kéo nhưng từ hồi thanh niên. Họ muốn tôi tham gia làm ăn nhưng tôi từ chối. Giờ đây, tôi đã qua độ tuổi có thể bị ảnh hưởng từ người khác. Giới “xã hội đen” có những nguyên tắc của họ. Nếu mình đã không thích thì họ cũng không bao giờ ép buộc mình cả. Còn mảng khuất về cuộc sống của họ thì tôi không muốn quan tâm.

- Nhưng những gì mà khán giả được nhìn thấy trên phim ảnh về giới “xã hội đen”  thường chỉ là… một màu đen?

Cách nhìn của những nhà làm phim như thế là hơi phiến diện, đơn chiều... Theo tôi, cần đi sâu miêu tả những xung đột nội tâm, sự chuyển biến tính cách, con đường dẫn đến phạm tội của những nhân vật đó. Cho nên tôi thích đóng những loại vai này cũng là vì muốn khán giả hiểu được rõ hơn nhiều góc độ của một nhân vật phản diện.

- Vậy, anh muốn trở thành đạo diễn để làm những điều mình muốn không?

Tôi rất thích làm đạo diễn nhưng ở Việt Nam thì tôi không hề muốn. Ở nước ngoài, các đạo diễn được toàn quyền quyết định nhưng ở mình, phải “trông lên nhìn xuống”. Làm diễn viên thì thoải mái hơn vì mình được chọn cách diễn riêng.

- Anh có cho rằng, những người đóng vai phản diện thường hay lạm dụng ánh mắt và điệu cười, chẳng hạn, cách cười phải nhếch môi và ánh mắt thì phải nheo lại?

Thực ra, đó là những đặc trưng của cách đóng vai phản diện. Tôi là người hay sử dụng các kiểu cười và các ánh mắt khác nhau. Có thể hơi lạm dụng nhưng đó là đặc trưng của tuyến phản diện, ở đâu cũng thế thôi.

Theo Gia đình & Xã hội

Theo Gia đình & Xã hội

Bạn có thể quan tâm