Tùng Dương có thể coi là một trong những nghệ sĩ nổi bật của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Trở thành hiện tượng sau Sao Mai Điểm hẹn 2004, Tùng Dương từng nhận được rất nhiều lời khen chê. Người khen thì khen anh hết lời, cho rằng anh có một cá tính âm nhạc đặc biệt, một giọng hát đầy nam tính, một phong cách trình diễn độc đáo và một gu âm nhạc tinh tế. Người chê thì cũng chẳng ngại dùng những lời lẽ cay nghiệt nhất để "ném" về phía anh.
Thế nhưng, đứng trước hai thái cực khen - chê ấy, Tùng Dương vẫn rất bình thản. Dường như anh chưa bao giờ rơi vào các scandal liên quan tới vấn đề phát ngôn. Chỉ bằng hành động, anh đã chứng minh được mình là một nghệ sỹ thực thụ, một cá tính âm nhạc mà người này có thể thích, người kia có thể không nhưng không ai thể phủ nhận sự cống hiến của anh cho âm nhạc Việt.
Người trẻ có sức vóc, người già có kinh nghiệm
- Thời gian vừa qua, showbiz khá ồn ào việc những ca sĩ đương thời phản ứng khá gay gắt trước những lời nhận xét của các bậc tiền bối. Anh nghĩ sao về điều này?
- Theo tôi, việc đó thể hiện đúng tính chất của những người trẻ. Họ chưa có kinh nghiệm sống nên không phải lúc nào cũng đủ lý trí để nói hay hành động một cách đúng đắn. Đó âu cũng là cái ngông của tuổi trẻ. Đến một thời điểm nào đó, khi có thêm trải nghiệm, họ sẽ có được sự thâm trầm như những người lớn tuổi.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe các bậc tiền bối nhận xét về những nghệ sỹ trẻ hơn. Họ có quyền nhận xét vì họ là người đi trước. Họ có kinh nghiệm và có cách nhìn nhận đa chiều hơn. Người trẻ có sức vóc nhưng người già có kinh nghiệm. Vì thế, tôi tôn trọng tất cả những quan điểm của các bậc cha chú. Họ khen hay chê thì cũng là những lời góp ý chân thành. Còn cách thức họ chê mình, trực tiếp hay trên báo thì do hành động của mỗi người.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là những nhận xét của những bậc đi trước không phải lúc nào cũng hoàn toàn đúng. Như chú Dương Thụ từng chia sẻ: "Tôi là một ông già hơn 70 tuổi rồi. Tôi vẫn mắc sai lầm trong lời nói để cho những người trẻ như Mỹ Linh phải giận dỗi".
- Đâu phải tất cả những người bị chê đều là "ca sĩ trẻ" đâu anh?
- Tôi có quan niệm thế này, đối với bậc cha, bậc chú thì đứng trước họ thì bao giờ mình cũng là những người con nhỏ bé, dù khi ấy mình cũng đã 50 tuổi hay hơn đi chăng nữa.
Thật ra, vì sự việc không trực tiếp liên quan tới tôi nên tôi không thế nói sâu hơn nhưng tôi thấy rằng, trong cuộc sống, chúng ta nên sống một cách nhân văn. Ai có lỗi lầm gì thì cũng nên cho họ cơ hội để giãi bày tại sao họ lại nói như thế. Mọi người cũng như cả giới truyền thông đừng khai thác và chỉ trích họ hết ngày này qua ngày khác. Mọi chuyện dù sao cũng chỉ mới dừng lại ở vấn đề phát ngôn. Những lời nói mới chỉ cho thấy bạn là người hay hoặc chưa hay chứ chưa phải là hành động gì đó để lại hậu quả quá nghiêm trọng tới mức không thể sửa chữa được.
- Nhưng anh có nghĩ rằng, phát ngôn cũng là cách thể hiện phông văn hóa của người đó không?
- Cái này thì để cho khán giả, mỗi người sẽ có nhận xét của riêng mình. Còn tôi nghĩ rằng, mình không nên phán xét đồng nghiệp. Họ sống đẹp, sống tốt hay sống hay thì sẽ để lại ấn tượng trong mắt công chúng. Việc quan trọng với tôi là làm sao phải sống sạch, giữ gìn hình ảnh cho mình tốt chứ không phải là nghe ngóng xem mọi người nói gì rồi phê phán họ.
- Anh có thái độ bình thản thế này, phải chăng vì anh không phải là người nhận được những nhận xét chưa hẳn là tích cực như một số ca sĩ vừa nhận phải trong thời gian vừa qua?
- Tôi cũng nhận phải rất nhiều những nhận xét như thế đấy chứ. Nào là: Tùng Dương hát quái lắm, thích trưng trổ kỹ thuật, thậm chí là những lời lẽ xúc phạm như Tùng Dương biến thái, hoặc tôi không nghe nổi nhạc của Tùng Dương...những nhận xét kiểu như thế nhiều lắm.
Thế nhưng tôi nghĩ rằng, đã là nghệ sỹ thì nên tiếp nhận những lời khen, lời chê, đặc biệt là của những bậc tiền bối. Nếu những lời đó sai thì ok, hãy chứng mình mình hay hơn vậy đi. Hành động quan trọng hơn lời nói rất nhiều.
Mà thôi, tôi cũng không muốn nói tiếp về đề tài này. Tôi chú trọng tới việc đóng góp được gì cho âm nhạc hơn là ngồi nhận xét về người này người kia.
Mắt tôi đang rất long lanh
- Được biết trong này 2/9 tới, anh sẽ lần đầu tiên xuất hiện trong hòa nhạc "Điều còn mãi". Anh có thể chia sẻ một chút về sự chuẩn bị cho chương trình này?
- Đây là lần đầu tiên được tham gia Điều còn mãi nên tôi cảm thấy rất hào hứng. Trước đó, tôi cũng đã hát với dàn nhạc giao hưởng nhiều rồi nhưng đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn. Đầu tiên, nó là một chương trình được biểu diễn đúng vào dịp Quốc khánh, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Tiếp đến, chương trình quy tụ rất nhiều những nghệ sĩ tên tuổi nhằm tôn vinh nhạc Việt.
Trong buổi hòa nhạc này, tôi sẽ hát ca khúc Bên kia sông Đuống - một sáng tác của nhạc sĩ Hồ Bắc dựa trên bài thơ cùng tên của thi sĩ Hoàng Cầm. Ca khúc có tiết tấu khá trúc trắc, khó hát nên tôi đang tích cực tập luyện để có thể hoàn thành tốt phần trình diễn của mình.
- Trong chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Hồ Bắc rất háo hức với việc ca khúc của ông được trình diễn. Ông liên tục gọi điện cho nhạc sĩ Dương Thụ để chia sẻ về ca khúc cũng như cập nhật tình hình tập luyện của anh. Điều đó có tạo áp lực cho anh không?
- Hãy xem nhẹ những áp lực đi. Thay vì lo sợ, phân vân mình có làm tốt không thì để dành thời gian đó cho việc tập luyện.
Từ trước tới nay, mọi người đều biết, khi nhận một tác phẩm nào thì tôi đều tập luyện rất kỹ. Lần này, tôi thậm chí còn chuẩn bị kỹ hơn. Tôi sẽ không thể hát Bên kia sông Đuốn" theo kiểu tung tẩy như hát nhạc jazz, dân gian đương đại hay điện tử - những dòng nhạc mà tôi đang theo đuổi nhưng cũng sẽ không hát nó theo đúng phong cách mà các ca sĩ trước đó đã hát. Tôi là một ca sĩỹ đương đại và tôi sẽ có những cách xử lý riêng để tôn vinh bài hát.
- Anh nghĩ sao nếu cách xử lý của anh bị chính cha đẻ của tác phẩm chê là không hay?
- Người ca sĩ có trách nhiệm thể hiện hết năng lực của mình vào bài hát còn người nhạc sỹ cũng có quyền đưa ra ý kiến riêng vì họ sáng tác ra ca khúc đó và có những cảm nhận riêng. Hơn nữa, những lời chê của bậc cha chú có lẽ xuất phát từ việc họ kỳ vọng rằng mình làm được nhiều hơn nữa nên tôi rất tôn trọng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi thì sự sáng tạo của người ca sĩ thì vẫn cần được ghi nhận chứ không phải lúc nào nhạc sĩ cũng đóng khung ca khúc của tôi phải được hát theo cách này. Hãy mở lòng đón nhận cách xử lý mới ca khúc dĩ nhiên là không ở mức biến ca khúc thành một cái gì đó mà mọi người không nhận ra.
Có những trường hợp người nhạc sĩ không thích cách một ca sĩ xử lý ca khúc của họ nhưng khán giả lại thích. Hoặc ngược lại, khán giả thích nhưng người nhạc sĩ lại không thích. Tôi nghĩ, sự khác biệt trong cách thưởng thức một tác phẩm âm nhạc là điều rất đỗi bình thường.
- Anh cùng với nhạc sĩ Dương Thụ cũng đã từng tới gặp nhạc sĩ Hồ Bắc một vài lần để tìm hiểu về ca khúc "Bên kia sông Đuống". Trong những lần gặp gỡ ấy, điều gì khiến anh ấn tượng nhất?
- Phải nói là những lần gặp gỡ ấy khiến tôi xúc động lắm. Nếu không gặp nhạc sĩ Hồ Bắc thì không thể hiểu rộng và sâu về tác phẩm Bên kia sông Đuốn" được. Tuy nhiên, điều khiến tôi ấn tượng nhất là nhạc sĩ Hồ Bắc có một người vợ rất ân cần. Hai cụ sống với nhau đến gần trọn cuộc đời, luôn chia sẻ mọi buồn vui với nhau và chăm sóc nhau lúc trái gió trở trời.
- Nghe có vẻ như Tùng Dương cũng đang mơ về một hạnh phúc như thế?
- Một hạnh phúc như thế tại sao lại không mơ? (cười) Chỉ có điều, cả Dương và người bạn của mình đều đang nỗ lực cho sự nghiệp nên tạm gác lại ước mơ đó.
- Tùng Dương đang hạnh phúc trong tình yêu?
- Người nghệ sĩ rất nhạy cảm, mọi người có thể đọc được niềm vui, nỗi buồn trong ánh mắt của họ và bạn thấy đáy mắt tôi đang rất long lanh (cười). Tôi đang rất cân bằng trong cả cuộc sống riêng lẫn sự nghiệp.
- Anh khiến mọi người tò mò về bạn gái của anh rồi đấy. Điều gì ở cô ấy có thể làm hạ gục một chàng ca sĩ gai góc và cá tính như anh?
- Tôi không đặt ra những tiêu chí lớn lao mà chỉ cần họ đi chung con đường với mình, thông cảm cho nghề nghiệp của mình và ngược lại mình cũng thông cảm cho cuộc sống, công việc của họ. Cả hai phải biết gìn giữ cho nhau, chia sẻ với nhau và không dối lừa nhau.
Người yêu tôi yêu tất cả kể cả những khiếm khuyết lẫn những điểm đặc biệt của mình. Cô ấy yêu giọng hát của tôi nhưng quan trọng hơn, chúng tôi có phương châm sống, lý tưởng và hoài bão giống nhau.
Bạn gái cũng luôn kỳ vọng tôi sẽ có những đóng góp ít nhiều cho nghệ thuật nước nhà chứ không chỉ là một người hát hay.
- Trong âm nhạc, Tùng Dương đầy đam mê, đầy khao khát và gai góc. Thế còn trong tình yêu, anh là người như thế nào?
- Tôi không phải là một người trăng hoa. Tôi vừa sâu sắc, vừa thực tế nhưng vẫn có sự mộng mơ, lãng mạn. Tôi luôn để cho thế giới của mình một cái gì đó bay bổng. Nghệ thuật giúp tình yêu của tôi thăng hoa và ngược lại.