Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tùng Dương: 'Tôi sợ những người giả điên'

Nam ca sĩ được mệnh danh là "quái - điên" nhất nhì showbiz Việt sau 10 năm gắn bó với nghề chia sẻ, anh chỉ điên trong âm nhạc, còn người giả điên sống quá bản năng và không biết mình muốn gì để trở nên ngộ nhận, ảo tưởng.

Tùng Dương: 'Tôi sợ những người giả điên'

Nam ca sĩ được mệnh danh là "quái - điên" nhất nhì showbiz Việt sau 10 năm gắn bó với nghề chia sẻ, anh chỉ điên trong âm nhạc, còn người giả điên sống quá bản năng và không biết mình muốn gì để trở nên ngộ nhận, ảo tưởng.

Tôi không đeo bám nhạc Trịnh Công Sơn

- Vì sao anh nhận lời tham gia "Gọi tên bốn mùa", đêm nhạc Trịnh diễn ra hồi cuối năm qua dù đây là dòng nhạc không phải sở trường của anh?

- Đây có thể coi là lần đầu tiên tôi hát nhạc Trịnh Công Sơn nhiều đến vậy. Tôi yêu mến ngôn ngữ nghệ thuật trong các sáng tác của người nhạc sĩ này đến mức cảm thấy mình đã tích lũy được những trải nghiệm nhất định để phù hợp với âm nhạc của ông. Nếu khán giả yêu tiếng hát Tùng Dương, chắc chắn họ sẽ đón nhận một Tùng Dương trong các tác phẩm bất hủ của tượng đài âm nhạc Trịnh Công Sơn.

- Lần đầu tiên hát nhạc Trịnh, anh thấy sao? Theo anh hình dung, âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này như thế nào?

- Với tôi, Trịnh Công Sơn là một thi sĩ trong âm nhạc. Ngôn ngữ âm nhạc của ông mang đậm tính giác ngộ tư tưởng Phật giáo. Có những triết lý đời sống ông dễ dàng thể hiện bằng ngôn từ rất dung dị, dẫn dụ đầy mê hoặc và thâm sâu.

"Tôi không đeo bám nhạc Trịnh".

- Mỗi ca sĩ hát nhạc Trịnh, dù là nghệ sĩ đầy uy tín như anh hay một người trẻ muốn "đeo bám", thường gặp phải áp lực rất lớn. Nếu chẳng may nhạc Trịnh không phù hợp với mình, anh có đủ dũng cảm để tiếp tục hát hay sẽ bình tĩnh ngồi lại xem mình hát dở ra sao?

- Phải khẳng định ngay là tôi không "đeo bám". Nhạc Trịnh có ý nghĩa rất lớn trong đời sống người Việt. Qua nhiều thay đổi, thăng trầm của cuộc sống, người ta mới chợt nhận ra mình hiện hữu trong những tác phẩm của ông hay nói cách khác, đây là sự đồng cảm. Chính sự sâu sắc trong ca từ của Trịnh Công Sơn đã trở thành những trải nghiệm đời sống cho bao thế hệ.

Thử mở đĩa nghe Một cõi đi về, bạn sẽ cảm nhận được điều đó và muốn hát theo. Còn tôi, tôi sẽ hát và cảm nhạc Trịnh theo tâm thế của những người trẻ, với sức trẻ đầy hoài bão, nhiệt huyết, luôn muốn khám phá mọi ngóc ngách của cảm xúc, không phải hát với tâm thế của người đã đi hết con đường. Tôi tin tiếp cận nhạc Trịnh ở góc độ nào cũng sẽ tìm ra cái chung, còn việc có tiếp tục khai thác dòng nhạc này không thì còn là cái duyên.

Muốn phát triển phải dám thể hiện

- Dân gian đương đại, world music, nhạc sến, nhạc tiền chiến, nhạc vàng và giờ là nhạc Trịnh, có vẻ như dòng nhạc nào Tùng Dương cũng góp mặt. Anh tìm kiếm gì ở sự tham lam này? Tiền bạc hay sự phổ cập?

- Bạn nhầm rồi. Nhạc sến hay nhạc vàng dù là nguồn cảm hứng và gắn bó của cả một thế hệ nhưng không phải "chất" của tôi, có hát cũng không được ra "mùi" (cười). Tôi công nhận đôi lúc mình thích thể nghiệm nhiều thứ. Tôi xem đó là những cuộc dạo chơi để kiếm tìm và khám phá những thứ mình chưa biết. Điều này chứng tỏ con đường của tôi luôn thênh thang và "mở".

Nếu âm nhạc lúc nào cũng chỉ là những thứ quen thuộc, tự thu và đóng mình lại, không có sự thể nghiệm làm sao sự nghiệp phát triển được. "Phát triển" tôi nói đến chính là khả năng đi xa và đi được đường dài trong nghệ thuật. Nếu thử nghiệm thất bại vẫn cho ta nhiều bài học nhất định để rút kinh nghiệm. Đó là điều "được" thêm, không bao giờ "mất" đi.

"Tôi chỉ còn điên trong nghệ thuật".

- Nhắc đến Tùng Dương, đa phần nghĩ về "quái - điên". Thực ra, anh hết "điên" từ lâu nhưng cái khung mặc định vẫn còn đó. Có khi nào anh muốn mọi người thay cho mình một cái áo mới không?

- Tôi sẽ điên một cách có ý thức. Chất "điên" có sẵn trong bản thể của tôi nên có thể phát tiết bất cứ khi nào. Tuy nhiên, chất "điên" ấy giờ đây không chỉ nằm ở bản năng, mà còn trở nên lý trí hơn nhiều. Tôi chỉ "điên" trong nghệ thuật.

Tôi sợ những người giả điên lắm. Họ chọn lối sống quá bản năng mà không biết mình muốn gì để trở nên ngộ nhận, ảo tưởng. Còn việc có nên thay áo mới hay không chỉ là lớp vỏ, cũng như chuyện có ông nhạc sĩ sáng tác nhiều nhưng vẫn mang tiếng "bình mới rượu cũ". Quan trọng là chất lượng người nghệ sĩ tạo ra có thực sự mới và đổi khác hay không. Riêng đối với bản thân, tôi luôn sẵn sàng cho tâm thế mặc áo mới.

- Khi anh bắt đầu đi hát, không mấy người tin anh sẽ thành công với lựa chọn kén người nghe như vậy. Bây giờ, anh đã có đời sống sung túc với nhà ở khu đô thị cao cấp nhất Hà Nội, xe hơi để đi lại. Nghệ sĩ dù nghệ thuật đến mấy vẫn sống tốt và sống khỏe nhỉ. Phải chăng anh là minh chứng hùng hồn cho thấy nhận định "ca sĩ không hát nhạc thị trường sẽ đói" là sai?

- Tôi quan niệm về làm nghệ thuật luôn dư dả về tinh thần, chỉ nhiêu đó cũng đủ cho người nghệ sĩ. Có người hài lòng về thứ mình có, có người luôn nỗ lực với nhiều tham vọng. Tất cả phụ thuộc vào quan niệm về sự "đủ" của mỗi người. Có khát vọng và biết đủ sẽ không đánh mất mình.

"Tôi nhận thấy mình là người cởi mở, biết điều".

Tôi là người cởi mở và biết điều

- Những show diễn dễ kiếm khán giả như "Tùng Dương hát tình ca" (đêm nhạc riêng của anh diễn ra năm ngoái) có phải là một mối lợi - nguồn thu lớn đối với anh?

- Khi làm show diễn này, tôi hướng vào số đông khán giả. Tuy nhiên, đó là do tôi muốn làm và muốn hát, không ai bắt ép được tôi.

- Có một thời gian mẹ anh phản đối việc con trai đi hát phòng trà. Hiện tại, bà đã thay đổi quan điểm. Anh tác động đến mẹ thế nào để có được kết quả như ngày hôm nay?

- Cha mẹ nào cũng thương con nên mẹ tôi mới suy nghĩ như vậy. Bà từng xem tôi hát ở một phòng trà và thấy tôi phải hát đến 20 bài theo yêu cầu của khán giả. Bà mừng vì thấy con được yêu quý, nhưng mặt khác, bà lại lo cho sức khỏe con không đảm bảo. Tôi hiểu cảm giác của mẹ, bà chỉ muốn tôi đỡ vất vả. Bây giờ, tôi hát có chọn lọc hơn. Mẹ không phản đối nữa mà ngược lại, rất thông cảm với tôi.

- Nhiều người nói anh là ca sĩ khéo nhất Việt Nam tính từ sau Hồng Nhung vì chẳng làm mất lòng ai bao giờ, anh nghĩ sao về điều này? Đây có phải sự thay đổi của anh từ sau đợt: "Bao giờ Tùng Dương thôi đanh đá thì xăng bớt tăng giá" (lời một ca khúc chế cách đây vài năm)?

- Tôi thấy chị Hồng Nhung rất nữ tính. Sức hấp dẫn ở người phụ nữ toát lên từ sự khéo léo không phải thô vụng. Còn tôi, tôi nhận thấy mình là người cởi mở, biết điều. Tôi làm gì cũng không muốn ảnh hưởng tới người khác. Vừa rồi, tôi có chuyến đi đến Ấn Độ và may mắn diện kiến ngài Dalai Lama. Qua những bài giảng của Ngài, tôi giác ngộ được nhiều điều. Tôi luôn ý thức để tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. Hiện tại, tôi thấy mình cân bằng nhưng không chắc nó sẽ ngự trị bao lâu trong tôi - một người luôn chìm vào thế giới riêng và có lúc "chân không chạm đất".

Theo Herworld

Theo Herworld

Bạn có thể quan tâm