Một ngày cuối tháng 2/1992, Hoàng Văn Chung cùng em trai là Hoàng Văn In, Đoàn Văn Trị và một tên nữa là Long vác 3 khẩu AK và 6 băng đạn đi cướp. Đi nửa ngày không cướp được gì, chúng mò vào ruộng khoai lang ở Dốc Quýt (cách TP Lạng Sơn khoảng 5 km) nhổ trộm.
Bị chủ ruộng ra đuổi, cả bọn vác súng ra bắn. Thấy chủ ruộng chạy mất, chưa đã tức, chúng hò nhau nhằm túp lều của ông này bắn loạn xạ. Vào trong lều, không thấy thứ gì đáng giá ngoài chiếc nồi gang, sau khi luộc khoai ăn no nê, In liền xách chiếc nồi về nhà.
Đại tá Triệu Văn Điện, người trực tiếp quật ngã tướng cướp Chung “chón” năm xưa. |
Đến ngày 30/2/1990, khi vác 6 băng đạn ra quốc lộ 1A, gặp chiếc xe khách không chịu dừng khi chúng giơ súng chặn đường, cả bọn dùng AK bắn thẳng vào xe. Nhưng trong ba khẩu súng, chỉ còn khẩu của Chung nổ được hai phát, bọn chúng mới nhớ ra đã bắn hết cả 6 băng đạn để cướp... nồi khoai lang.
Ngày 31/3/1992, hết tiền ăn tiêu, Chung bảo In, Trị, Long ra quốc lộ 1A xem có xe nào đi qua thì cướp ngay, không cần kén chọn. Chung đưa In khẩu súng ngắn K59, Long khẩu K54, Trị quả lựu đạn, còn y xách khẩu AK, túi đút lựu đạn ra khu vực xã Phú Xá chờ cướp. Nhưng đêm đó, không ai dám qua lại nên chúng vào nhà người quen ngủ nhờ.
Sáng hôm sau, cả bọn lại vác súng đi “ăn hàng”. 8h sáng, anh Lưu Văn Thời (trú ngã tư Hồng Phong, huyện Cao Lộc) đi xe máy đến. Cả đám lao ra bắn làm nạn nhân bị thương vào đùi rồi lục ví móc hết tiền. Thấy con gà trống anh Thời đem đi góp giỗ treo lủng lẳng trên xe, chúng cũng xách luôn. Cướp xong, cả bọn hỉ hả về nhà Chung chia nhau. Đếm số tiền được 300.000 đồng, cả bọn chia: In - Trị - Long mỗi đứa được 66.000 đồng, Chung có súng nên được 100.000 đồng. Còn con gà, cả bọn đem thịt uống rượu.
Một tuần sau, cơ quan điều tra đã bắt In, Trị, còn Chung và Long tẩu thoát. Sau khi trốn khỏi địa phương, Chung mò sang địa bàn khác, lập băng cướp mới. Băng này gồm 5 tên, ngoài Chung còn có Vi Văn Lâm (ở huyện Cao Lộc), Lương Đình Hùng (ở huyện Văn Quan) và anh em Lăng Văn Báo - Lăng Văn Hình (ở xã Phú Xá, huyện Cao Lộc). Đêm 26/12/1992, Chung, Lâm khoác AK, Báo cầm khẩu Col, ra cầu Khánh Khê, huyện Văn Quan chặn xe cướp.
Cả bọn rúc vào bụi cây bên đường. Rạng sáng 27/12 có xe đi qua, cả bọn ào ra bắn chặn rồi nhảy lên xe lục soát. Tới chị Nguyễn Thị Hương (trú Phai Làng, huyện Bình Gia, Lạng Sơn) thấy chị này cứ “lề mề”, ngứa mắt, Lâm liền chĩa súng bóp cò làm nạn nhân bị thương nặng. Sau này, tại cơ quan điều tra, hắn khai chỉ muốn “thử súng xem có nổ không”. Trong vụ này, chúng cướp được 15 triệu đồng...
Hoạt động của các băng cướp do tên Chung cầm đầu ngày càng manh động, táo tợn, gây hoang mang, khiếp sợ cho người dân. Thời điểm đó, hoạt động giao thương tại các vùng biên giới này vô cùng tấp nập. Dân buôn, khách du lịch khắp nơi đổ về. Dân địa phương thì làm nghề cửu vạn vác hàng thuê qua biên giới, người đi bộ, người chạy xe Minsk chở vải vóc, các loại nhu yếu phẩm, hàng điện tử Trung Quốc... Đêm nào cũng có hàng trăm người đi lại.
Khi xuất hiện các băng cướp của Chung, cả mấy huyện biên giới như Cao Lộc, Bình Gia, Văn Quan, Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn, khi màn đêm vừa buông xuống, nhà nào cũng vội vàng cửa đóng then cài, không ai dám ra đường. Cánh lái xe tải đường dài từ miền xuôi lên hay các thương lái chuyên đánh hàng Trung Quốc đều phải đổi quy luật làm ăn, chỉ dám qua những vùng này vào ban ngày.
Chuẩn bị phương tiện truy bắt băng cướp. |
Ngày 24/4/1993, sau khi thành lập thêm một băng mới gồm Hoàng Văn Long, Đồng Văn Eng, Lăng Văn Nhàn, giao vũ khí cho từng tên, Chung lập tức ra tay. 19h, cả bọn ra đoạn đường rẽ vào xã Thụy Hùng, cách Dốc Quýt 500 m ngồi rình. Thấy chiếc xe máy chở một nam, một nữ bất thần dừng ngay chỗ chúng nấp, Long - Eng chĩa súng lên trời bắn chỉ thiên, định uy hiếp rồi cướp. Nhưng chúng không ngờ đã cướp trúng công an.
Ông Hoàng Văn Tiệp, cán bộ Thanh tra Công an tỉnh Lạng Sơn, chở chị của vợ là Trịnh Thị Út đi qua Dốc Quýt khoảng 29 - 21h, định rẽ vào nghỉ một chút. Thấy bọn cướp lao ra bắn, anh Tiệp dùng súng bắn trả, làm tên Eng trúng đạn ngã xuống. Tuy nhiên, sau hồi đấu súng không cân sức, anh Tiệp bị tên Nhàn dùng súng AK bắn chết tại chỗ. Hoảng hốt, chị Út chạy lên trạm Dốc Quýt kêu cứu.
Khi lực lượng Phòng Cảnh sát hình sự tới nơi thì đám cướp đã mất hút, bỏ lại tên đồng bọn bị thương nặng. Sau đó, Đồng Văn Eng được công an đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nhưng do vết thương trúng đầu, hắn bị điên loạn một thời gian.Sau khi ra tù, Eng lấy con gái của Chung, mở quán nước nhỏ bên đường, làm ăn lương thiện. Thỉnh thoảng Eng vẫn gọi điện hỏi thăm đại tá Triệu Văn Điện, người được giao trực tiếp thanh trừng băng cướp năm xưa.
Trong số hơn 30 tên cướp dưới trướng Hoàng Văn Chung, hiện vẫn còn tên Lăng Văn Nhàn đang trốn biệt tăm. Người mẹ già ngoài 80 tuổi của Nhàn giờ đã gần đất xa trời, vẫn không biết chút tin tức gì về đứa con trai đi cướp từ khi chưa đủ tuổi làm chứng minh nhân dân; trong khi anh trai Nhàn thì suốt ngày chìm trong hũ rượu...Quyết tâm triệt phá băng cướp này, Công an tỉnh Lạng Sơn đã huy động nhiều lực lượng đấu tranh, lần lượt bắt gọn gần 30 nghi can. Nhưng lần nào tên tướng cướp Chung cũng lọt lưới.
Hoàng Văn Chung vốn là đặc công, từng được huấn luyện kĩ càng nên rất giỏi võ. Hắn có vóc dáng to, thấp đậm, rất khỏe, chân tay cuồn cuộn và đặc biệt cực kỳ nhanh nhẹn. Đi đâu, Chung cũng kè kè khẩu colt, lưng giắt lựu đạn. Từng là bộ đội trinh sát phục viên, mỗi vụ cướp hắn đều lập kế hoạch bài bản, có tổ chức, phân công đâu ra đấy, nhưng lại chẳng theo quy luật nào. Khi đám tay chân của Chung lần lượt sa lưới, hắn vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.Trước tình hình đó, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an và Công an tỉnh Lạng Sơn đã phải lập chuyên án. Đích thân đại tá Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự làm trưởng ban, cả Giám đốc, Phó giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn trực tiếp giám sát, chỉ đạo, quyết tâm bắt bằng được tướng cướp Chung “Chón”.
Ban chuyên án xác định, đây là băng cướp nguy hiểm, do tướng cướp Chung đã nhiều lần trốn thoát khi các băng cướp bị triệt phá nên hắn ngày càng manh động, nguy hiểm. Vì vậy, chỉ có thể bắt hoặc tiêu diệt được hắn, mới làm tan rã được băng cướp. Kế hoạch đặt ra là lần lượt đập tan các nhóm cướp, chặt đứt đám tay chân của Chung, tận thu phương tiện, vũ khí để làm mất chỗ dựa của hắn. Đồng thời, khống chế ở mức tối đa việc gây án trong khi hắn chạy trốn.Ngoài ra, cũng phải thu hẹp địa bàn hoạt động của Chung. Ban chuyên án đã vạch ra phương án thực hiện, theo đó, phải kết hợp giữa trinh sát, truy lùng để việc vây bắt đạt hiệu quả...
Suốt hơn nửa năm trời cho đến khi bắt được tên tướng cướp tàn độc, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự phải thường xuyên đi về trên quãng đường rừng núi quanh co gần 200 km giữa Hà Nội - Lạng Sơn để chỉ đạo án. Còn thượng úy Triệu Văn Điện, Phó phòng Cảnh sát hình sự, người được giao trực tiếp truy bắt Hoàng Văn Chung cùng các trinh sát hình sự “tạm trú” luôn tại một căn nhà nhỏ thuê ở khu vực Đồng Đăng.
Hàng ngày, các trinh sát tuần tra công khai dọc tuyến quốc lộ 1, các tuyến đường liên huyện, liên xã ở các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Cao Lộc - nơi Chung và đám tay chân thường hoạt động, mục đích để chúng không dám lộ diện, dần dần co cụm lại. Thỉnh thoảng, trinh sát lại đột nhập các lán trong rừng hồi - nơi bọn Chung lẩn trốn và đến tận nhà kiểm tra.
Lực lượng quân đội đóng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng nhận được hồ sơ về tướng cướp Hoàng Văn Chung với đề nghị phối hợp bắt giữ hoặc tiêu diệt nếu hắn manh động chống trả. Do biết mình đã có sẵn án “tiêu diệt tại chỗ” nên Chung cực kỳ cảnh giác.
(Còn tiếp)