Trượt vào vũng lầy tội lỗi
Sau khi tôi luyện ở một võ đường tại Cần Thơ, Nguyễn Ngọc Truyện quay về quê ở Long Xuyên để tiếp tục sinh sống. Thuở thanh niên, cũng như bao chàng trai khác, Truyện làm ăn lương thiện bằng đủ nghề, với cuộc sống khá chật vật. Bước sang tuổi 18, Truyện cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai, ăn nói nhẹ nhàng, khiến bao cô gái rung động, mong được theo về “nâng khăn sửa túi”.
Bà Bé Hai (61 tuổi, ở đường Thoại Ngọc Hầu, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên), người từng sống cùng dãy nhà với Truyện ở hẻm Ba Lâu, xác nhận: "Lúc đã là tên trộm có tiếng, Truyện vẫn giữ được vẻ ngoài nho nhã, sáng sủa, chứ không hề bặm trợn. Vì thế, nếu chỉ nhìn bề ngoài, ít ai biết Truyện là một kẻ chuyên sống bằng nghề trộm cắp. Mặc khác, ngày còn sống ở hẻm Ba Lâu, Truyện là thanh niên quảng giao, được nhiều người mến mộ".
Hồ sơ truy nã Bạch Hải Đường của công an tỉnh Long An. |
Bà Hai Bé kể, khoảng năm 19 tuổi, Truyện lấy vợ tên là Hồ Thị Lãnh, quê ở huyện Thốt Nốt (Cần Thơ), đến nay không rõ còn sống hay đã mất, nhưng đã sinh cho Truyện được 2 đứa con trai.
Từ ngày gánh thêm trách nhiệm làm cha, cuộc sống vốn nghèo khó của Truyện càng thêm nặng gánh, đặc biệt với một kẻ không nghề nghiệp ổn định như gã. Ngày ngày làm nghề đẩy xe, bốc vác, chạy xe lôi… Truyện vô cùng thèm khát khi chứng kiến cuộc sống của những người giàu có. Nhiều đêm đứng dưới lề đường, ngước nhìn những ánh đèn chói sáng hắt ra từ những biệt thự sang trọng, Truyện lại tưởng tượng mình được sống trong đó, nằm máy lạnh và thưởng thức những chai rượu đắt tiền có xuất xứ từ trời Tây.
Làm ăn lương thiện được một thời gian mà cuộc sống vẫn không khấm khá hơn, Truyện dắt díu vợ con từ Cần Thơ quay về nơi chôn nhau cắt rốn ở “khu ổ chuột” Ba Lâu, Long Xuyên. Tại đây, Truyện bắt đầu kết giao với Nguyễn Văn Năng, Sơn, Tâm… những kẻ có tiểu sử chuyên “đột vòm”.
Giai đoạn đầu những năm 70 của thế kỷ trước, TP Long Xuyên được xem là trung tâm kinh tế - chính trị chiến lược của chế độ Sài Gòn ở miền Nam. Nơi đây có những biệt thự cao cấp của các chuyên gia quân sự, ngoại giao nước ngoài và quan chức cao cấp của Việt Nam. Hồi đó, khi cả nước còn nghèo khó thì trong những biệt thự này đã có máy lạnh, tủ lạnh, ti vi, đài cát-sét, máy chiếu phim… Đó là những thứ xa xỉ được nhập trực tiếp từ Mỹ, chỉ cần bán đi một trong số những tài sản đó là đủ thỏa thê tiêu xài.
Có vẻ như Truyện có cái nhìn đi “trước thời đại” nên trong đầu luôn nung nấu ý định chuyển nghề trộm cắp. Nhưng trên thực tế, nguyên cớ làm Truyện rẽ khỏi lối của người lương thiện bắt nguồn từ một lần cùng quẫn vì con đau ốm.
Trong bản khai cung khi bị công an bắt vào năm 1980, Truyện thành thật tường trình con đường đến với “nghề trộm”: “Một ngày đầu năm 1971, đứa con đầu đau nặng mà không có tiền mua thuốc, tôi phải trốn quân dịch nên không chạy xe lôi được. Tìm chỗ làm ở đâu cũng không được, cùng đường, tôi quyết định đi lấy trộm xe máy bán lấy tiền”.
Chuyến “ăn hàng” đầu tiên trót lọt, y nhận ra rằng nghề ăn xổi cũng đâu khó khăn gì, chỉ cần có mánh khóe, lanh lợi là đủ “no”.
Cứ thế, Truyện bỏ hẳn những công việc lương thiện, cùng các chiến hữu bước vào nghiệp đột vòm. Nhưng dường như, từ cuộc sống nghèo cơ cực của mình, Truyện lập ra một nguyên tắc bất thành văn là chỉ lấy của nhà giàu… Đặc biệt, Truyện còn chia một phần chiến lợi phẩm kiếm được cho người nghèo.
Bà Hai Bé kể: “Hồi đó, những người trong hẻm Ba Lâu rất mến Truyện, chồng tôi là ông Sơn cũng không phải ngoại lệ. Cũng vì mến mộ kiểu trộm tài sản nhà giàu của Truyện nên ông kết nghĩa anh em. Dân trong vùng biết Truyện là trộm nhưng chẳng ai ghét...”.
Những vụ “siêu đột vòm”
Sau lần bị bắt, Truyện khai: “Một lần tôi vào nhà ông chủ Chuẩn ở gần chùa Bình An, phường Mỹ Bình, được một số bác sĩ thuê ở. Do bên dưới có lính canh, tôi leo lên vách tường nhà chùa rồi leo qua nóc nhà, trổ mái chui xuống ngay phòng của một bác sĩ người Úc đang ngủ”.
Chiến lợi phẩm mà Truyện và đồng bọn lấy được là quần áo, đồng hồ đeo tay, quạt máy, máy cát - sét. Sau đó không lâu, y tiếp tục quay lại: “Lần sau, tôi vào phòng của một bác sĩ người Mỹ. Tôi lấy quần áo, gương soi, máy cát-sét, tiền đô la... Tôi nhìn thấy khẩu súng của ông này, nhưng không lấy”.
Bạch Hải Đường trong hồ sơ lưu trữ của công an tỉnh Long An. |
Một vụ khác là Truyện đột nhập vào một biệt thự do các kỹ sư Mỹ thuê ở đường Gia Long (thị xã Long Xuyên). Truyện đã leo đường ống nước lên tầng, sau đó khoét cửa sổ vào phòng. Lần đầu tiên trong đời Truyện được thỏa nguyện cảnh sống sung sướng với phòng máy lạnh.
“Phòng có máy lạnh, không màn chống muỗi. Tôi đến gần bên họ rất êm nên hai người Mỹ đều không biết. Tôi lấy hết quần áo, 2 cái rương lớn, máy cát-sét… Tiếp đó, tôi đi vào nhà bếp lấy nồi, chảo, chén bát. Tôi mở tủ lạnh thấy có thịt đã nấu chín, tôi lấy ăn, ăn xong tôi mới về. Về nhà, tôi lục đồ ra thì phát hiện có cả tiền đô la Mỹ. Tôi mang hết đồ đạc bán cho vợ chồng Ba Chuột, còn giấy tờ tùy thân tôi mang trả lại cho hai người Mỹ. Nhưng sau đó mấy ngày, 2 người Mỹ sợ quá trả nhà đi chỗ khác ở”, Truyền khai.
Những vụ “viếng” nhà giàu thường dân của Truyện suôn sẻ đến mức khó tưởng. Thế rồi có vẻ như chán đột nhập nhà thường dân, Truyền và đồng bọn lại “đổi gió” sang các đơn vị quân đội “tìm mồi”. Tất nhiên, một khi “siêu trộm” đã nhắm thì hầu như không thất bại.
Trong hồ sơ sau này, Truyện có khai: “Mấy tháng đầu năm 1973, tổng cộng tôi đã lấy đồ nhà người Mỹ khoảng 40 vụ. Tất cả đều có tên Năng và Triệu tham gia...”.
Theo những khai báo của Truyện còn lưu trong hồ sơ, dù thực hiện nhiều vụ trộm trót lọt với chiến lợi phẩm không nhỏ, nhưng cuộc sống của Truyện ở hẻm Ba Lâu cũng chẳng khấm khá gì. Theo trí nhớ của bà Hai Bé, thời gian đầu Truyện sống với gia đình ở hẻm Ba Lâu, nhưng sau đó cha ruột rồi đến vợ con đi đâu không rõ. Từ đó Truyện sống với mẹ ở xóm “ổ chuột” này, cuộc sống vẫn vạ vật như bao người dân lam lũ khác.
“Tài sản Truyện kiếm được người ta bảo nhiều ở đâu không biết, chứ kỳ thực thuở đó nhà ở mẹ con Truyện vẫn phải thuê của bà Hai Bé ở cuối con hẻm sát bên trại hòm kia. Mẹ con Truyện sống rất bình dân nên bà con xóm giềng không ai ghét bỏ”, bà Hai Bé nhớ lại.
Treo thưởng bắt "siêu trộm" Bạch Hải Đường
Những bản tin truy nã của quân cảnh chế độ cũ đã in ra, dán khắp phố phường ở thị xã Long Xuyên với các dòng mô tả ấn tượng về tên trộm.
Trong số các nạn nhân có đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó chỉ huy cảnh sát thị xã Long Xuyên, An Giang, vì quá ức khi bị Truyện “thăm nhà” nhiều lần, đã phải nhờ đến một số tờ báo đăng tin: “Tên tướng cướp Bạch Hải Đường (tức Truyện) là tên cướp nguy hiểm. Nếu ai bắt được sẽ thưởng 50.000 đồng”. Danh “tướng cướp” cùng cái tên Bạch Hải Đường của Nguyễn Ngọc Truyện xuất hiện từ đó.