Huyền thoại đội Săn bắt cướp
Những năm đầu đất nước thống nhất, tình hình an ninh trật tự ở Sài Gòn diễn biến phức tạp. Đây là nơi nhiều băng nhóm “xã hội đen” hoạt động, trong đó phần lớn là những tên giang hồ, lưu manh trốn trại, binh lính chế độ cũ… chúng gây ra nhiều vụ cướp của, giết người khiến người dân thành phố sống trong hoang mang.
Việc ngày càng nhiều những vụ phạm pháp hình sự xảy ra khiến lãnh đạo công an thành phố phải nghĩ ngay đến việc thành lập lực lượng chống cướp tinh nhuệ. Tháng 3/1978, Đội Săn bắt cướp (SBC) thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM ra đời và người được giao trọng trách chỉ huy lực lượng này là ông Võ Tấn Thành (tức Đại úy Hai Trung).
Đại úy Hai Thành. |
Đại úy Hai Thành sau này được biết đến là người chỉ huy trinh sát SBC khám phá thành công nhiều vụ án nghiêm trọng, như vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương, bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ, giải cứu 11 đứa trẻ bị bắt cóc ở Lâm Đồng, triệt phá băng cướp Võ Tùng Hội, Phú “Sa lem”, Thái Lập Thành…hay bắt tướng cướp Điền khắc Kim, Tín Mã Nàm.
Trong số những chiến công trấn áp tội phạm của Đội SBC, có thể kể đến vụ án vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị ám sát. Cho đến nay hành trình truy lùng hung thủ gây ra vụ án chấn động này của trinh sát đội SBC vẫn còn nhiều bí ẩn...
Khoảng 23h ngày 26/11/1978, sau khi kết thúc vở diễn “Thái hậu Dương Vân Nga” tại rạp Cao Đồng Hưng (quận Bình Thạnh), nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng và đứa con 5 tuổi đi trên chiếc xe hơi về nhà riêng. Trên xe lúc này còn có một vệ sĩ đi cùng.
Khi chiếc xe vừa đỗ xịch trước nhà thì xuất hiện hai người đi xe gắn máy Honda trờ tới. Một tên cầm súng lao tới tấn công người vệ sĩ lúc này đã ra khỏi xe và đòi bắt con nghệ sĩ Thanh Nga. Vợ chồng nữ nghệ sĩ la lên liền bị chúng nã đạn trúng người. Gây án trong nháy mắt, hai tên phóng xe gắn máy về hướng ngã sáu Sài Gòn mất hút trong màn đêm
Nghệ sĩ Thanh Nga và chồng tử vong ngay sau đó. Công tác khám nghiệm hiện trường được Phó giám đốc Công an TP.HCM lúc bấy giờ là đại tá Cáp Xuân Diệm chỉ đạo tiến hành trong đêm. Bên trong xe hơi của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga, công an thu giữ được 1 đầu đạn, 1 vỏ đạn được xác định từ khẩu súng P.38. Ngoài ra, đồ đạc trong xe có dấu hiệu bị xáo trộn.
Ban chuyên án lấy lời khai người vệ sĩ của nghệ sĩ Thanh Nga. |
Chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị bắn trúng ngực trái, xuyên thẳng từ trước ngực ra sau lung. Nữ nghệ sĩ cũng bị vết bắn tương tự. Vụ án gây chấn động không chỉ trong giới Văn nghệ sĩ Sài Gòn mà còn lan rộng đến khán giả đam mê cải lương khắp các tỉnh miền Nam.
Trước sức ép từ dư luận, Bí thư Thành ủy thành phố lúc bấy giờ là ông Võ Văn Kiệt đã phải lên tiếng yêu cầu lực lượng SBC nhanh chóng vào cuộc điều tra, tìm ra thủ phạm để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Truy dấu hung thủ
Ban chuyên án được xác lập để truy tìm dấu tích hung thủ. Tình tiết đáng chú ý được đi sâu tìm hiểu là trước khi bị sát hại nghệ sĩ Thanh Nga nhận được thư nặc danh ám chỉ cô sẽ bị ám sát vì diễn xuất quá đạt trong các vai thể hiện tinh thần yêu nước, cụ thể là vai “Trưng Trắc” trong “Tiếng trống Mê Linh” và gần nhất là thủ vai “Thái hậu Dương Vân Nga” trong vở diễn cùng tên.
Khám nghiệm hiện trường, bên trong chiếc xe hơi của gia đình nghệ sĩ Thanh Nga. |
Hướng điều tra của chuyên án về mặt chính trị tích cực thu thập chứng cứ của các tổ chức phản cách mạng. Có thông tin những người ám sát nghệ sĩ Thanh Nga vì không muốn cô thủ hai vai diễn đang được đông đảo người dân chú ý. Nhưng qua việc dựng lại hiện trường vụ án đã cho thấy giả thuyết trên không có cơ sở.
Cụ thể, dấu vết tại hiện trường thể hiện đã có sự giằng co giữa vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga và hung thủ. Và động cơ của chúng là nhằm bắt cóc đứa con 5 tuổi của họ với mục đích tống tiền, nhưng sự vụ không thành công nên đã nã súng bắn chết hai người.
Lúc bấy giờ vụ con nghệ sĩ Kim Cương và con bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ bị bắt cóc, đòi tiền chuộc dấy lên khả năng hung thủ trong vụ ám sát vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga cũng làm điều tương tự. Trong lần kẻ bắt cóc con bác sĩ Lã Hỷ đến điểm hẹn sẵn lấy tiền chuộc thì trinh sát SBC đuổi bắt.
Cuộc rượt đuổi trên xe gắn máy diễn ra như phim hành động, kẻ bắt cóc thậm chí còn quăng lựu đạn về phía công an nhưng may mắn chưa rút chốt. Trên đường tháo chạy một tên bị SBC bắn bị thương, hắn được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy băng bó và bị bắt tại đây.
Từ lời khai của Nguyễn Văn Hóa này, Ban chuyên án đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ và cuối cùng lần ra được nơi ở của Nguyễn Thanh Tân (36 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang), tên cầm đầu trong hai vụ bắt cóc, tống tiền trên.
Khoảng 1h ngày 10/4/1979 trinh sát SBC bất ngờ đột kích vào cư xá Nguyễn Thiện Thuật nơi Tân ẩn náu, bắt giữ tên này đồng thời thu giữ tang vật là nhiều vòng vàng, nữ trang. Tân khai nhận tổ chức hai vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương và con bác sĩ Lã Hỷ, nhưng lại nói “không biết” về cái chết của vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga.
Tân và Hóa ném lựu đạn về phía lực lượng truy đuổi. |
Bằng nghiệp vụ điều tra, cuối cùng trinh sát cũng đã tìm thấy khẩu súng P.38, hung khí Tân sử dụng sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga và kẻ giết người cũng đã cúi đầu nhận tội. Tân khai mục đích chỉ để bắt cóc đứa con 5 tuổi nhưng vợ chồng nữ nghệ sĩ đã chống cự quyết liệt, trong lúc giằng co Tân đã nổ súng.
Cuối năm 1979, Tân và đồng phạm trong vụ sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga lãnh án tử sau 2 phiên tòa nhận được sự quan tâm của dư luận.
Chuỗi vụ án chấn động dư luận lúc bấy giờ khép lại và những chiến công thầm lặng của Đội SBC, Công an TP.HCM đã góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.