Theo Korea JoongAng Daily, thị trường quần áo secondhand (trang phục đã qua sử dụng) đang nhanh chóng mở rộng khi các hãng thời trang toàn cầu, bao gồm Chanel hướng tới tính bền vững.
Số lượng quần áo bị lãng phí vẫn rất lớn dù ngành thời trang đang nỗ lực tái chế quần áo trên toàn cầu. Yuchang Trading - một công ty dệt có trụ sở tại Gwangju, Gyeonggi chuyên thu gom và xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng - xử lý khoảng 28 tấn quần áo secondhand mỗi ngày.
Tạo ra 79.000 tỷ lít nước ô nhiễm
Tại hai cơ sở của Yuchang Trading, những đống quần áo cao tới 7 m được đào bới bằng mũi khoan. Khoảng 100 nhân viên phân loại quần áo thành 80 loại. Sau khi được phân loại, 99% quần áo có thể tái chế và được xuất khẩu. Phần còn lại được chuyển đến thị trường đồ cũ trong nước.
Giám đốc điều hành Yu Jong Sang của Yuchang Trading cho biết: "Những bộ quần áo này đã bị vứt bỏ nhưng chúng không cũ và không lỗi thời. Hầu hết quần áo là của các nhãn hiệu thời trang giá rẻ".
Fast fashion còn được gọi là "thời trang nhanh" chỉ dòng phân khúc thời trang giá rẻ, bắt kịp xu hướng nhanh chóng. Đây là một trong những ngành sử dụng nhiều tài nguyên nhất trên thế giới. Những nhãn hiệu thời trang giá rẻ luôn tận dụng xu hướng thời trang và thay đổi nhanh chóng bằng cách sản xuất hàng loạt quần áo với giá cả phải chăng để tối đa hóa lợi nhuận.
Fast fashion tạo nên mối lo ngại về môi trường. Ảnh: Getty Images. |
100 tỷ sản phẩm may mặc được tạo ra mỗi năm. Đồng nghĩa, thời trang nhanh đang tạo ra lượng lớn ô nhiễm hàng năm.
Theo báo cáo của Viện Kinh tế Công nghiệp & Thương mại Hàn Quốc công bố tháng 11/2021, lượng tiêu thụ quần áo toàn cầu lên tới 62 triệu tấn mỗi năm. Với tốc độ hiện tại, con số ước tính đạt 102 triệu tấn vào năm 2030 và phần lớn là thời trang nhanh.
Báo cáo của Quỹ Ellen MacArthur năm 2017 cho thấy trung bình một người Mỹ mua một món đồ thời trang mới sau khoảng 5,5 ngày. Mức tiêu thụ quần áo tăng 40% từ năm 1996 đến năm 2021 ở châu Âu. Trung bình một người sống ở Anh mua 25,7 kg quần áo mỗi năm.
"Thời trang nhanh sản xuất hàng loạt và nhanh chóng loại bỏ quần áo, điều này tạo ra một vấn đề nghiêm trọng về môi trường", Hong Su Yeol của Công ty Tư vấn tái chế tài nguyên cho biết.
Fashion United báo cáo thị trường thời trang và dệt may toàn cầu trị giá 3.000 tỷ USD, với tổng số 7 triệu người làm việc trong ngành. Ngành công nghiệp Fast fashion đang phát triển nhanh chóng kéo theo tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố năm 2018, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu tạo ra khoảng 400 triệu đến 500 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm, chiếm 8%-10% tổng lượng khí thải. Đây cũng là nguyên nhân của 1/5, hoặc khoảng 79.000 tỷ lít nước công nghiệp ô nhiễm trên toàn thế giới.
"Có một số vấn đề cần được giải quyết trong quá trình tái chế quần áo", Jeong Seok Gi, Giám đốc Hiệp hội tái chế hàng dệt may Hàn Quốc cho biết.
Sự trỗi dậy của thời trang secondhand
Các thương hiệu thời trang lớn như Chanel và H&M đã cam kết hướng đến sự bền vững trong các hoạt động kinh doanh. Tháng 11/2021, khoảng 130 nhà sản xuất hàng may mặc, bao gồm LVMH và Nike, đã ký Hiến chương ngành công nghiệp thời trang về hành động vì khí hậu.
Hiến chương do Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đề xuất trong Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP 26). Mục tiêu được đưa ra là cắt giảm 50% lượng khí thải vào năm 2030.
Jennie (BlackPink) đại diện cho thương hiệu Chanel. Ảnh: Chanel. |
Trong số các lãnh đạo ngành, 43% nói họ đang có kế hoạch giảm lượng hàng tồn kho, theo khảo sát do McKinsey & Company và công ty kinh doanh thời trang Business of Fashion thực hiện. 61% trong số đó cho biết sẽ cắt giảm số lượng sản phẩm để tránh cung vượt quá cầu.
Ko Eun Ju, giáo sư marketing thời trang tại Đại học Yonsei cho biết: “Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thu hút sự chú ý đến tính bền vững”. Giáo sư giải thích lượng người tiêu dùng dần có ý thức về môi trường khi mua sắm. Nhờ đó, thời trang bền vững đang gia tăng.
Sự tăng trưởng đáng kể của thị trường thời trang secondhand cũng cho thấy sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Vào ngày 21/12/2021, cửa hàng may mặc cũ Million Archive ở phía đông Seoul đã chật kín khách tham quan. Cửa hàng rộng 80 m2 được biết đến với các mặt hàng cổ điển, chẳng hạn áo len và quần tây nam.
Jung Eun Sol, người đứng đầu cửa hàng cho biết: “Vì các mặt hàng cổ điển trải dài từ những năm 1950 đến đầu những năm 2000, nên khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn”.
Ngày càng có nhiều cửa hàng quần áo cũ mọc lên trên khắp đất nước. “Không giống những người lớn tuổi lớn lên trong hoàn cảnh xã hội tương đối khắc nghiệt, những người trẻ tuổi lớn lên trong xã hội giàu có có xu hướng ít vật chất hơn. Điều này khiến họ thích chọn lựa quần áo cũ", Yang Yoon giáo sư tâm lý của Đại học Ewha Womans cho biết.
Trung bình mỗi ngày, thredUP của Oakland bán được hơn 100.000 sản phẩm may mặc. Hãng đã công bố doanh thu là 63,3 triệu USD trong quý III năm 2021, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo năm 2020 của Boston Consulting Group, quy mô thị trường đồ cũ ước tính khoảng 40 tỷ USD và sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm để đạt 77 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường đồ cũ được dự đoán vượt qua ngành thời trang nhanh về mặt doanh thu vào năm 2027. Hoạt động bán đồ cũ cũng đang bùng nổ ở Hàn Quốc, đặc biệt là thông qua các trang thương mại điện tử như Danggeun Market và Bungaejangter.