Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tương lai nào cho Việt Nam sống chung với SARS-CoV-2?

Các chuyên gia cho rằng dù có quy định nới lỏng hay tiếp tục giãn cách xã hội, nhiệm vụ của mỗi người vẫn là tuân thủ phòng hộ cá nhân và không được chủ quan.

Sau thời gian kết thúc giãn cách xã hội trên phạm vi cả nước và sắp kết thúc giãn cách đối với những địa phương có nguy cơ cao, đặc biệt trong 5 ngày liên tiếp, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, nhiều người đã có tâm lý chủ quan.

Nguy cơ trong cộng đồng còn rất lớn

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng đối tượng mắc bệnh tại Việt Nam đã có sự chuyển đổi rõ ràng từ người nước ngoài sang Việt kiều nhập cảnh và hiện tại là người lao động trong cộng đồng.

Trước đây, việc cách ly kịp thời đối tượng người nhập cảnh đã góp phần ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, giai đoạn dịch hiện tại, virus đã lây lan trong cộng đồng. Mặc dù chúng ta đã trải qua gần 3 tuần giãn cách xã hội, nguy cơ lây lan virus vẫn tiềm tàng.

Nguy cơ đầu tiên đến từ những người vừa được công bố khỏi bệnh, xuất viện và những người vừa hoàn thành cách ly.

“Những trường hợp này cần theo dõi, cách ly tại nhà thêm 14 ngày mới có thể tạm thời yên tâm. Đa số là những người trẻ tuổi, sau khi về nhà, họ có thể có tiếp xúc với người lớn tuổi. Điều này rất nguy hiểm”, bác sĩ Khanh nói.

Đối tượng nguy cơ thứ hai là những người ở gần biên giới. Họ có thể dễ dàng qua lại khu vực cửa khẩu, nếu không kiểm soát tốt, đây cũng là nguy cơ lây lan virus trong cộng đồng.

Ngoài ra, hiện nay, do tâm lý chủ quan khi số ca mắc giảm đáng kể, nhiều người bắt đầu tụ tập đông người, nhậu nhẹt, không đeo khẩu trang…

"Tín hiệu đáng mừng là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng của nước ta vẫn có nhưng không còn quá nguy hiểm như một số quốc gia khác. Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn lớn trong cộng đồng còn tồn tại nên chúng ta vẫn không thể tin tưởng 100% tình hình đã ổn định, an toàn được”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

noi long gian cach xa hoi anh 1

Mặc dù chúng ta đã trải qua gần 3 tuần giãn cách xã hội, nguy cơ lây lan virus vẫn tiềm tàng. Ảnh: Việt Linh.

Bác sĩ Khanh lý giải hiện nay, có 3 nhóm nguy cơ lớn nhất cần phải kiểm soát chặt chẽ. Nguy cơ đầu tiên phải kể đến chính là các cơ sở y tế. Bởi khu vực này tập trung rất đông người đến từ nhiều địa phương khác nhau.

Nếu nới lỏng giãn cách xã hội, bệnh viện là nơi phải ưu tiên kiểm soát hàng đầu. Tiếp theo là những nơi tập trung đông người như quán bar, karaoke… cuối cùng là công ty, cơ quan, xí nghiệp.

“Không thể ‘bung’ giãn cách xã hội một cách ồ ạt được. Khi đó, người dân bắt đầu đi hỗn loạn khắp nơi, chúng ta chắc chắn không thể đuổi kịp con virus”, bác sĩ Khanh nói.

Nới lỏng an toàn để không vỡ trận

TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), người điều trị thành công cho 2 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng ngành y tế trước mắt cần rà soát về tình hình dịch bệnh của các địa phương, từ đó phân nhóm các địa phương theo mức độ nguy cơ bùng phát dịch thấp, trung bình và cao dựa trên các yếu tố như số người nhiễm bệnh, biến động dân số, khả năng phát hiện, khoanh vùng, cách ly của y tế địa phương…

Dựa vào báo cáo của Bộ Y tế, Chính phủ sẽ kết hợp với các yếu tố về kinh tế xã hội như: số công ty có nhân công lao động đông, vai trò ảnh hưởng lên nền kinh tế quốc dân... sẽ sắp xếp được các nhóm địa phương.

Từ đó sẽ có quyết sách chính xác về quá trình nới lỏng cách ly xã hội theo từng nhóm địa phương nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhưng phải duy trì quản lý được dịch bệnh.

Theo bác sĩ Hùng, trong mỗi địa phương cũng cần có biện pháp xây dựng chính sách nới lỏng riêng. Cụ thể: phải phân loại quy mô kinh tế, thành phần kinh tế chủ yếu của địa phương, thành phần dân cư với những nhóm người dễ bị tổn thương... Từ đó sẽ quyết định biện pháp nới lỏng cách ly xã hội từng phần phù hợp với tình hình thực tế của chính địa phương mình.

Ví dụ các cơ quan công ty nào không có khả năng làm việc từ xa thì cho nới lỏng trước, các ngành nghề nào có ảnh hưởng lớn đến xã hội thì nới lỏng trước.

Các cơ quan, công ty nào có thể làm việc từ xa được thì tiếp tục thực hiện giãn cách thêm một thời gian ngắn nữa, còn các quán nhậu, karaoke, bar… thì nới lỏng sau cùng.

noi long gian cach xa hoi anh 2

Hàng nghìn công nhân tan ca tại Khu công nghiệp Tân Tạo (TP.HCM). Ảnh: Phạm Ngôn.

Các cơ quan, công ty trước khi được phép tái hoạt động thì phải xây dựng kịch bản rõ ràng, minh bạch về quản lý nhân viên. Phải xây dựng các kịch bản ứng phó trong trường hợp phát hiện cán bộ, công nhân viên bị nhiễm bệnh. Điều này đòi hỏi ngành y tế địa phương mà chủ đạo là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) phải có sợ hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, dễ thực hành.

“Khi đã có kịch bản cho từng địa phương một thì việc nới lỏng giãn cách xã hội sẽ an toàn hơn. Còn nếu nới lỏng đồng loạt và rộng khắp các địa phương thì có thể chúng ta sẽ vỡ trận. Ngoài ra, dù có tiếp tục giãn cách xã hội hay không thì người dân vẫn phải tuân thủ các khuyến cáo phòng dịch, tự phòng hộ cho bản thân và những người xunh quanh”, TS Hùng khẳng định.

Sống chung với SARS-CoV-2

TS Hùng cho rằng hiện nay chúng ta chỉ mới hiểu được 70-80% về SARS-CoV-2 và những hiểu biết này thay đổi theo từng giai đoạn. Diễn biến dịch bệnh vẫn bất thường nên chưa thể khẳng định chiến thắng được, ngược lại nếu chủ quan chúng ta cũng có thể vỡ trận bất cứ lúc nào.

Do đó, trong giai đoạn sắp tới, chúng ta có thể lên kế hoạch tuyên truyền thân thiện và dễ hiểu hơn với đại đa số người dân. Một khi mọi người dân có thể hiểu được sự nguy hiểm của dịch thì họ sẽ tự giác thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội tốt hơn.

noi long gian cach xa hoi anh 3

Thời gian cách ly ngắn hay dài phụ thuộc vào biện pháp dập dịch, sự tuân thủ và ý thức của mỗi người dân. Ảnh: Việt Linh.

Về tương lai Việt Nam có thể sống chung với virus này, TS Hùng cho rằng chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi quá trình phát triển của dịch và đặc tính của loại bệnh dịch này.

Với tình hình thực tế hiện nay, ngành y tế phải thu thập các số liệu thống kê, phân tích đặc điểm của dịch bệnh trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để từ đó tính toán tiên lượng chính xác số người bệnh trong giai đoạn mới, rà soát khả năng đáp ứng của ngành y tế khi có dịch bùng phát trở lại, xây dựng hướng dẫn sàng lọc, phát hiện, điều trị, cách ly… mới cụ thể, đầy đủ và hiệu quả hơn.

Còn đối với cộng đồng, nếu thời gian giãn cách xã hội đủ lâu, kết hợp với tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh như đã làm từ đầu mùa dịch thì số người nhiễm bệnh mới sẽ được khống chế ở mức thấp nhất. Các ổ dịch lớn sẽ không có khả năng xuất hiện.

Bên cạnh đó, chủng virus gây bệnh có thể sẽ yếu dần và đến một lúc nào đó chúng có thể bị tiêu diệt hoặc vẫn tồn tại nhưng chỉ gây ra thể bệnh nhẹ như cúm mùa hàng năm. Khi đó chúng ta có thể yên tâm sống chung với chúng.

“Nếu xã hội khống chế tốt thì thời gian giãn cách xã hội sẽ ngắn, còn nếu day dưa, dịch bệnh lan tràn liên tục thì thời gian giãn cách phải kéo dài hơn. Điều này không nói trước được mà phụ thuộc vào sự tuân thủ, dập dịch, giãn cách và nới lỏng giãn cách phù hợp mà chúng ta làm có triệt để hay không”, TS Hùng nêu quan điểm.

'Đồng bào hãy cách ly vì sức các bác sĩ có giới hạn' Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai chia sẻ các cán bộ y tế Việt Nam có khả năng nhưng cũng có giới hạn. Việc chữa trị Covid-19 có thể thất bại nếu lượng bệnh nhân quá lớn.

Hơn 5 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới

Bộ Y tế cho hay cả nước tiếp tục chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mới từ 16/4. Hiện 216 người khỏi bệnh trên tổng số 268 ca.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm