Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, khoa Phẫu thuật hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội), cho biết nam thanh niên 25 tuổi vào viện thăm khám vì sưng đau vùng dưới hàm trái, đã điều trị kháng sinh nhiều ngày nhưng không đỡ. Qua thăm khám, các bác sĩ thấy mủ chảy ra từ vị trí đau. Tiếp tục siêu âm vùng chảy dịch, bác sĩ phát hiện sỏi ống tuyến nước bọt kích thước 4 mm.
Trường hợp khác là một bệnh nhân nữ 44 tuổi, vào viện với các biểu hiện sưng đau nhiều lần vùng tuyến mang tai trái, có mủ chảy ra. Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị sỏi ống tuyến mang tai.
Theo bác sĩ Mỹ, nam thanh niên nói trên trước khi đến bệnh viện đã lầm tưởng mình mắc bệnh quai bị hay viêm nhiễm thông thường khi bị sưng răng hàm mặt đã tự uống kháng sinh, tới khi đau nhức, sưng tấy vùng mặt mới đi khám.
Bệnh nhân bị sỏi tuyến nước bọt có các dấu hiệu giống như bệnh quai bị hay viêm nhiễm thông thường. Ảnh: Người Lao Động. |
"Thông thường khi sỏi hình thành, không có bất kỳ triệu chứng nào. Đến khi đạt được kích thước đủ lớn, khối sỏi sẽ khiến nước bọt chảy ngược lại vào tuyến, gây đau và sưng. Với bệnh lý này, việc điều trị nội khoa thường không triệt để, còn phẫu thuật cắt bỏ tuyến có nguy cơ tổn thương thần kinh, như thần kinh lưỡi, mặt, hàm dưới, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Để khắc phục nhược điểm này, Bệnh viện Việt Nam - Cuba đã triển khai phương pháp nội soi chẩn đoán, điều trị bệnh lý tuyến nước bọt, phát hiện bệnh lý tuyến nước bọt ở những bệnh nhân vốn tưởng viêm nhiễm thông thường", bác sĩ Mỹ chia sẻ.
Đến nay, hơn 20 trường hợp được áp dụng phương pháp này. Kết quả đánh giá cho thấy sau phẫu thuật không có bệnh nhân nào bị tái phát bệnh.
Từ những trường hợp nói trên, các chuyên gia khuyến cáo bệnh của tuyến nước bọt không nguy hiểm đến tính mạng, các khối u vẫn có nguy cơ tiến triển thành u ác tính và cần được điều trị sớm. Do đó, khi có dấu hiệu sưng đau tái lại vùng dưới hàm, má, bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị.