Khám khắp nơi không tìm ra bệnh
Chỉ đến khi anh tìm đến chuyên khoa tâm thần thì mới té ngửa khi bác sĩ kết luận bị trầm cảm. Thầy thuốc ưu tú, TS. BS Nguyễn Mạnh Hùng – Giám đốc BV Tâm thần Mai Hương cho biết: những trường hợp như bệnh nhân Tùng không phải là hiếm gặp. Hiện nay số lượng bệnh nhân mắc trầm cảm có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do cuộc sống hiện đại phát triển gia tăng sức ép khiến phát sinh nhiều bệnh tâm thần. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân trong đó bệnh nhân trầm cảm chiếm tới 40%.Theo TS Hùng thì nếu trước đây chúng ta chỉ thấy những người bệnh tâm thần nặng không còn khả năng lao động, không làm chủ được ý thức gây bất an cho cộng đồng (đập phá, gây án) khiến cho xã hội không chấp nhân được buộc phải cách ly đưa vào các bệnh viện chuyên khoa tâm thần kiểu cũ, thì bây giờ có rất nhiều bệnh tâm thần có biểu hiện nhẹ mà người bệnh vẫn có thể sống, làm việc công tác và hòa nhập trong cộng đồng.
“Số này mới là rất nhiều, đây chính là nhóm bệnh nhân mà hiện nay chưa được quan tâm đến. Người bệnh và gia đình thường không nghĩ họ mắc bệnh tâm thần nên thường đi khám ở những chuyên ngành nội khoa khác” – TS Hùng nhấn mạnh.
TS Hùng kể lại, có bệnh nhân nữ tìm đến bệnh viện khi hồ sơ bệnh án đã dày cộp. Bệnh nhân từng đi khắp các bệnh viện đến khám ở các chuyên khoa tim mạch do mệt mỏi, kèm những cơn rối loạn nhịp tim nhưng không tìm ra bệnh. Chỉ đến khi đi khám chuyên khoa tâm thần nữ bệnh nhân này mới được bắt đúng bệnh. Và chỉ sau ít thời gian trị liệu, những biểu hiện lo âu, mệt mỏi hoàn toàn biến mất nơi bệnh nhân này.
Rất dễ tìm đến cái chết
Các chuyên gia tâm thần cho biết, người mắc trầm cảm thường có vẻ mặt buồn rầu, nét mặt trở nên đơn điệu, ánh mắt chậm chạp, lơ đãng. Những thích thú trước đây của bệnh nhân bị giảm hoặc mất.
“Trước bệnh nhân rất thích xem bóng đá, đi chợ mua sắm thì bây giờ không thích nữa. Họ rất khó khăn để khởi động một công việc nào đó, dù những công việc nhỏ nhất. ví dụ buổi sáng ngủ dậy việc vệ sinh cá nhân như đánh răng rửa mặt đối với họ cũng trở nên nặng nhọc” – TS Hùng nói.
Ngoài ra người mắc trầm cảm thường mất tự tin vào bản thân và họ cảm thấy thất bại trong cuộc sống. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc và trở thành gánh nặng cho gia đình, cơ quan và xã hội. Họ còn phóng đại những sai lầm nhỏ trước đây, luôn luôn tự trách bản thân mình. Hầu hết bệnh nhân trầm cảm đều có những ý nghĩ về cái chết. Nặng hơn thì họ có ý định tự sát và hành vi tự sát để tự giải thoát cho mình.
Đa số bệnh nhân trầm cảm có triệu chứng mất ngủ. Họ thấy đêm rất dài và những suy nghĩ miên man xuất hiện trong họ như một mối bòng bong. Và những suy nghĩ tiêu cực thường xuất hiện trong những đêm dài trằn trọc… Hiếm gặp hơn có bệnh nhân trầm cảm thì lại ngủ nhiều họ có thể ngủ từ 10-12 tiếng mỗi ngày. Nhưng khi ngủ dậy họ thường rất uể oải, mệt mỏi.
TS Hùng nhấn mạnh, nếu không được điều trị kịp thời trầm cảm nhẹ sẽ thành nặng, từ trầm cảm không hoang tưởng thành hoang tưởng nên dễ dẫn đến tình trạng tự sát. Thậm chí do trường hợp trầm cảm mệt mỏi, không ăn uống, không làm được việc gì, nhưng cũng không được điều trị kịp thời dẫn đến từ chỗ bệnh tinh thần sang bệnh thực thể - liệt hẳn.
Bệnh trầm cảm sẽ được chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh vẫn quay lại làm việc bình thường nếu bệnh nhân đến đúng chuyên khoa tâm thần để được điều trị sớm. Vì thế, TS Hùng khuyến cáo, người bệnh với những biểu hiện trên hoặc đi khám ở các chuyên khoa khác mà không tìm được bệnh thì nên đến khám chuyên khoa tâm thần tại những bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn kịp thời.
Theo tổ chức y tế thế giới bệnh trầm cảm cướp đi mỗi năm 850.000 mạng người. Đến năm 2020 trầm cảm sẽ là căn bệnh xếp thứ 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh nhưng chỉ có 25% số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm rõ rệt chiếm khoảng 3-5% dân số. Tại nước ta khoảng 15-20% dân số mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp. Trong đó, trầm cảm chiếm 5% dân số, tập trung chủ yếu trong độ tuổi lao động.