Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuyển dụng giáo viên tại TP.HCM: 3 chọn 1

Chuẩn bị cho năm học mới 2019-2020, Sở GD&ĐT TP.HCM có nhu cầu tuyển dụng 443 giáo viên và 88 nhân viên ở khối trực thuộc. Đến nay, 1.200 hồ sơ đã ứng tuyển.

Hôm nay (8/7), Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ xem xét từng hồ sơ có đủ điều kiện theo quy định và tiến hành thi tuyển.

Nhu cầu giáo viên Tiếng Anh lớn nhất

Ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết tính đến ngày cuối nhận hồ sơ (3/7), hơn 1.200 hồ sơ ứng viên dự tuyển viên chức ngành GD&ĐT thành phố. Tuy nhiên, sở đang xem xét các hồ sơ có hợp lệ mới biết chính xác ứng viên đăng ký dự tuyển vào môn học nào nhiều nhất.

Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2019-2020, thành phố có thêm 4 trường THPT trên địa bàn các quận, huyện: 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh. Vì thế, sở dự kiến tuyển dụng 531 viên chức, trong đó tuyển 443 giáo viên (GV) THPT và 88 nhân viên để bổ sung nhu cầu GV, nhân viên đối với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc chưa được phân cấp tuyển dụng.

Trong đó, tuyển dụng 82 GV Tiếng Anh, 61 GV Ngữ văn, 54 GV Toán nhưng chỉ tuyển thêm một GV Mỹ thuật và 1 GV Âm nhạc trong năm học 2019-2020. Như vậy, trong năm học này, nhu cầu tuyển dụng GV Tiếng Anh cao nhất, tiếp đến là Ngữ văn và Toán.

Việc tuyển dụng viên chức lâu nay tại TP.HCM được thực hiện theo 2 vòng. Vòng một gồm kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn tại phiếu đăng ký dự tuyển, nếu phù hợp yêu cầu của vị trí việc làm thì người dự tuyển được tham dự vòng kế tiếp.

Vòng 2 là thực hành để kiểm tra năng lực về chuyên môn và nghiệp vụ giảng dạy của người dự tuyển (GV) hoặc nghiệp vụ công tác (nhân viên) trong thời gian 45 phút.

tuyen dung giao vien tp.hcm anh 1
Giáo viên nhận quyết định giảng dạy trong năm học vừa qua. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động.

2018-2019 là năm đầu tiên TP.HCM tiến hành bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức. Đây cũng là năm chứng kiến số hồ sơ dự tuyển tăng đột biến khi có tới hơn 1.800 hồ sơ đăng ký nhưng nhu cầu tuyển dụng chỉ có 363 GV.

Cũng từ năm học này, Sở GD&ĐT TP.HCM đã phân cấp, giao quyền trực tiếp tuyển dụng GV cho trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Đây được xem là chủ trương táo bạo của ngành GD&ĐT thành phố, tuy nhiên cũng có không ít băn khoăn, lo ngại; nhất là khi chưa công khai hệ thống kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng.

Chỉ một số trường được phân cấp tuyển

Theo ông Nguyễn Huỳnh Long, năm học này, khối THPT vẫn chỉ thực hiện ở 2 trường là THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa; đồng thời tiếp tục phân cấp tổ chức tuyển dụng viên chức đối với 22 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, bao gồm một số đơn vị như trường Mầm non Thành phố, trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn, CĐ Kinh tế TP HCM…

Trước đó, theo lộ trình, năm nay sẽ trao thêm cho 3 trường THPT thực hiện mô hình tiên tiến tại TP.HCM là trường THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Lê Quý Đôn (quận 3), THPT Nguyễn Hiền (quận 11) và các trường chuyên, trường có lớp chuyên tại thành phố. Tuy nhiên, đến nay, 3 trường THPT vẫn chưa thực hiện được theo lộ trình.

"Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng viên chức nên trong cuộc họp mới đây, các trường có đề xuất lùi thời hạn thêm một năm để tiến hành tự chủ tuyển dụng. Vì vậy năm nay, 3 trường THPT theo mô hình tiên tiến vẫn chưa thực hiện tự chủ tuyển dụng", ông Long nói.

Riêng đối với trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa, ông Long cũng cho rằng dù giao quyền cho hiệu trưởng, hồ sơ tuyển dụng vẫn phải gửi về sở để thẩm định và người được tuyển dụng vẫn phải bảo đảm những tiêu chí cơ bản theo quy định của ngành GD&ĐT.

Việc một số trường được tự chủ tuyển dụng, tức là giao quyền tuyển dụng trực tiếp cho hiệu trưởng vừa được xem là đột phá nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có không ít băn khoăn, lo ngại hiệu trưởng lạm quyền.

Ở góc độ trường sẽ được phân cấp tuyển dụng, ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho rằng nhiều trường mong được tự chủ nhưng sẽ rất khó để thực hiện nếu chỉ được trao quyền tuyển dụng mà không được quyền sa thải những GV không đạt yêu cầu.

"Chúng tôi biết là việc này rất khó, nhất là với những GV biên chế, đụng chạm với quy định này kia rất mệt mỏi. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận cơ chế giám sát, chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực trong tuyển dụng. Nếu được trao quyền, nhà trường sẽ xây dựng bộ tiêu chí tuyển dụng đổi mới theo đặc thù của trường với sự cố vấn của các tổ chuyên môn", ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, vì là trường theo mô hình tiên tiến nên nếu được trao quyền tuyển dụng, trường sẽ tuyển theo đặc thù riêng của nhà trường. Đó là những GV ngoài giỏi chuyên môn còn phải năng động, chịu đổi mới và chắc chắn là những người trẻ; một trong những tiêu chí tiên quyết là những GV này phải sáng tạo.

Cần cơ chế giám sát tuyển dụng

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng xét một cách tổng quát, việc giao quyền tuyển dụng nhân sự, GV cho hiệu trưởng các trường là tạo điều kiện cho cơ sở có tính chủ động.

Tuy nhiên, để cơ chế thành công, điều kiện cần và đủ phải đến từ 2 phía; đòi hỏi hiệu trưởng ngoài năng lực chuyên môn, cần có tâm, tầm, vì lợi ích chung của đơn vị.

Chúng ta có thể tham khảo, học tập từ mô hình các trường quốc tế hoặc trường ở nước ngoài uy tín. Nếu làm không tốt thì sẵn sàng sa thải. Ngành GD&ĐT cũng chỉ nên đóng vai trò là chủ đầu tư trong trường hợp này.

'Vẫn còn sự chênh lệch quá lớn giữa bằng tại chức và chính quy'

Là người từng giảng dạy 20 năm tại ĐH Sư phạm Hà Nội, TS Vũ Thu Hương cho rằng muốn xã hội chấp nhận bằng tại chức tương đương chính quy, các trường phải thay đổi cách đào tạo.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuyen-dung-giao-vien-tai-tp-hcm-3-chon-1-20190707212349828.htm?fbclid=IwAR0W193Ma7yz-PdRrTlbHvInRa_53CCcZrJB6_CR6sZ_TmSUPJ_BTQhs6m0

Theo Đặng Trinh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm