Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bài tập về nhà khiến trẻ Hong Kong căng thẳng

Kết quả từ một cuộc khảo sát cho thấy hầu hết học sinh tiểu học ở Hong Kong, Trung Quốc, đều dành hơn một giờ mỗi ngày cho việc làm bài tập về nhà.

Những con số thống kê trên đã trở thành một mồi lửa châm ngòi cho phản ứng mạnh mẽ từ các chuyên gia tại Hong Kong. Nhiều người cho rằng các tổ chức giáo dục tại vùng lãnh thổ này cần để trẻ nhỏ được tận hưởng nhiều thời gian rảnh hơn.

Bùng nổ tranh cãi

“Trẻ em cần nhiều thời gian giải trí hơn”, TS Phyllis Chan Kwok-ling, Trưởng khoa Tâm thần trẻ em và Vị thành niên tại Bệnh viện Queen Mary ở Pok Fu Lam nhận định. Bà Phyllis chia sẻ thường xuyên khuyên các bậc phụ huynh rằng, chỉ nên cho trẻ làm bài tập về nhà (BTVN) trong khoảng thời gian dưới một giờ đồng hồ; đồng thời khẳng định, cha mẹ không nên cho con nhỏ học thêm hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa khác để lấp đầy thời gian rảnh rỗi của trẻ.

bai tap ve nha anh 1
Trẻ em Hong Kong gặp nhiều áp lực khi không có thời gian giải trí.

Cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 7-12/2018 có sự tham gia của 2.038 phụ huynh và 18 đại diện từ các trường tiểu học Hong Kong. Theo đó, 98% phụ huynh trong cuộc khảo sát có con đang theo học bậc tiểu học từ 6-8 tuổi và 97% phụ huynh có con từ 9-11 tuổi, cho biết trẻ phải mất ít nhất một giờ để hoàn thành bài tập về nhà mỗi ngày. Cũng theo kết quả từ cuộc khảo sát, khoảng 3-4% học sinh tiểu học Hong Kong mất tới 4 giờ hoặc nhiều hơn để làm xong khối lượng bài tập được giao.

Chia sẻ với truyền thông, Lily Li Xiaowu (33 tuổi) cho biết con gái 8 tuổi của cô thường mất tới hơn 2 giờ/ngày để làm bài tập về nhà. “Con gái tôi có ít nhất 8 bài tập về nhà mỗi ngày và thậm chí, khối lượng bài vở của nó còn nhiều hơn vào cuối tuần. Tôi cảm thấy vô cùng đau lòng khi phải chứng kiến con bé quá căng thẳng do số lượng bài tập khổng lồ mà nó phải làm”, bà mẹ trẻ cho biết.

Cũng theo LiLy, mong muốn bây giờ của cô chỉ đơn giản là, trường học có thể cắt giảm bớt khối lượng BTVN cho học sinh, nhằm giúp trẻ có thể hoàn thành hết công việc được giao trong vòng một giờ và không phải chịu quá nhiều nhiều áp lực nữa. “Chỉ có như vậy, con gái tôi mới có thể có được chút thời gian rảnh để ra ngoài chơi đùa, kể cả chỉ cần nửa tiếng cũng đủ rồi”, Lily nhấn mạnh.

Ý kiến chuyên gia

Ông Christopher Yu Wing-fai, Giám đốc của Tổ chức phi lợi nhuận Viện Giáo dục Gia đình Hong Kong, khẳng định việc hầu hết trẻ em thành phố dành nhiều thời gian để làm bài tập về nhà mỗi ngày là điều không mấy ngạc nhiên. “Kể cả khi giáo viên chỉ giao một bài tập cho mỗi môn học, học sinh cũng sẽ mất kha khá thời gian để có thể hoàn thành xong tất cả”, ông Christopher nhấn mạnh.

Cũng theo vị giám đốc này, một số trường học tại Hong Kong đã đề cập tới việc giao cho trẻ ít bài tập về nhà hơn. Tuy nhiên, ý kiến này nhanh chóng bị các bậc phụ huynh bác bỏ với lo sợ rằng, nếu không có nhiều bài tập, con cái của họ có thể sẽ không nhớ được kiến thức trên lớp và không có cơ hội rèn luyện kỹ năng. Nói về vấn đề này, ông Christopher cho biết: “Đây là một vòng luẩn quẩn”.

Giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận nhận định, thay vì tập trung vào việc chỉ quan tâm con phải dành bao nhiêu thời gian để hoàn thành bài tập về nhà, các bậc cha mẹ nên hiểu rõ các loại bài tập nào nên được giao cho trẻ.

“Tất nhiên trẻ sẽ cảm thấy càng có ít bài tập càng tốt, nhưng một điều quan trọng không kém nữa chính là chất lượng. Nếu giao bài tập nhằm giúp học sinh ôn tập những kiến thức mới được học trên lớp và có thể cho giáo viên nhận thấy đâu là khuyết điểm mà trẻ cần khắc phục, thì điều đó là việc làm hoàn toàn có ý nghĩa”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, ông Christopher cũng nhấn mạnh, các trường học không nên bắt trẻ làm những bài tập chỉ tập trung vào việc học thuộc lòng.

Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, trẻ em Hong Kong chỉ có trung bình khoảng 80 phút để giải trí mỗi ngày, chưa kể thời gian sử dụng các thiết bị điện tử. Trước những con số này, TS Phyllis Chan Kwok-ling khẳng định, trẻ em thực sự cần có nhiều thời gian hơn để thư giãn và phát triển.

Trưởng khoa Tâm thần trẻ em và Vị thành niên này cũng khẳng định thời gian rảnh sẽ giúp trẻ có được quyền tự do trong việc đưa ra quyết định nên làm gì, từ đó giúp trẻ phát triển sự sáng tạo. Bà Chan cho rằng các bậc phụ huynh nên tạo điều kiện cho con có nhiều thời gian giải trí hơn, ít ra là đạt mức thấp nhất trong số 10 mục, được soạn thảo trong “Đặc quyền Trẻ em Hạnh phúc” do nhóm nghiên cứu của nữ tiến sĩ này tại Bệnh viện Queen Mary lập ra.

Theo đặc quyền nói trên, trẻ em từ 5-12 tuổi nên dành từ 10-12 giờ/ngày để ngủ; đồng thời, nên có nhiều thời gian rảnh và hòa mình với thiên nhiên hơn. Ngoài ra, cha mẹ nên duy trì mối quan hệ tốt với con cái, tránh làm trẻ có những căng thẳng không cần thiết. Bên cạnh đó, bà Chan cũng kêu gọi Phòng Giáo dục Hong Kong đưa ra hướng dẫn tới các trường về vấn đề giao bài tập về nhà và bài kiểm tra cho học sinh.

Phát biểu với truyền thông, người phát ngôn của Phòng Giáo dục cho biết Ủy ban Giáo dục tại gia - Hội đồng gồm lãnh đạo, nhà giáo và phụ huynh, đã có nhiều biện pháp thúc đẩy các trường học và phụ huynh áp dụng “đặc quyền trẻ em hạnh phúc”.

Bên cạnh đó, đại diện phát ngôn cũng khẳng định, chính quyền Hong Kong đã đưa ra các chương trình dành riêng cho việc thúc đẩy sức khỏe tinh thần ở trẻ và tăng cường khả năng đối phó của các em trong những tình huống khó khăn.

'Không vào trường quốc tế học phí nửa tỷ, con tôi vẫn thành giáo sư'

Đó là một trong những ý kiến tranh luận liên quan câu chuyện có nên cho con học trường quốc tế với học phí lên tới hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.

https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/hong-kong-bai-tap-ve-nha-khien-tre-cang-thang-4017014-b.html

Theo Vân Huyền/Báo Giáo dục Thời đại

Bạn có thể quan tâm