Tuyến đường sắt leo dốc cao nhất thế giới ở Thụy Sĩ
Thứ tư, 20/12/2017 08:36 (GMT+7)
08:36 20/12/2017
Stoos Bahn ở Thụy Sĩ, nằm ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển, có độ dốc 110%, là tuyến đường sắt leo dốc cao nhất thế giới, với tổng chi phí xây dựng hơn 52 triệu USD.
Tàu điện Stoos Bahn hiện đại được đánh giá là một trong những thắng lợi lớn của thiết kế và công nghệ, chính thức hoạt động ngày 15/12, do Tổng thống Thụy Sĩ, Doris Leuthard trực tiếp khởi động. Ảnh: CNN.
Stoos Bahn nằm ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển, gồm 4 toa xe, có thể chở được 34 hành khách, chạy từ Schwyz đến Stoos, gần hồ Lucerne, ở miền Trung Thụy Sĩ.
Những toa xe của Stoos Bahn có thiết kế sàn nhà đặc biệt, được điều chỉnh để hành khách có thể đứng thẳng ngay cả khi tàu leo lên cao nguyên Alpine với độ dốc 110%. Đoàn tàu sẽ leo cao 743 m trên đoạn đường hơn 1.700 m, với tốc độ 10 m/s.
Stoos Bahn đã phá vỡ kỷ lục về tuyến đường sắt dốc nhất thế giới, trước đó là Gelmerbah, có độ dốc là 106%, chạy đến hồ Gelmersee ở Bern, Thụy Sĩ.
Hệ thống đường sắt mới này được xây dựng nhằm thay thế cho một đường sắt cũ ra đời vào năm 1933.
Đường sắt Stoos Bahn được khởi công xây dựng vào năm 2013 và được hoàn thành sau 4 năm. Tổng chi phí xây dựng của tuyến đường sắt này là hơn 52 triệu USD.
Ông Ivan Steiner, người phát ngôn của hệ thống đường sắt cho biết sau 14 năm lên kế hoạch và xây dựng, mọi người đều rất tự hào về tuyến đường sắt này.
Stoos vốn là một khu nghỉ mát gia đình gần hồ Lucerne, không có ôtô và là địa điểm hấp dẫn cho các hoạt động thể thao, thư giãn, tách biệt với nhịp sống vội vã, ồn ào thường ngày. Khách sạn gần ga tàu nhất là Kempinski Grand Hotel des Bains.
Hàn Quốc vừa khai trương tuyến đường sắt đặc biệt Kyeongkang phục vụ việc di chuyển từ Seoul đến địa điểm tổ chức Thế vận hội mùa đông PyeongChang Olympic 2018.