Khủng hoảng không đáng có
Đêm 17/4, Sở GD-ĐT đưa ra quyết định tuyệt đối không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển vào lớp 6. Trường THCS Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Marie Curie được thông báo dừng các hình thức khảo sát năng lực.
Trước sự thay đổi nhanh chóng trong phương thức tuyển sinh, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội - đã viết trên Facebook cá nhân những chia sẻ tâm huyết và thẳng thắn.
Chia sẻ của PGS Văn Như Cương hút gần 2.000 lượt like và hàng trăm bình luận. |
PGS cho rằng: “Một chỉ thị mang tên cấm thi vào lớp 6 được đưa ra khi gần đến ngày học sinh tiểu học chuẩn bị cho năm học mới".
Ông nêu rõ: “Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho phép 6 trường tự đề ra phương án tuyển sinh. Các trường mất nhiều công sức để tìm ra một lối thoát tối ưu. Thậm chí, có nơi còn in ra những mẫu câu hỏi IQ, EQ để học sinh khỏi bỡ ngỡ. Cuối cùng, trong một cuộc họp với Sở GD-ĐT Hà Nội, ba trường được duyệt, Sở chuẩn bị trình lên UBND Thành phố Hà Nội. Các trường khác tiếp tục hoàn thiện dự án của mình.
Bỗng nhiên, chỉ thị hỏa tốc đưa ra, tất cả các trường chỉ xét tuyển, không thi tuyển dưới mọi hình thức. Chỉ thị này khiến công sức các trường, giới truyền thông... đổ xuống sông, xuống biển”.
Theo PGS Văn Như Cương, “khủng hoảng này chưa có dấu hiệu chấm dứt mà mức độ ngày càng tăng”.
Bài học
Chia sẻ về nền giáo dục hiện tại, PGS phân tích, có tới 99% học sinh không phải thi vào lớp 6. Chỉ có 1% số trường chất lượng cao sẽ tổ chức sát hạch. Điều này cho thấy, chỉ thị cấm thi là hình thức “nước đến chân mới nhảy”.
Bên cạnh đó, PGS Văn Như Cương chỉ ra hàng loạt thách thức: “Hiện nay, học bạ tiểu học có hai mức đánh giá là “không đạt” và “đạt”. Trong đó, phần "đạt" chiếm đa số. Vậy nếu một trường có gần 2.000 hồ sơ, chỉ có thể nhận 500 em, thì làm cách nào để xét tuyển nếu không được thi tuyển?”. Theo PGS, câu hỏi này khiến tất cả các hiệu trưởng đều… “bó tay”.
Qua cuộc khủng hoảng tuyển sinh vào lớp 6, PGS nêu ra bài học để đời cho ngành giáo dục: “Một là, cần phải đổi mới nhưng tuân theo quy luật dục tốc bất đạt”.
Hai là, cấp trên trước khi ban hành một chỉ thị cần nghiên cứu kỹ, sâu sát thực tế và tham khảo ý kiến chuyên gia. Chỉ thị cần tính đến khả thi và sự đồng thuận của nhân dân.
Ba là, quy định nào khi triển khai cần được tính đến những trường hợp phải điều chỉnh, thay đổi để tốt hơn”.