Sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết với tỷ lệ thích hợp cho trẻ sơ sinh và chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho bé.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào khi sinh ra cũng đều được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Đối với nhiều người, nuôi con bằng sữa mẹ trở thành việc “hên xui”, “lực bất tòng tâm”.
Chị Bích Ngọc (ở Thanh Hóa) sinh con cách đây 3 tháng song trong suốt thời gian này, con trai chị hầu như phải dùng sữa công thức. Chị đã dùng nhiều cách như ăn chân giò, móng chó, vắt, kích sữa nhưng không hiệu quả. Bất lực, chị đành nhìn con bú sữa ngoài trong lo lắng.
Còn chị Lê Thị Mai lại có trải nghiệm khác nhau sau hai lần sinh con. Chị cho biết bé gái đầu lòng cũng tương tự hoàn cảnh chị Ngọc. Song đến bé trai thứ hai, chị lại có rất nhiều sữa, con bú không xuể. Chị rất thắc mắc về sự khác nhau này dù việc ăn uống, sinh hoạt ở cả hai lần sinh nở đều giống nhau.
Giải đáp thắc mắc này, TS.BS Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) - cho hay yếu tố quyết định mẹ có nhiều hay ít sữa chính là việc ứng xử của người mẹ. Trước hết, đó là việc cho con bú ngay lập tức sau khi sinh.
“Ngay sau khi đứa trẻ chào đời, mẹ phải cho con bú, kể cả khi chưa cắt rốn. Càng bú sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 30 phút đầu sau sinh”, Tiến sĩ Hải khuyến cáo.
Đặc biệt, các mẹ cần cho con bú thường xuyên vì chính động tác mút của bé sẽ kích thích tiết sữa. Lưu ý, mẹ càng cho con bú cạn bầu sữa thì sữa càng mau về, mỗi lần khoảng 20-30 phút. Cho bé bú hết bầu thứ nhất mới chuyển sang bầu thứ hai vì bú như vậy mới tận dụng được hết nguồn sữa béo cuối bầu để bé tăng cân.
Tư thế cho trẻ bú cũng rất quan trọng. Mẹ nên ngồi và để con ngập hết phần thâm của bầu vú.
Để kích thích mẹ tiết ra nhiều sữa, tinh thần vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Ảnh: Theodysseyonline. |
Mất sữa vì chồng hờ hững
Về những trường hợp như chị Mai, chuyên gia dinh dưỡng lý giải điều đó phụ thuộc vào tinh thần của người mẹ có được vui vẻ, thoải mái hay không.
“Yếu tố tinh thần rất quan trọng. Quá trình khám, tôi đã gặp nhiều trường hợp tương tự trường hợp trên. Có mẹ đẻ hai cháu đầu rất nhiều sữa, nhưng đứa thứ 3 lại không có. Lý do là khi nghe tin vợ đẻ con gái, chồng hững hờ không quan tâm khiến mẹ tủi thân, buồn khóc dẫn đến mất sữa”, bà Hải cho hay.
Chuyên gia này phân tích nôi tiết tố cơ thể ở thùy sau tuyến yên tiết ra sữa bao gồm productin và oxytucxin, trong đó productin kích thích tuyến sữa sản xuất ra sữa, còn oxytucxin kích thích cơ trơn của tuyến vú bài tiết ra sữa.
Để tuyến yên tiết ra hai chất này, tinh thần mẹ phải thoải mái, ngủ đủ giấc. Bên cạnh đó, người chồng phải chăm sóc chu đáo và gần giũi, quan tâm vợ. Nếu người mẹ bị căng thẳng, lo lắng sẽ rất khó tiết ra sữa.
Chế độ ăn giúp mẹ nhiều sữa
Bên cạnh yếu tố tinh thần, để có đủ sữa cho con, mẹ cũng cần chế độ ăn hợp lý.
Nhiều bà mẹ đã nhầm lẫn khi chỉ ăn cơm và thịt kho khô, không dám ăn canh, cháo. Thực tế, về nguyên tắc, bà đẻ cần có chế độ ăn nhiều nước, bao gồm việc uống nhiều nước, ăn thêm cháo. Bác sĩ lưu ý các mẹ có thể ăn tất cả loại cháo như tôm, cua, ngao, ghẹ.
“Trong dân gian nhiều người cho rằng bà đẻ cần kiêng đồ tanh nên không dám ăn cá, ngao, sò, cua,… Chế độ ăn có tác dụng để sữa có nhiều chất và chất lượng sữa tốt hơn nên cần đa dạng chứ không phải chỉ ăn cháo chân chó, chân giò mới nhiều sữa”, bác sĩ Hải khẳng định.