Ngày 26/3, Bộ Y tế đã công bố kết quả xét nghiệm sán lợn của người dân Bắc Ninh tại Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Trong số hàng trăm kết quả dương tính, 17 người đã phải nhập viện điều trị.
Trước tình hình này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đã đề nghị hai viện này phối hợp với Cục Y tế Dự phòng và các đơn vị liên quan thành lập nhóm nghiên cứu dịch tễ về sán dây lợn ở Bắc Ninh và trong cả nước.
Trước đó, chỉ trong vài ngày trung tuần tháng 2, hai bệnh viện chuyên khoa ký sinh trùng lớn nhất Hà Nội là Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhi lứa tuổi mầm non và tiểu học ở Bắc Ninh lên xét nghiệm sán lợn.
Chưa bao giờ, một bệnh viện chuyên khoa ký sinh trùng lại có cảnh quá tải, người dân xếp hàng từ 2h sáng, mặc trời mưa rét, để đợi khám như vậy.
Cảnh tượng xếp hàng chờ khám diễn ra nhiều ngày ở Viện Sốt rét, Ký sinh trùng, Côn trùng Trung ương. Ảnh: Quỳnh Trang. |
4 ngày sau khi cảnh tượng này được báo chí liên tục ghi nhận, chiều 19/3, một cuộc họp báo đã được tổ chức ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, với sự tham gia của Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, Nguyễn Thanh Phong, lãnh đạo huyện, Sở Y tế.
Trong cuộc họp báo này, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chia sẻ: “Kết quả dương tính chưa khẳng định chắc chắn nhiễm sán, cũng chưa chỉ định điều trị. Chỉ khi giám sát tại cộng đồng, các cháu dương tính có biểu hiện bệnh thì mới điều trị”.
Đối với câu hỏi Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm đánh giá thế nào về tỷ lệ nhiễm sán của học sinh Bắc Ninh (11,9%), trong khi tỷ lệ của 55 tỉnh thành theo công bố là 0,5-12%, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: "Thuận Thành là một trong những địa phương có tỷ lệ nhiễm sán cao, nhưng không phải bất thường”. Điều này cũng được GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định với báo chí.
Câu trả lời của lãnh đạo Bộ Y tế, UBND tỉnh, chuyên gia ký sinh trùng dường như chưa thỏa đáng những thắc mắc của dư luận.
Tỷ lệ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh là bình thường?
Về tỷ lệ trẻ em nhiễm sán lợn (11,9%) được cho là “cao, nhưng không phải là thường” ở Bắc Ninh, GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Australia), cho rằng nhận định này cần xem xét lại một cách khoa học.
Theo ông, dựa trên các số liệu đăng tải trên báo chí về tình hình tổng số trẻ ở Bắc Ninh và số lượng học sinh dương tính với sán lợn những ngày qua, tỷ lệ trẻ em ở Bắc Ninh nhiễm (dương tính) sán lợn khoảng 19-20%.
Trong gần 20 năm qua, GS Tuấn cho biết rất nhiều nghiên cứu ở Việt Nam về sán heo được công bố trên các tập san y khoa quốc tế. Các nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta một "bức tranh" chung về tình hình nhiễm sán heo ở Việt Nam, chủ yếu là ở các tỉnh phía Bắc. Tính chung kết quả các nghiên cứu trên, tỷ lệ nhiễm sán heo trung bình là khoảng 5%. Có nhiều vùng tỷ lệ nhiễm sán heo ước tính chỉ khoảng 1%. Ngay cả nghiên cứu trước đây cũng cho thấy tại Bắc Ninh, tỷ lệ nhiễm sán heo và sán gạo ở các mẫu cũng chỉ dao động trong khoảng 4%.
"Đối chiếu con số 4% trong y văn với kết quả xét nghiệm dương tính 20% ở xã Thanh Khương (tỉnh Bắc Ninh) năm nay, chúng ta thấy rõ ràng gia tăng gấp 5 lần. Ngay cả so sánh với tỷ lệ cả nước (ước tính 5%), tỷ lệ dương tính ở xã Thanh Khương vẫn cao gấp 4 lần. Đó là một xu hướng gia tăng bất thường, cần phải quan tâm", GS Tuấn khẳng định.
Đối với con số 11,9% mà các chuyên gia đầu ngành đưa ra, nhiều độc giả cũng thắc mắc tỷ lệ này là số lượng học sinh nhiễm bệnh trên tổng số học sinh trong lứa tuổi mầm non, tiểu học hay là tỷ lệ người nhiễm trên tổng số dân? Việc so sánh với tỷ lệ ở 55 tỉnh thành là “tỷ lệ nhiễm bệnh chung, hay là tỷ lệ nhiễm bệnh của các cháu cùng lứa tuổi”.
“Để nhận định chính xác vấn đề, các chuyên gia y tế, cơ quan chức năng cần so sánh dựa trên nghiên cứu cụ thể với đối tượng là trẻ mầm non, tiểu học như những gì đang diễn ra ở tỉnh Bắc Ninh”, độc giả Trần Công Tuấn chia sẻ.
Nếu xét nghiệm không cần thiết, sao Bộ Y tế không chỉ đạo dừng sớm?
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, việc người dân Bắc Ninh dồn dập đưa con đi lấy máu xét nghiệm sán lợn là không cần thiết. Xét nghiệm máu sàng lọc chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh, với các trẻ khỏe mạnh không triệu chứng là vô nghĩa.
Dù vậy, trong 4 ngày (15-18/3), khoảng 3.000 gia đình từ Bắc Ninh ra Hà Nội đưa con đi xét nghiệm sán lợn với chi phí xét nghiệm 600.000 đồng đến một triệu đồng. Với số tiền này, chỉ trong vài ngày người dân Bắc Ninh đã tiêu tốn hàng tỷ đồng. Sau khi người dân đã bỏ tiền tự đi xét nghiệm, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh mới phát biểu sẽ chi trả số tiền này.
“Nếu đây là kiến thức phổ biến, đã có trong phác đồ điều trị của Bộ Y tế, chắc chắn các bác sĩ phải nắm được. Tại sao bác sĩ không sàng lọc ngay từ đầu để tư vấn cho bệnh nhân có nên tiến hành xét nghiệm hay không?”, độc giả Hoàng Quỳnh Mai nhận định.
Đến chiều 21/3, tức sau gần một tuần diễn ra sự việc, Bộ Y tế mới có công văn chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán sán dây lợn. Bởi “xét nghiệm này không thể khẳng định hiện tại cơ thể có mắc bệnh sán dây lợn hay không, chỉ mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và cần một số kết quả xét nghiệm xác định khác”.
Tuy nhiên, trước khi có thông báo này, hình ảnh cả gia đình xếp hàng từ đêm đợi xét nghiệm ở Viện Sốt rét, Côn trùng, Ký sinh trùng Trung ương, hay những đứa trẻ kêu khóc mệt mỏi vì phải chờ đợi, xuất hiện trên rất nhiều trên báo chí, truyền hình.
Độc giả Phạm Thu Liên bình luận: “Nếu việc đứng đợi nhiều giờ dưới mưa rét để xét nghiệm là vô nghĩa, sao Bộ Y tế không thông báo ngay khi có phản ánh của báo chí, mà đợi đến khi cả nghìn người xét nghiệm rồi mới chỉ đạo”.
Không cần làm gì khi nhận kết quả dương tính?
Lý do Bộ Y tế đưa ra quyết định dừng xét nghiệm sán lợn là dù kết quả xét nghiệm dương tính không thể khẳng định người đó bị nhiễm sán heo, và cũng không cần xét nghiệm lại. Công văn này còn giải thích thêm: “Trường hợp kết quả xét nghiệm ELISA âm tính không cần phải xét nghiệm lại”.
Nhận định về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: “Điều đó có thể thấy quan điểm của Bộ Y tế là dù kết quả xét nghiệm dương tính hay âm tính cũng không xác định được nguời được xét nghiệm có bị nhiễm sán heo”.
Tuy nhiên, theo giáo sư này, một người có kết quả xét nghiệm dương tính không hẳn có nghĩa là người đó bị nhiễm sán heo, nhưng kết quả xét nghiệm dương tính có thể giúp nhận ra người có nguy cơ cao để nếu cần bác sĩ sẽ can thiệp kịp thời.
Thực tế, không một phương pháp xét nghiệm sán lợn nào hoàn hảo, chính xác 100% hay là “chuẩn vàng”. Phương pháp xét nghiệm kháng thể dùng ELISA theo y văn có độ nhạy khoảng 90% và độ đặc hiệu khoảng 60%. Điều này có nghĩa là tỷ lệ dương tính giả là 40% (100 người không bị nhiễm, 40 người có kết quả dương tính) và tỷ lệ âm tính giả là 10% (100 người bị nhiễm, 10 người có kết quả âm tính).
“Nếu một người có kết quả xét nghiệm sán heo là dương tính, xác suất người đó thật sự bị nhiễm sán heo là bao nhiêu. Câu hỏi này có thể trả lời tuỳ thuộc vào bối cảnh địa phương. Chẳng hạn như ở xã Thanh Khương (tỉnh Bắc Ninh), y văn cho biết tỷ lệ nhiễm sán heo trong cộng đồng là khoảng 10%. Với dữ liệu này, chúng ta có thể nói rằng một người có kết quả xét nghiệm dương tính, xác suất người đó bị nhiễm là 20%. Nói cách khác, cứ 100 người có kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính, có 20 người thật sự bị nhiễm sán heo. Con số 20% cao gấp hai lần tỷ lệ trong cộng đồng, và khó mà nói rằng không cần làm gì tiếp. Nhiễm sán gạo thường tập trung trong địa phương và gia đình. Những cá nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính, bước kế tiếp là xét nghiệm tất cả thân nhân, bởi trong gia đình có thể có nguy cơ lây nhiễm cao”, GS Tuấn chia sẻ.
Nguồn lây bệnh từ đâu?
Quay trở lại nguyên nhân ban đầu khiến hàng nghìn phụ huynh ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Đó là sau khi hình ảnh bữa ăn trưa với món thịt "đầy những đốm trắng" của những đứa trẻ ở trường mầm non Thanh Khương bị phanh phui. Ít ngày sau đó, thịt gà thối cũng được phụ huynh phản ánh "có mặt" trong bữa ăn của trẻ.
Đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường mầm non Thanh Khương là Công ty TNHH đầu tư tài chính Hương Thành. Đây cũng là nơi cung cấp thực phẩm cho nhiều trường khác trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Đặc biệt, hai mẫu thực phẩm bị tố là thịt lợn nghi nhiễm sán không còn lưu giữ. Theo lý giải của cơ quan chức năng, vụ việc đã diễn ra từ ngày 14/2 và ngày 20/2 nên họ không lấy được mẫu thịt lợn để làm xét nghiệm (mẫu chỉ lưu trong vòng 24 giờ theo quy định của Bộ Y tế).
Phát biểu trong cuộc họp báo tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho rằng chưa có cơ sở khẳng định nguyên nhân các học sinh ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, dương tính với nhiễm sán do ăn thịt lợn, kể cả mẫu thịt lợn nghi có sán ngày 14/2 và ngày 20/2. Bởi nếu thực phẩm đã được nấu chín, nguy cơ lây nhiễm bệnh hầu như không có. Theo nghiên cứu dịch tễ của Bộ Y tế và các tổ chức y tế trên thế giới, thực phẩm đã được nấu chín khoảng 80% trở lên không có nguy cơ lây các bệnh về viêm nhiễm đường ruột.
Vị lãnh đạo này còn cho rằng ngoài thực phẩm, nguồn nước không bảo đảm, không rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đều có thể lây nhiễm sán, giun… "Không chỉ từ thực phẩm ăn tại trường học, bệnh có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau nếu thực phẩm không bảo đảm vệ sinh sạch sẽ", ông này nhấn mạnh.
Dù vậy, việc nhiều trẻ "học cùng một trường, ăn cùng một món" và giờ cùng nhận kết quả dương tính với sán lợn không khỏi khiến cha mẹ, người thân và dư luận nghi ngại. Liệu những miếng thịt "đầy những đốm trắng" kia vô can với căn bệnh mà các em đang phải hứng chịu?
“Sự chậm trễ của các chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo Bộ Y tế trong việc hướng dẫn, tư vấn cho người dân không chỉ tiêu tốn tiền bạc, công sức của họ mà còn để lại sự hoang mang, không biết mình phải làm gì để bảo vệ những đứa con và cho chính bản thân mình của người dân Bắc Ninh. Ai, cái gì đã khiến cho hàng trăm đứa trẻ dương tính? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này?”, độc giả Phạm Đức Bình thắc mắc.