Lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng
Thạc sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng giám sát, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết tính đến quý I/2015 số người nhiễm HIV phát hiện mới là 1.504 người, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS 836, số người nhiễm HIV tử vong 228 người.
Trung bình mỗi ngày cả nước phát hiện thêm 20 người nhiễm HIV. Mặc dù số ca mắc mới giảm nhưng lũy tích số người nhiễm còn sống đang ngày càng tăng cao. Tính từ đầu vụ dịch (năm 1990) đến nay, hiện số người nhiễm HIV còn sống là 227.064, số người tử vong 72.772 người.
Thạc sĩ Sơn cũng cho biết, dịch HIV/AIDS tiếp tục lan rộng theo địa bàn, các khu vực miền núi dịch HIV đang lan rộng với mức độ trầm trọng hơn so với thành phố. Theo đó 80,3% xã phường có người nhiễm HIV tập trung ở các vùng miền núi Nghệ An, Lai Châu nơi có biên giới giáp Lào.
Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm có nguy cơ cao (nghiện ma túy, mại dâm, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng tính) có xu hướng giảm nhưng một số tỉnh vẫn cao. Tại Thái Nguyên, 100 người nghiện ma túy thì có đến 30 người nhiễm HIV, ở Điện Biên con số này là 24. Riêng Hà Nội, ngoài nhóm nghiện ma túy, tỷ lệ phụ nữ bán dâm nhiễm HIV rất cao chiếm tới 17%; gấp 5 lần TP HCM (trong khi đó, tỷ lệ này trên cả nước chỉ là 3%).
Gia tăng phụ nữ mang thai nhiễm HIV. |
Theo ông Sơn, con đường lây truyền bệnh chính trước đây là ma túy chiếm đến 60% thì nay giảm dần, lây qua đường tình dục tăng lên chiếm đến 52%. Đây chính là nguyên nhân khiến số nữ giới phát hiện nhiễm bệnh ngày càng tăng. Cụ thể 34% số những người nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm là nữ giới (trước đây là 15-20%).
Chỉ 60% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị
Ths Nguyễn Lan Hương, Phó phòng điều trị chăm sóc HIV/AIDS Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết thêm tình hình dịch đang có xu hướng làm gia tăng ở phụ nữ mang thai. Theo ước tính khoảng 0,12% (tương đương khoảng 3.000) phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Theo thạc sĩ Hương, độ bao phủ xét nghiệm còn hạn chế, xét nghiệm trước sinh thấp, xét nghiệm muộn làm tăng nguy cơ lây truyền mẹ con. Hiện điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con chỉ bao phủ chỉ được khoảng 60%. Điều đó có nghĩa mỗi năm mới chỉ có 1.000 phụ nữ mang thai được điều trị, 1.200 người không được điều trị dự phòng, nhiều khả năng lây truyền bệnh sang cho con.
“Trong khi đó, theo các kết quả chúng tôi thực hiện được thì cứ 100 phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng thì chỉ có 7-8 trẻ sinh ra nhiễm HIV, đặc biệt nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện điều trị sớm thì cứ 100 trẻ sinh ra chỉ có 3 trẻ nhiễm HIV”, thạc sĩ Hương nói.
Ngoài ra, chống lây truyền từ mẹ sang con còn gặp không ít khó khăn như việc can thiệp chưa được thực hiện thường quy như một phần của gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện.
Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản khiến nhiều bà mẹ không được tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi tập tục đẻ tại nhà đã khiến nhiều phụ nữ thiếu thông tin về hiệu quả của các can thiệp phòng lây truyền mẹ con. Đồng thời với đó là tình trạng mất dấu sau khi sinh con cao dẫn đến việc khó khăn trong theo dõi tình trạng trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng người nhiễm còn sống vẫn ngày một tăng thì việc cắt giảm hàng loạt các dự án, vốn tài trợ quốc tế từ năm 2013 ảnh hưởng rất nhiều đến các chương trình can thiệp, trong đó có đối tượng phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Trong khi đó, theo khuyến cáo mới của WHO thì tất cả phụ nữ nhiễm HIV có thai và đang cho con bú nên được điều trị ARV và duy trì ít nhất trong thời gian có nguy cơ lây truyền mẹ con. Tất cả phụ nữ nhiễm HIV có thai và đang cho con bú nên được điều trị ARV suốt đời.
Đây là thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại nước ta. Điều này đòi hỏi sự chung sức của tất cả các cấp, ngành, địa phương chứ không chỉ trông chờ vào nguồn viện trợ từ các tổ chức phi chính phủ.